Công ty CP Thủy điện Sông Lô 7: Ngang nhiên đổ hàng nghìn m3 đất thải xuống vệ sông Lô

Trong quá trình thi công, xây dựng Thủy điện Sông Lô 7, tại địa phận xã Yên Phú, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, chủ đầu tư và nhà thầu đã ngang nhiên nhằm ven sông, vệ sông Lô để đổ đất đá thải, gây ô nhiễm nghiêm trọng, bồi lấp và ảnh hưởng vận tốc dòng chảy sông Lô. Khi được hỏi đến vai trò quản lý Nhà nước thì cơ quan nọ chỉ sang cơ quan kia. Và cuối cùng là “phó mặc” cho chủ đầu tư muốn làm gì thì làm. Đã đến lúc cần phải xem xét trách nhiệm thuộc về ai?

Dân bức xúc vì ô nhiễm

Trao đổi với phóng viên, chị Đinh Thị L., nhà ở thôn 1A, xã Yên Phú bức xúc cho biết: Hằng ngày, tiếng máy móc nghiền đá tại công trường xúc nghiền, khiến bụi bặm từ phía sau bốc hết vào gia đình chị. Máy thi công cứ xúc đất thải từ trong khu vực hố đập, thân đập chở ra, đổ vào ven dòng sông Lô để lấp tạm bợ vào đây, vào cả ruộng nương của một số bà con nhân dân. Cũng theo chị L, chính vì họ đổ như vậy, khiến cho lòng sông bị thu hẹp lại và về lâu về dài thì không biết như thế nào. Nhà chị L. bị ảnh hưởng chủ yếu bởi bãi nghiền đá của công trường.

Bức xúc, gia đình chị có ý kiến lên UBND xã Yên Phú và những người đang chỉ huy tại công trình này. Tuy nhiên, họ chỉ tiếp nhận một cách hời hợt, xong rồi lại đâu vào đấy. Đá thải từ hố móng đào lên lại được xúc đưa vào bãi nghiền để làm nguyên vật liệu xây dựng, đổ bê tông luôn tại công trình…

Sông Lô đang thu hẹp dòng chảy vì nạn đổ thải, lấn dòng chảy

Anh Hà Văn T., nhà ở Km59, xã Yên Phú cho biết: “Không hiểu cấp nào cho phép họ xây dựng thủy điện mà lại ẩu đến vậy. Họ xẻ thân một số quả đồi ở khu vực này ra làm mặt bằng. Thay vì chở đất thải đi đâu đó, thì họ lại “quăng” cả xuống sông, đắp ngang hẳn nửa dòng sông Lô. Đất, đá thải cứ mặc sức đổ. Vừa rồi mưa lũ kéo về, bao nhiêu đất thải đều bị cuốn đi theo dòng nước. Những người làm nghề chài lưới, đánh cá ở đây, dạo này không dám dong thuyền vào gần khu vực thi công xây dựng nhà máy vì đá đất họ đổ đã làm biến đổi dòng chảy, đá ngầm lăn ra nhiều. Thuyền bè đi lại rất sợ mất an toàn”.

Sau đó, anh T. bảo người nhà dùng thuyền máy nhỏ, tình nguyện chở phóng viên đi dọc theo khu vực đất đá đổ thải xâm lấn dòng sông Lô để ghi hình và quan sát thực tế của hiện trường.

“Mục sở thị”, phóng viên nhận thấy những tố cáo về hành vi đổ thải xuống sông Lô của người dân là có cơ sở. Việc đổ thải này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng nước, cũng như tình trạng đất trong đá thải bị nước lũ cuốn trôi gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến môi trường nước.

Buông lỏng quản lý?

Mang những bức xúc của người dân địa phương đến UBND xã Yên Phú, huyện Hàm Yên, phóng viên được lãnh đạo UBND xã Yên Phú giới thiệu làm việc với ông Quyền – cán bộ địa chính. Tuy nhiên, ông Quyền cũng không nắm được việc chủ đầu tư nhà máy Thủy điện Sông Lô 7 có được phép đổ đất thải xuống sông Lô và có được phép xúc đá thải trong công trình để đi nghiền hay không. Ông Quyền cho biết: Kể từ khi chủ đầu tư đến địa phương, họ chỉ trao đổi “bằng miệng” với địa phương mà không hề xuất trình bất kể một giấy tờ gì cho xã. Sau đó, họ xây dựng, đào bới. Ông Quyền cũng cho biết thêm: Do thẩm quyền của xã có hạn nên hiện tại xã không nắm được cụ thể vị trí đất nào của họ…

Qua điều tra, phóng viên được biết: Chủ đầu tư của dự án Thủy điện Sông Lô 7 là Công ty CP Thủy điện Sông Lô 7, có mã số thuế 0108265153, do ông Trương Đình Lam làm đại diện pháp luật. Địa chỉ đăng ký của Công ty tại số 234, ngõ 8, đường Chu Văn Thịnh, tổ 11, phường Chiềng Lề, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La (nay Công ty này đã chuyển về số 12 Đào Tấn, Hà Nội). Liên hệ đến đại diện doanh nghiệp là ông Trình, phụ trách tại công trình này, khi được hỏi về quy trình đổ thải cũng như việc nghiền đá thải làm thành đá xây dựng công trình có được phép hay không, ông Trình không trả lời được và tắt máy. Sau đó, phóng viên liên lạc lại thì ông này không bắt máy nữa.

Để rộng đường dư luận, phóng viên liên hệ làm việc với ông Đỗ Đức Chiến – Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên. Sau khi nghe phóng viên trình bày một số vấn đề liên quan đến việc đổ thải bừa bãi xuống sông Lô của chủ đầu tư, cũng như việc lấy đá thải từ hố móng lên nghiền làm nguyên liệu xây dựng, ông Chiến cho biết sẽ chỉ đạo làm rõ và trả lời sau. Tiếp đó, phóng viên đến làm việc với Phòng TN&MT huyện Hàm Yên, nhưng các cán bộ của phòng này cũng không nắm được việc đổ thải xuống sông Lô như vậy là do ai cấp phép, bởi không phải “trách nhiệm” của Phòng, mà là của Phòng… Hạ tầng và các sở, ngành của tỉnh.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Thu Phương (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) phân tích: Việc thi công dự án phải tuân thủ nghiêm Luật Bảo vệ môi trường. Đất đá thải phải đổ đúng nơi cấp phép của cơ quan chức năng chứ không phải thích đổ đâu thì đổ. Chưa kể, việc tận thu khoáng sản có được UBND tỉnh chấp thuận hay không, có đóng thuế không? Không phải cứ tiện khai thác là xúc đi làm nguyên liệu xây dựng để rồi “trục lợi”.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải sớm vào cuộc, kiểm tra làm rõ việc đổ thải xâm lấn sông Lô như hiện nay có đúng quy định pháp luật hay không, hay ai đang “chống lưng” cho doanh nghiệp này, nên mặc sức muốn làm gì thì làm tại Tuyên Quang.