Yếu tố lao động trong các FTA thế hệ mới

Việt Nam hiện đã ký hoặc đang đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác. Nhiều FTA trong số này đặc biệt là CPTPP và EVFTA được xếp vào hàng các FTA thế hệ mới. Vấn đề lao động là một trong số các yếu tố làm nên chất lượng cho các bản FTA mới này. Cần nhìn nhận vấn đề ra sao?

Yếu tố lao động ngày càng được quan tâm trong các thỏa ước thương mại

Điểm khác biệt giữa các FTA thế hệ mới so với các FTA thế hệ cũ là nhiều nội dung mới hơn như đầu tư, cạnh tranh, mua sắm công, thương mại điện tử, khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.

Các tiêu chuẩn về lao động cũng được coi là yếu tố làm nên chất lượng và sự khác biệt của các bản FTA thế hệ mới. Điều đáng nói là các tiêu chuẩn về lao động đã từng bị đưa ra khỏi chương trình nghị sự thương mại toàn cầu từ hội nghị WTO tại Seatle từ năm 1999. Lý do của hành động này là các nước thành viên WTO thuộc nhóm các nước đang phát triển coi đây là một thứ hàng rào bảo hộ mới.

Theo các chuyên gia, các yếu tố về lao động đã bất ngờ quay trở lại và dần hiện diện trong các bản FTA gần đây là do quan niệm người lao động là người trực tiếp làm ra sản phẩm ngày càng được đề cao. Bên cạnh đó điều kiện lao động được coi trọng hơn là nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng. Một quốc gia có tiêu chuẩn lao động thấp, tiền lương và điều kiện lao động không trên cơ sở thương lượng sẽ được coi là có chi phí sản xuất thấp hơn, dẫn đến điều được gọi là cạnh tranh không bình đẳng. Các bản FTA thế hệ mới đều tiếp cận theo cách này. Vì khi thành lập WTO vào năm 1995 chỉ có 4 FTA có nội dung về lao động nhưng đến nay đã có đến 72 FTA có nội dung về lao động.

Điều đáng chú ý là các FTA thế hệ mới tuy không đưa ra tiêu chuẩn về lao động mà chỉ khẳng định lại các tiêu chuẩn lao động trong 8 Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Đó là Công ước 87 và 98 về quyền tự do hiệp hội và thương lượng tập thể; Công ước 29 và 105 về quyền tự do không bị cưỡng bức hay bắt buộc lao động; Công ước 138 và 182 xóa bỏ lao động trẻ em; Công ước 100 và 111 về xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp.

Việt Nam hiện đã phê chuẩn 5/8 công ước này. 3 Công ước chưa được phê chuẩn gồm Công ước 87, 98 và 105. Các chuyên gia cũng cho rằng, việc phê chuẩn công ước sẽ không mang lại ngay lập tức tiến triển trong quan hệ lao động nhưng nó có tác dụng trong việc điêu chỉnh luật quốc gia cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Một khi tham gia và các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, Việt Nam sẽ phải thông qua 3 công ước còn lại và lồng ghép vào hệ thống pháp luật quốc gia.

Việt Nam đang thực hiện việc sửa đổi Bộ luật lao động theo hướng phù hợp hơn với những yêu cầu đặt ra trong các FTA thế hệ mới. Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, ngày 29/5/2019, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày trước Quốc hội Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98. Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc gia nhập Công ước số 98 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế xã hội.

Các nội dung chính của Công ước 98 bao gồm bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động, bảo vệ tổ chức của người lao động khi không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động và những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí.

Khi Việt Nam gia nhập Công ước số 98, người lao động sẽ được hưởng lợi về tiền lương và điều kiện lao động tốt hơn thông qua thương lượng tập thể được thực hiện một cách thực chất và hiệu quả. Người sử dụng lao động cũng được hưởng lợi do thương lượng tập thể thực chất, tăng năng suất lao động, hạn chế, phòng ngừa tranh chấp lao động, đình công và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.