Bảo vệ chủ quyền gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường

Ngày 3/6, tại Căn cứ Quân sự Long Sơn Vùng 2 Hải quân, Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Quân đội bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển gắn liền với bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục sự cố môi trường biển, hải đảo Việt Nam”. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị chủ trì hội thảo.

Các lực lượng quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nhặt rác thải nhựa dọc bãi biển Thùy Vân

Tại Hội thảo, các đại biểu dành thời gian thảo luận vị trí, vai trò quan trọng của biển, hải đảo trong chiến lược phát triển đất nước; tác động ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các sự cố môi trường biển hiện nay; việc sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả và bền vững; kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học trong thời gian qua…

Theo Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, biển đảo Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh đất nước. Biển, đảo vừa là bộ phận cấu thành chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; vừa là không gian sinh tồn và phát triển kinh tế truyền thống của người Việt trong việc quốc kế dân sinh. “Bởi vậy, phát triển kinh tế biển, đảo là tất yếu trong giai đoạn mới. Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Phát triển kinh tế, bảo vệ biển đảo không tách rời với bảo vệ môi trường hòa bình trên biển, kiềm chế ô nhiễm môi trường”- Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, nhấn mạnh.

Bộ đội Hải quân Vùng 2 giúp ngư dân treo cờ Tổ quốc trước khi tàu cá hải trình đi biển

Quân đội là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo của Tổ quốc, trong đó Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng chủ lực; Cảnh Sát biển, lực lượng kiểm ngư là lực lượng quan trọng; ngư dân là lực lượng không thể thiếu trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, giữ gìn ngư trường hòa bình, sạch và an toàn. Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức giữ gìn môi trường biển được ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Để làm tốt công tác Bảo vệ chủ quyền gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường; trước hết lực lượng quân đội đóng quân trên địa bàn sở tại các tỉnh thành ven biển, có biển thực hiện tốt chức năng, tích cực huy động lực lượng ngư dân, nhân dân cùng chung tay góp sức bảo vệ tài nguyên khoáng sản biển; giữ vững môi trường hòa bình; nêu cao ý thức đánh bắt thủy hải sản trên các vùng biển, đảo của ngư dân theo luật pháp quy định…

Nguồn: