Cần đảm bảo quyền lợi của người dân sinh sống gần khu vực khai khoáng

ThienNhien.Net – Là tỉnh có tiềm năng thế mạnh về tài nguyên khoáng sản và công nghiệp luyện kim, Thái Nguyên hiện có 159 điểm mỏ khai thác khoáng sản được cấp phép. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh, thời gian qua, nhiều chủ mỏ đã thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn khai thác mỏ. Tuy nhiên hiện nay, nhiều khu dân cư lân cận các điểm khai thác mỏ ở Thái Nguyên đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống thường ngày do một số điểm mỏ chưa có biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm môi trường, khai thác mỏ làm hỏng đường giao thông, biến dạng địa hình, hạ mực nước ngầm gây mất nước cục bộ…

Công trường khai thác vàng (Ảnh: ThienNhien.Net)

Đơn cử như tại xóm 5 và xóm 8 xã Phúc Hà (thành phố Thái Nguyên), từ năm 2010 đến nay, người dân liên tục phản ánh tình trạng nước từ bãi đổ thải của Mỏ than Khánh Hòa chảy vào cánh đồng đang canh tác của bà con, gây ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lúa và hoa màu.

Trước thực tế này, Công ty TNHH MTV than Khánh Hoà đã hỗ trợ thiệt hại về sản lượng cho bà con với tổng số tiền hơn 250 triệu đồng, đồng thời triển khai phương án di dời 69 hộ sống gần bãi thải Nam của Công ty. Hiện một số hộ đã nhận tiền bồi thường và di chuyển đến nơi ở mới song không ít hộ tuy nhận được bồi thường vẫn chưa yên tâm ổn định cuộc sống bởi việc tìm, bố trí đất sản xuất ở nơi tái định cư khá khó khăn. Ngoài ra, các hộ dân xóm 3, xã Phúc Hà cũng phản ánh việc mỏ sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phá dỡ, bóc tách đất đá ảnh hưởng đến đất đai, tài sản, công trình kiến trúc của bà con…

Cũng giống như tại Phúc Hà, bà con ở xóm Chiềng (xã Phú Cường, huyện Đại Từ) cũng rất bức xúc trước việc Doanh nghiệp Anh Thắng khai thác than trên núi Hồng theo hình thức lộ thiên khiến cho bùn và đất đá chảy xuống ruộng, ao, hồ, đầm chứa nước. Kiểm tra thực địa cho thấy, Doanh nghiệp Anh Thắng không thực hiện đúng trình tự quy định về khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường, gây bồi lấp đất canh tác của người dân. Trước đó, doanh nghiệp này cũng từng phải đền bù cho người dân xóm Chiềng do khai thác khoáng sản ảnh hưởng đến người dân.

Tại huyện Đại Từ, cử tri xã Yên Lãng nhiều lần bày tỏ lo ngại về an toàn của người dân khi Công ty than Núi Hồng sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để phá đá phục vụ khai thác mỏ; đổ thải ảnh hưởng đến đất đai, tài sản của bà con… Trước đó, sau nhiều năm liên tục kiến nghị và các cơ quan chức năng, báo chí vào cuộc người dân khu vực lân cận Mỏ sắt Trại Cau (huyện Đồng Hỷ) đã được doanh nghiệp quản lý mỏ hỗ trợ bồi thường hàng chục tỷ đồng do hoạt động khai thác mỏ gây sụt lún đất, mất nước, nứt nhà của người dân địa phương.

Từ thực tế này, các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ mỏ thực hiện đúng các quy định về đảm bảo an toàn khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường, góp phần ổn định cuộc sống, bảo đảm quyền lợi người dân khu vực lân cận mỏ, tránh trường hợp đáng tiếc như vụ sạt lở khu đổ thải Mỏ than Phấn Mễ tại xã Phục Linh – Đại Từ vừa qua, làm chết và bị thương 7 người đồng thời vùi lấp, gây hư hại hàng chục ngôi nhà.