Căng mình kiểm soát tốt dịch COVID-19

Chính phủ cùng các địa phương đang từng ngày, từng giờ xử lý dịch bệnh COVID-19, huy động cao nhất mọi nguồn lực, đồng thời sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp.

Ngày 16-2, đại diện Văn phòng UBND huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) cho biết trước khi xã Sơn Lôi (tâm dịch COVID-19) bị phong tỏa cách ly, đã có 192 nhân khẩu rời khỏi địa phương này.

Giám sát chặt 192 người đã rời khỏi Sơn Lôi

Theo số liệu báo cáo, những người này rời khỏi Sơn Lôi từ ngày 1-đến 13-2. Danh sách từng cá nhân đang được cơ quan công an tiếp tục xác lập cụ thể, kèm theo tình trạng bệnh lý (nếu có).

Huyện Bình Xuyên cũng sẽ thông báo danh sách này cho các xã, thị trấn trên địa bàn để từ đó chính quyền sở tại có biện pháp giám sát phù hợp.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, cho hay các trường hợp rời khỏi Sơn Lôi nói trên không thuộc diện nghi ngờ hoặc tiếp xúc gần với người bị nhiễm COVID-19.

“Họ chỉ là những công dân bình thường của xã Sơn Lôi” – ông Hải nói, đồng thời cho biết 11 trường hợp dương tính với COVID-19 tại Vĩnh Phúc đến nay đều có tình trạng sức khỏe tốt. Ngoài ba ca đã được xuất viện, 1-2 ngày tới sẽ có thêm hai ca nữa được về nhà.

Trong khi đó, lãnh đạo xã Sơn Lôi cũng cho hay chính quyền địa phương đã có phương án kêu gọi những công dân đi khỏi địa phương trước thời điểm khoanh vùng cách ly, nếu không quay về thì địa phương khác cũng sẽ cách ly.

Trước đó, ngày 15-2, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc).

PGS-TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, nhận định COVID-19 lây truyền trong gia đình là mạnh nhất, vì vậy tất cả người trong cùng một nhà với bệnh nhân đều được xử trí như một ca bệnh.

“Bất cứ người dân nào ở xã Sơn Lôi có dấu hiệu ho, sốt, đau họng, mở rộng hơn nữa là mệt mỏi, đau người, gai người, ớn lạnh, lừ khừ… là khai báo và đưa đi cách ly ngay, lấy bệnh phẩm xét nghiệm ngay” – ông Dương thông tin.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, nhận định Vĩnh Phúc đã có người lây nhiễm đến thế hệ F3, dù vậy các ca bệnh chưa có bất thường, bác sĩ đang làm chủ công tác điều trị.

Tài xế trang bị đồ bảo hộ khi chở hàng qua biên giới. (Ảnh: PN)

Tài xế tự trang bị đồ bảo hộ để chở hàng qua cửa khẩu

Ngày 15-2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký công văn gửi tới lãnh đạo UBND các tỉnh biên giới phía bắc đề nghị phối hợp triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 224/CĐ-TTg ngày 12-2.

Công điện của Tổng lãnh sự quán Việt Nam (VN) tại TP Nam Ninh (Trung Quốc) và công điện của Tổng lãnh sự quán VN tại TP Côn Minh thông báo chính quyền các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) đã đồng ý về chủ trương việc khôi phục từng phần hoạt động thương mại hàng hóa tại biên giới. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh biên giới phía bắc phối hợp triển khai thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu.

Mỗi cán bộ y tế quản lý 10-15 hộ dân Sơn Lôi

Hiện nay xã Sơn Lôi có khoảng 10.000 dân, ngành y tế đã lập danh sách từng hộ gia đình, giao mỗi cán bộ quản lý 10-15 hộ. Hằng ngày, mỗi cán bộ đến nhà dân hai lần để kiểm tra nhiệt độ, theo dõi sức khỏe.

Theo đó, hàng hóa sẽ được vận chuyển qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ Tân Thanh, Cốc Nam (Lạng Sơn); lối mở Km3+4, phường Hải Yên, TP Móng Cái Quảng Ninh) tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế.

Công điện ngày 12-2 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Người vận chuyển hàng hóa phải mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp vệ sinh, phòng, chống dịch tại cửa khẩu để khi trở lại VN không phải áp dụng biện pháp cách ly.

Công văn của Bộ Y tế cũng hướng dẫn tài xế và người giao hàng chỉ được chở đến khu vực giao hàng tại cửa khẩu, không đi sâu vào nội địa. Khi quay trở lại phải cởi bỏ đồ phòng hộ, khẩu trang tại khu cách ly của cửa khẩu, sau đó kiểm tra y tế.

Tài xế, người giao hàng sẽ không bị cách ly khi trở về nhưng phải tự theo dõi sức khỏe và kịp thời báo ngay cho cơ quan y tế địa phương, nơi cư trú khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Các biện pháp nêu trên cũng được áp dụng tương tự đối với tài xế, người giao hàng của Trung Quốc sang VN.

Một bộ đồ bảo hộ bao gồm cả nón, khẩu trang, găng tay được bán ở cửa khẩu Hữu Nghị 450.000 đồng. Mỗi tài xế sắp qua cửa khẩu đều trang bị bộ đồ này và khi quay trở lại VN thì cởi bỏ để tiêu hủy.

WHO: Việt Nam đang xử lý dịch COVID-19 rất tốt

Theo thông tin mới nhất của WHO VN, WHO đánh giá cao năng lực VN trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp.

WHO cho biết: Năng lực của VN trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, đã tăng lên đáng kể. Kết quả này có được sau nhiều năm đầu tư tăng cường năng lực cốt lõi, bao gồm giám sát và đánh giá nguy cơ, năng lực phòng thí nghiệm, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý lâm sàng, truyền thông nguy cơ…, theo như yêu cầu của Điều lệ y tế quốc tế (IHR) 2005.

“Chúng tôi gọi đây là năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp, năng lực này đã được thử thách và kiểm nghiệm qua các sự kiện thực tế ở VN và bây giờ là COVID-19” – WHO nhận định.

WHO ghi nhận việc VN đã xử lý dịch bệnh này rất tốt. Chính phủ đã khởi động hệ thống ứng phó ở giai đoạn đầu của dịch, tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm bên cạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo VN cần tiếp tục cảnh giác và sẵn sàng kiểm soát dịch bệnh bởi dự kiến sẽ có thêm các trường hợp nhiễm COVID-19 chủng mới trong những ngày tới.