Ngành chế biến gỗ: Hấp dẫn nhà đầu tư

Với kim ngạch XK tăng bình quân 100 triệu USD/tháng trong quý I/2019, ngành chế biến gỗ đang được đánh giá có nhiều triển vọng thu hút đầu tư doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES) – cho biết, 3 tháng đầu năm, XK gỗ đạt bình quân 750 triệu USD/tháng, tăng bình quân 100 triệu/tháng so với các năm trước.

Nguyên nhân chính thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành gỗ đến từ các hiệp định thương mại như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Qua đó, giúp thị trường xuất khẩu của ngành được rộng mở và hưởng lợi thuế xuất, nhập nhiều hơn.

Từ năm 2016 tới nay, thu hút FDI vào ngành chế biến gỗ của Việt Nam đã tăng đáng kể, đạt bình quân khoảng 70 doanh nghiệp/năm và dự kiến còn tiếp tục tăng hơn trong thời gian tới. Cụ thể, từ chỉ có khoảng 600 doanh nghiệp FDI vào năm 2016 thì nay đã tăng lên 800 doanh nghiệp.

Đáng chú ý, nếu như trước đây chỉ có các doanh nghiệp đến từ Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông đầu tư thì nay có thêm các quốc gia đến từ châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước trong khối CPTPP như Canada, Chile…

Ông Điền Quang Hiệp – Chủ tịch Hội chế biến gỗ Bình Dương, Giám đốc Công ty Mifaco – chia sẻ, trong bối cảnh thị trường có nhiều triển vọng, CPTPP giống như chất xúc tác thêm vào cho ngành này. Vì thế, không chỉ năm 2019 mà cả năm tới, đơn hàng xuất khẩu gỗ sẽ ngày càng nhiều cho doanh nghiệp Việt Nam.

Khẳng định cơ hội của ngành gỗ đang rộng mở nhưng các doanh nghiệp cũng thẳng thắn chỉ ra thách thức phải giải quyết, như cần vốn lớn để cải tiến máy móc, cải tiến năng lực sản xuất để có thể đáp ứng được các đơn hàng lớn.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi cho chế biến gỗ, cụ thể là quy hoạch khu công nghiệp tập trung cho doanh nghiệp gỗ, giúp tạo sức mạnh cộng hưởng, tăng sự liên kết, phân công lao động…

Theo đại diện Công ty Koda Sài Gòn, rất ít doanh nghiệp ngành chế biến gỗ Việt Nam có thể tự thiết kế mẫu mã để bán trực tiếp cho khách hàng, vì vậy giá trị sản phẩm thấp và sức cạnh tranh không cao.

Từ thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam phải nhanh chóng giải quyết đồng bộ nhiều bài toán cùng lúc để tăng tốc độ cũng như phát triển bền vững cho ngành chế biến gỗ trong thời gian tới.

Hiện, các doanh nghiệp ngành gỗ đã đạt 70% đơn hàng của năm 2019. Theo đại diện VIFORES, mục tiêu XK đạt kim ngạch 11 tỷ USD của ngành chế biến gỗ trong năm 2019 hoàn toàn có thể đạt được.