Nếu không hành động kịp thời thì có khả năng Việt Nam sẽ bị mất luôn thương hiệu gạo ngon nhất thế giới năm 2019 ST25.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương, cho biết: Kiểm tra trên hệ thống đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ cho thấy hiện có năm hồ sơ nộp đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 – giành giải nhất cuộc thi gạo ngon thế giới năm 2019. Những hồ sơ này đều ở trong trạng thái “đang kiểm tra” (tức đăng ký nhưng chưa được Cục Sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO) cấp giấy văn bằng bảo hộ – PV).
Nguy cơ mất thương hiệu, mất thị trường
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho biết thêm: Theo quy trình của bên Mỹ thì sau sáu tháng kể từ khi nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu, nếu không có khiếu nại, tranh chấp gì thì phía Mỹ sẽ cấp đăng ký sở hữu trí tuệ thương hiệu gạo này cho các doanh nghiệp (DN).
“Do vậy, ngay trong sáng nay (22-4), chúng tôi đã liên lạc với ông Hồ Quang Cua – cha đẻ của thương hiệu gạo ST25 để trao đổi và giới thiệu một số chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Qua đó nhằm giúp ông Cua khẩn trương đăng ký và hoàn thành hồ sơ đăng ký thương hiệu gạo ST25 trên thị trường Mỹ” – ông Phú nói.
Cạnh đó, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cũng cho biết để giữ được thương hiệu này thì DN phải cung cấp bằng chứng. Từ đó để chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp của gạo ST25 trong quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm cũng như đưa sản phẩm ra thị trường.
“Đây mới là nguy cơ chứ thương hiệu gạo ST25 chưa bị mất. Song nếu mình không hành động kịp thời ngay thì có khả năng sẽ bị mất luôn” – ông Phú nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phú, do nguồn lực có hạn, theo quy định hiện nay, Chính phủ sẽ không làm thay DN trong đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài. Các cơ quan liên quan chỉ cảnh báo, tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của bảo vệ thương hiệu.
Vị lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cảnh báo trong trường hợp nếu bị các DN nước ngoài đăng ký bảo hộ đối với các sản phẩm, thương hiệu của DN Việt Nam thành công thì khi xuất khẩu các sản phẩm này sang thị trường đó sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Cụ thể, trong trường hợp này là sẽ không được dùng nhãn hiệu ST25 ở Mỹ nữa vì vi phạm nhãn hiệu, bản quyền đã được bảo hộ thương hiệu. Hệ quả là gạo ST25 sẽ bị mất thị trường đó hoặc sẽ phải lệ thuộc vào DN đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đó. Nếu DN muốn đòi lại thì bắt buộc phải trả một mức phí cao hơn.
Mất… nhiều bò vẫn chưa lo làm chuồng
Tổng giám đốc một công ty xuất khẩu nông sản Việt Nam có chi nhánh văn phòng tại Mỹ (không muốn nêu tên) nhận xét không chỉ gạo ST25 mà chuyện các sản phẩm đặc sản nổi tiếng của Việt Nam bị các tổ chức, cá nhân đăng ký trước tại Mỹ và các thị trường xuất khẩu khác đã xuất hiện từ nhiều năm qua. Ví dụ, các nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý đã bị các công ty Thái Lan, Trung Quốc đăng ký như nước mắm Phú Quốc, phở, bún bò Huế, hủ tiếu Sa Đéc hay có thương hiệu của DN như cà phê Trung Nguyên…
Vì vậy, theo vị tổng giám đốc trên, để bảo vệ thương hiệu Việt nói chung và gạo ST25 nói riêng, góp phần quảng bá thương hiệu gạo Việt tại Mỹ thì cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét chứng nhận thương hiệu quốc gia cho sản phẩm gạo ST25. Khi đó, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc gia tại nước ngoài cũng thuận lợi hơn, bởi chi phí bảo hộ cũng lớn đối với nhiều DN. Hơn nữa, nếu xảy ra tranh chấp thì cơ quan quản lý nhà nước có nhiều điều kiện để bảo vệ thương hiệu này.
Nhiều năm kinh nghiệm đồng hành bảo vệ nhãn hiệu cho các thương hiệu Việt Nam bị đăng ký tại nước ngoài, luật sư Lê Quang Vinh, Công ty Sở hữu trí tuệ Bross & Cộng sự (Bross & Partners), cho rằng các DN Việt Nam nên chủ động kiểm tra thông tin nhãn hiệu ở dữ liệu công khai về nhãn hiệu nộp ở nước ngoài và khẩn trương nộp đơn đăng ký yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu của mình tại Mỹ. Bởi nhãn hiệu của DN Việt dù đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam thì cũng không mặc nhiên được bảo hộ ở Mỹ, trừ khi DN đã nộp đơn và được cấp bảo hộ bởi Cơ quan Đăng ký sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO).
Trong trường hợp nhãn hiệu của DN bị đăng ký trước tại Mỹ thì cần nhanh chóng nhờ các công ty luật sư có kinh nghiệm tại Mỹ tư vấn hỗ trợ nộp đơn phản đối cho Ban khiếu nại và xét xử nhãn hiệu (TTAB) thuộc USPTO. “Như vậy, chủ thương hiệu ST25 là ông Hồ Quang Cua vẫn còn cơ hội ngăn chặn các đối tượng chiếm đoạt thương hiệu ST25 ở Mỹ” – ông Vinh nói.
Hai cách nộp đơn
Theo luật sư Lê Quang Vinh, DN Việt có thể lựa chọn một trong hai cách nộp đơn đăng ký nhãn hiệu vào Mỹ. Thứ nhất là nộp đơn trực tiếp vào Mỹ thông qua một công ty luật của Mỹ (hay còn gọi là “đăng ký quốc gia”). Thứ hai là nộp đơn gián tiếp vào Mỹ thông qua vai trò đại diện pháp lý của một công ty luật đã đăng ký chức năng đại diện sở hữu công nghiệp tại Việt Nam bằng cách sử dụng hệ thống đăng ký nhãn hiệu toàn cầu (hệ thống Madrid), trong đó có Mỹ. |