Nhiều tổ chức bảo vệ môi trường tại Mỹ phản đối TPP

ThienNhien.Net – Mới đây, 450 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực môi trường, đất đai, quyền của người bản địa ở Mỹ đã gửi thư tới Quốc hội nước này kêu gọi các thành viên Quốc hội bỏ phiếu phản đối Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Bức thư được ký bởi nhiều liên minh, tổ chức lớn như Sierra Club, Indigenous Environmental Network, Bold Alliance, Sustain US and Friends of the Earth, “khẩn thiết yêu cầu” các thành viên Quốc hội lên tiếng bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nguồn nước, bầu không khí và bảo vệ người dân tộc thiểu số, các quyền sở hữu và duy trì khí hậu ổn định bằng cách bỏ phiếu không tán thành TPP và yêu cầu đại diện thương mại Mỹ loại bỏ ra khỏi Hiệp định các điều khoản có thể tạo cơ hội lách luật cho các doanh nghiệp.

Hiệp định TPP là thỏa thuận thương mại lớn nhất Mỹ ký kết kể từ sau Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vào năm 1994. TPP đã được các nước Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Hoa Kỳ đàm phán trong hơn 5 năm.

Trong thư, các tổ chức vệ môi trường cho rằng thỏa thuận này sẽ làm gia tăng việc khai thác nhiên liệu hóa thạch. Theo đó, các dự án khai thác dầu khí không mong đợi sẽ được cho phép, thay thế các lệnh cấm khai thác trước đây của các địa phương, khu vực, hay thậm chí là của quốc gia nhờ Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài (ISDS)*, một cơ chế gây nhiều tranh cãi trong thỏa thuận thương mại 29 chương này.

Các tổ chức bảo vệ môi trường cảnh báo Quốc hội cần phản đối các điều khoản ISDS mang nhiều rủi ro này vì cho rằng nó sẽ cho các tập đoàn dầu khí đa quốc gia khởi kiện các quốc gia tại các tòa án tư để lật lại các luật cấm phát triển các dự án nhiên liệu hydrocarbon.

Ảnh minh họa: sputniknews.com
Ảnh minh họa: sputniknews.com

Các tổ chức cảnh báo rằng việc phê chuẩn hiệp định TPP sẽ là mối nguy lớn cho các quy định hạn chế phát triển hệ thống đường ống dẫn nhiêu liệu hóa thạch, khai thác dầu khí, khí đốt bằng thủy lực trên đất công của Hoa Kỳ trong hiện tại và tương lai.

Với 50.000 giếng dầu đang hoạt động, bang Colorado trở thành một trong những nhà sản xuất dầu khí lớn nhất nước Mỹ. Vào tháng 5 vừa qua, Tòa án tối cao bang Colorado đã phải bác bỏ lệnh cấm khai thác dầu bằng thủy lực và lệnh cấm này cũng được tạm ngừng ở Fort Collins với lý do rằng những quy định của địa phương cản trở mục tiêu tối đa hóa sản xuất dầu khí của nhà nước. Lệnh cấm cấp phép khoan mới trong vòng 5 năm ở Quận Boulder cũng bị bãi bỏ bởi phán quyết của Tòa án tối cao và thay vào đó là một lệnh cấm mới chỉ có giá trị trong vòng 6 tháng.

Những người phản đối TPP cho hay các chính sách pháp luật ở Colorado như lệnh cấm, tạm hoãn hoặc thậm chí là các tiêu chuẩn không khí và nước ở địa phương có thể bị phá bỏ bởi các điều khoản ISDS.

Với các tòa án trong khuôn khổ TPP, các công ty dầu khí mặc dầu không thể buộc chính quyền hoặc người dân Colorado hủy bỏ lệnh cấm khai thác dầu khí song các công ty có thể đòi tiền bồi thường từ chính phủ liên bang do quy định ngăn cấm khai thác dầu khí của thành phố, tiểu bang. Hiệp định NAFTA có thể là một ví dụ về những gì TPP có thể sẽ mang lại. Theo quy chế ISDS của NAFTA, Tập đoàn TransCanada đã khiếu nại chính phủ Mỹ 15 tỷ USD vì hủy bỏ dự án ống dẫn dầu Keystone hồi tháng 11/2015.

Các nhóm môi trường cũng lo ngại việc mở rộng trách nhiệm ISDS của TPP sẽ làm gia tăng nhiều nguy cơ mới. Họ cho rằng các công ty dầu khí sẽ không còn bị buộc phải bảo vệ người dân khỏi những mối nguy từ các hoạt động khai thác, lọc dầu. Các điều khoản của ISDS cũng có thể giảm nguồn tiền thuế của Colorado, hạn chế những nỗ lực bảo tồn và khả năng cung cấp hàng hóa dịch vụ công của chính phủ. Việc bảo tồn nguồn năng lượng trong lòng đất của Colorado, những nỗ lực sử dụng năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng giao thông và việc tăng lương tối thiểu sắp tới đều có khả năng không được bảo đảm để phù hợp với các điều khoản ISDS.

Các nhóm phản đối TPP nhấn mạnh rằng thế giới không còn nhiều thời gian để thực hiện các thỏa thuận thương mại như TPP. “Theo các nhà khoa học, chúng ta cần phải lưu trữ hơn 80% nhiên liệu hóa thạch trong lòng đất. Không ai có thể vừa kiểm soát khí hậu và ủng hộ các thỏa thuận thương mại như vậy. Các thỏa thuận này gia tăng tình trạng ô nhiễm bằng việc cung cấp các quyền mới cho các công ty và cản trở khả năng lưu trữ nhiên liệu hóa thạch trong lòng đất của địa phương.” – Ông Waren, Bill Waren, chuyên gia phân tích thương mại của Tổ chức Friends of the Earth bình luận..

Bức thư kết luận TPP không có lợi cho công cuộc bảo vệ môi trường, đe dọa đến chính sách khí hậu và gây nguy hại cho môi trường. Các cuộc bầu cử cho thấy 60% cử tri bang Colorado không tán thành thỏa thuận thương mại này.

Quốc hội Mỹ dự kiến sẽ không phê chuẩn Hiệp định TPP cho đến phiên họp đặc biệt của quốc hội sau cuộc bầu cử Tổng thống. Vì vậy, các nhóm bảo vệ môi trường cho rằng vẫn còn thời gian để họ tiếp tục bày tỏ nguyện vọng và đề xuất của mình.

*Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài (ISDS) trong TPP cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được quyền khởi kiện đòi bồi thường khi một chính phủ có những quyết định làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, gây thiệt hại cho nhà đầu tư nước ngoài.