10 năm Tây Bắc góp đất trồng cao su – Bài 2: Loanh quanh lý do, mập mờ hứa hẹn

Cao su Tây Bắc được cho là có năng suất mủ chưa cao, cùng với giá mủ cao su tại thị trường xuất khẩu đi xuống khiến những hộ đồng bào góp đất trồng cao su đang đối mặt với nhiều khó khăn về sinh kế. Những giải thích và kế hoạch mà đối tác (Công ty CP Cao su) và địa phương đưa ra, lại chưa đủ sức thuyết phục và rất có thể lại tiếp tục khiến người dân kéo dài thêm những khắc khoải chờ đợi.

Sau 10 năm triển khai dự án phát triển, dòng nhựa trắng của cây cao su ở các tỉnh phía Bắc vẫn chưa được khơi thông. Ảnh: Lê Sơn

Lý do hạn chế khai thác

Khi bắt đầu triển khai mô hình, Công ty CP Cao su Sơn La nói với người dân rằng cây cao su sẽ chính thức cho mủ sau khi trồng khoảng 6-7 năm. Đến lúc đó, người dân góp đất sẽ được chia sẻ lợi ích theo tỉ lệ phần trăm mà hộ góp vốn vào mô hình thông qua góp quyền sử dụng đất của mình.

Tuy nhiên, đã 10 năm trôi qua kể từ khi trồng, quá trình hợp tác giữa người dân và công ty cao su thông qua sự hỗ trợ của chính quyền cơ sở đang nảy sinh không ít vướng mắc.

Tiếp tục lấy con số cụ thể từ Sơn La, năm 2016, có 146,42ha cao su bắt đầu được đưa vào khai thác, đạt 203 tấn mủ cao su. Năm 2017, diện tích cao su khai thác là 914,02ha, sản lượng mủ đông đạt 1.314 tấn. Như vậy, với tổng diện tích trồng cao su trên toàn tỉnh năm 2017 là 6.000ha thì diện tích đã khai thác mủ cao su sau 10 năm chỉ chiếm từ 10- 15%, con số thấp hơn nhiều so với dự kiến lúc đầu khi phát triển mô hình.

Lý giải điều này, Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La cho biết, diện tích trồng cao su ở Sơn La chủ yếu là đất trống đồi núi trọc, có độ dốc khá lớn, độ cao tuyệt đối từ 400-600m. Thậm chí để đảm bảo yếu tố liền vùng, liền khoảnh, nhiều diện tích đồi có độ dốc tới 30 độ, độ cao trên 600m vẫn được đưa vào trồng cao su. Thêm vào đó, đất đai khu vực trồng cao su chủ yếu là đất dốc, từng canh tác cây ngắn ngày như ngô, sắn nhiều năm nên đã bị xói mòn, rửa trôi. Vì vậy phần lớn diện tích có phần đất mỏng, dinh dưỡng thấp, phải đầu tư thâm canh cùng biện pháp chăm sóc đặc biệt.

Về mặt khí hậu, cây cao su Sơn La chịu ảnh hưởng tiêu cực của hai kiểu khí hậu trong năm bao gồm giá rét từ tháng 1-3, nắng nóng, khô hạn từ tháng 3-5, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây cao su. Một số diện tích trồng cao su sinh trưởng chậm do trong những năm đầu trồng cây cao su bằng các loại giống cũ chịu rét kém với diện tích lớn khiến cây bị ảnh hưởng về tốc độ sinh trưởng.

Thêm vào đó, cho đến nay, phát triển cao su đã bước sang giai đoạn mới, nhiều diện tích cao su đã khép tán, cho sản phẩm mủ cao su. Tuy nhiên, các bộ, ngành Trung ương chưa có sự tổng kết, đánh giá về Chương trình phát triển cây cao su tại các tỉnh miền Bắc, dẫn đến lúng túng trong việc khắc phục các vấn đề về giống, quy trình canh tác, thu hoạch và hỗ trợ công nhân trồng cao su.

Một số diện tích trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh đã đến thời kỳ thu hoạch, tuy nhiên Nhà máy chế biến mủ cao su Sơn La thuộc Công ty CP Cao su Sơn La phải đến tháng 12/2018 mới được đưa vào hoạt động thử nghiệm cũng là nguyên do của những dư luận chưa tốt đối với Chương trình phát triển cây cao su.

Ông Hồ Anh Đức, Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Sơn La cho biết, trong thời gian tới sẽ cố gắng mở rộng diện tích khai thác để đem đến thu nhập cho người dân. Cụ thể, trong tổng số diện tích rừng cao su hiện nay, diện tích tái canh chỉ thấp ở khoảng 10%. Tuy nhiên, vẫn có những diện tích cây trồng không phát triển tốt do ảnh hưởng của điều kiện sinh trưởng sẽ phải kéo dài thời gian cho thu hoạch mủ, nghĩa là sẽ phải cạo mủ sau thời gian cho mủ thông thường. Công ty CP Cao su Sơn La đang phấn đấu đến hết năm 2019, sẽ đưa vào khai thác khoảng 3.400ha (tương đương 60% diện tích cao su trên địa bàn).

Khó khăn vì giá cao su xuống thấp

Nguyên nhân chính khiến cao su Tây Bắc chưa đem lại hiệu quả về kinh tế cho người dân là tình trạng xuống dốc rất nhanh của giá mủ cao su trên thị trường thế giới.

Những khó khăn về thị trường ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty cao su. Ông Hồ Anh Đức cho biết, mấy năm gần đây, giá mủ cao su trên thị trường khu vực và thế giới liên tục giảm sâu, hiện chỉ còn 30-50% so với mức bình quân trước đây. Cụ thể, giá mủ cao su vào đỉnh điểm (giai đoạn cuối năm 2010, đầu năm 2011) là 105 triệu đồng/tấn. Vậy nhưng từ năm 2012 đến nay, giá mủ cao su chỉ trung bình ở mức 32 triệu đồng/tấn.

Giá mủ cao su trên thị trường thế giới xuống thấp trong khi nguồn nguyên liệu đầu vào và một số chính sách như mức lương tối thiểu, chính sách cho người lao động ngày càng tăng, dẫn đến việc Tập đoàn Cao su Việt Nam, Công ty CP Cao su Sơn La không đầu tư trồng mới, chỉ trồng dặm diện tích cao su đã trồng. Thiếu việc làm lại chỉ được trả lương theo sản lượng khai thác và công tác chăm sóc trực tiếp (theo quy định chung của Tập đoàn Cao su trên toàn quốc), không đủ điều kiện đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định, nhiều công nhân của Công ty xin nghỉ việc để kiếm việc làm bên ngoài.

Dù khó khăn là thế nhưng ông Hồ Anh Đức vẫn khẳng định cây cao su đã sinh trưởng được ở miền núi phía Bắc và chính thức cho mủ. Ông chia sẻ, dù giá thị trường mủ cao su thấp nhưng người dân vẫn có lãi cao hơn trồng rừng. Qua đánh giá ban đầu, vườn cây khai thác cho mủ khá tốt, năng suất đạt khoảng 0,5-0,6 tấn/ha trong năm khai thác đầu tiên và sẽ tăng lên trong các năm khai thác tiếp theo, chất lượng mủ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Do đây chỉ mới là thời điểm mở cạo, năng suất vườn cây còn thấp nên bước đầu Tập đoàn Cao su Việt Nam vẫn đánh giá về những diện tích khai thác này đạt yêu cầu chung về sản lượng cây cao su khu vực miền núi phía Bắc.

Bên cạnh đó, cao su là cây công nghiệp dài ngày nên hiệu quả kinh tế phải tính trên cả chu kỳ và xem xét hiệu quả tổng hợp. Khi nói về cây cao su, ngoài vấn đề nâng cao thu nhập cho người dân, ở Sơn La nói riêng, cây “vàng trắng” luôn được gọi bằng cái tên “cây đa mục đích”.

Lộn xộn cơ chế ăn chia

Gặp gỡ trực tiếp người dân góp đất trồng cao su, còn thấy bức xúc lớn về cơ chế quản lý bao gồm vướng mắc về thủ tục hợp đồng góp đất và cơ chế ăn chia chưa thống nhất.

Nhiều hộ dân chỉ nhận được vài chục tới vài trăm ngàn mỗi năm tiền chia sản phẩm. Ảnh: Lê Sơn

Người dân tại bản Thẳm A, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu phản ánh: Mặc dù người dân góp đất với Công ty để trồng cao su từ năm 2007-2008, nhưng công ty hoàn toàn không có hợp đồng với người dân cho đến gần đây. Trong chu kỳ 10 năm dân góp đất trồng cao su với công ty, ràng buộc duy nhất giữa 2 bên chỉ là bằng ”miệng”. Quan hệ kinh tế theo hình thức “hợp đồng miệng” này vô cùng rủi ro cho cả hai phía. Theo người dân, bắt đầu từ khoảng tháng 6/2018, người của Công ty mới đi xuống một số bản, triệu tập các hộ ra nhà văn hóa thôn, đọc danh sách các hộ và yêu cầu các hộ ký 3 bản hợp đồng, có chứng nhận của xã. Một số hộ gia đình còn chưa kịp đọc rõ các nội dung trong hợp đồng là gì trước khi Công ty CP Cao su Sơn La mang cả 3 bản hợp đồng này đi.

Trao đổi với Công ty CP Cao su Sơn La, theo kế hoạch ký kết hợp đồng giữa Công ty với các hộ gia đình, cá nhân góp đất trồng cao su, đến ngày 30/6/2018, công ty đã ký được 3.194 hợp đồng góp đất với 3.194 hộ gia đình, cá nhân. Kế hoạch hết năm 2018 là phải ký được 1.983 hợp đồng góp đất. Tuy nhiên, đây chỉ là con số rất nhỏ so với số lượng hơn 18.000 hộ dân Sơn La góp đất vào liên doanh với công ty cao su.

Anh Lò Văn Toàn bản Thẳm B (xã Tông Lạnh, Thuận Châu, Sơn La) lo lắng: “Người dân không được biết số lô, thửa, tỷ lệ phần trăm được chia khi thu hoạch mủ. Như vậy, dù người dân đã góp đất trồng cao su nhưng lại chưa có sự ràng buộc pháp lý với công ty. Tất cả cam kết của công ty cao su vẫn chỉ là thỏa thuận miệng”.

Chưa dừng ở đó, nếu như trong 3 năm đầu trồng cao su, khi cây chưa khép tán, các hộ góp đất được Công ty cho trồng xen các loại cây trồng ngắn ngày như sắn, ngô, đậu vào các diện tích cao su. Tuy nhiên từ sau năm thứ 3 trở đi, nghĩa là từ năm 2011 cho tới nay, khi cây cao su đã khép tán, Công ty không cho các hộ được trồng xen. Lợi ích của hộ từ các cây trồng xen mất hẳn trong nhiều năm khiến nỗi lo về sinh kế ngày càng trở nên rõ ràng.

Khó khăn về kinh tế khiến người dân càng thêm thắc mắc về cơ chế ăn chia lợi nhuận ở những diện tích cao su đã cho khai thác mủ. Đặc biệt khi người dân nhận thu nhập quá thấp từ việc khai thác mủ tại xã Tông Lệnh như đã đề cập (một số hộ chỉ được vài nghìn, hộ nhiều nhất được vài trăm nghìn đồng).

Trước những thắc mắc của người dân, ông Hồ Anh Đức, Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Sơn La đưa ra lý giải: Phương án phân chia 10% sản phẩm khai thác mủ đã được áp dụng kịp thời kể từ khi cao su được đưa vào cạo mủ và dự kiến tiếp tục triển khai cho giai đoạn 2017-2021. Đây là phương án nhằm tạo thu nhập ngay cho người lao động để khắc phục khó khăn của phương án góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp để làm cổ đông và nhận 10% lợi tức. Trước đó, với phương án cũ, nếu Công ty CP Cao su Sơn La không có lợi nhuận trong những năm đầu khi cây cao su cho mủ (do doanh thu hạch toán vào chi phí sản xuất của các năm kiến thiết cơ bản) thì các hộ dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất cũng sẽ không được chia cổ tức. Như vậy, với cách phân chia mới, đại diện Công ty CP Cao su Sơn La khẳng định, khu vực rừng cao su cứ được cạo mủ là người dân có thu nhập.

Năm 2008, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Cao Đức Phát, đã ký quyết định (số 2855 QĐ-BNN-KHCN) công bố việc xác định cây cao su là cây đa mục đích, có thể sử dụng cả cho các mục địch nông nghiệp và lâm nghiệp, có giá trị khá cao và ổn định về mặt kinh tế, tạo điều kiện cải thiện đời sống và cơ sở hạ tầng vùng trồng cây cao su và đóng góp đáng kể vào việc bảo vệ môi trường.

“Với đặc thù của cây cao su, trong 3 năm đầu mới khai thác, sản lượng chưa có nhiều. Sau khoảng 5 năm, sản lượng sẽ tăng thêm và đến giai đoạn 14-15 năm sau khi bắt đầu khai thác, cao su mới cho ra sản lượng cao đỉnh điểm. Hy vọng từ năm khai thác thứ tư trở đi, khi sản lượng nâng cao và giá thị trường tăng cao, người dân sẽ có thêm nhiều thu nhập từ cây cao su.” – ông Hồ Anh Đức chia sẻ.

Nói về “cái được” dễ thấy nhất của cây cao su trên đất Sơn La, ông Lò Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu (Sơn La), cho biết: Cái được lớn nhất sau 10 năm triển khai trồng cây cao su, đó là môi trường được cải thiện, các mó nước (mạch nước ngầm) trong xã lúc nào cũng đầy ắp, chứ không cạn kiệt như xưa. Cao su tới đâu, hạ tầng đường sá, trường mầm non, nhà văn hóa đi tới đó, các hoạt động từ thiện, cho vay vốn hỗ trợ người dân trồng cao su cũng được triển khai thường xuyên…

Cái lợi mà cao su đem lại trên những mảnh đất trống, đất cằn Sơn La vẫn được xem là một bài toán đường dài và chưa được tính toán ra con số thực tế. Ở thời điểm hiện tại, do cao su chưa đem lại nguồn thu, nên thu nhập và sinh kế cho người dân góp đất trồng cao su trên địa bàn xã vẫn là một vấn đề đau đầu. Cũng chính vì lý do đó, mọi lý giải đưa ra đều như chưa đi trúng nút thắt cốt lõi, và những kế hoạch tương lai càng trở nên xa vời.

Bài cuối: Tìm ‘cao kiến’ cho cao su