Bài 9: “Cuộc chiến than lậu” sẽ chẳng bao giờ kết thúc nếu…

Theo nhận định của giới chuyên gia về năng lượng, trong ngành than có ba chỉ tiêu hiện vật đang bị “đánh cắp” nhiều nhất (có tổ chức và bài bản nhất) là “than,” “đất đá bốc” và “mét lò.” Cả ba loại này rất dễ bị các mỏ cố tình khai gian để “ăn cắp.”

Nếu người quản lý không muốn quản lý, hoặc buông lỏng quản lý (quản lý không đúng kỹ thuật) thì “cuộc chiến chống than lậu” sẽ chẳng bao giờ kết thúc và giá “vàng đen” khai thác trong nước sẽ còn tăng cao hơn giá than nhập khẩu nhiều lần…

Điều đáng lo ngại là, nếu bài toán “than lậu” không được giải quyết, trong khi nguồn than trong nước ngày càng khan hiếm và không đủ đáp ứng cho nhu cầu của nhiệt điện, tương lai, “cơn khát” năng lượng sẽ trở thành gánh nặng cho đất nước.

Tiến sỹ Nguyễn Thành Sơn, một chuyên gia về năng lượng, nguyên là Trưởng ban Chiến lược của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho hay, đối với ngành than, trong thời gian qua, các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước (Bộ Công Thương) đã mắc sai lầm là chuyển từ thái cực quản rất chặt (kinh tế kế hoạch) sang thái cực ủy quyền/buông lỏng (kinh tế thị trường) một cách rất “vô tư.” Trong khi các cơ quan có chức năng giám sát nhà nước (thuế, hải quan, kiểm toán, cảnh sát biển, biên phòng, công an kinh tế,…) thì vẫn tiếp tục quản lý theo kiểu “đười ươi giữ ống.”

Ông Sơn cho rằng “lỗ hổng” lớn nhất dẫn tới thực trạng thất thoát nguồn than là “lỗ hổng” về kiến thức. Kể từ khi ngành than được thành lập như một tập đoàn kinh tế đến nay, những người có trách nhiệm quản lý, từ các cán bộ quản lý cấp cao (các vụ trưởng, thứ trưởng của các bộ quản lý ngành) đến các chủ tịch, tổng giám đốc của TKV đã không hiểu đúng (hoặc chưa hiểu được) đặc thù của ngành than nói riêng và của ngành khoáng sản nói chung.

Ngay từ khi vừa được thành lập, Tổng Công ty Than Việt Nam (nay là TKV) đã mắc sai lầm nguy hiểm là xóa sổ 100% các công ty xây lắp mỏ vốn có chức năng xây dựng các mỏ than mới để lập ra thêm các công ty khai thác than (đã có quá nhiều và manh mún). Tiếp sau đó, Tổng Công ty Than Việt Nam (TVN) đã tổ chức “chia” lại số ít các khoáng sàng than của các mỏ cho các đơn vị không có chức năng khai thác theo kiểu “chia bánh ăn phần” với lý do “tăng sản lượng xuất khẩu than.”

Trong khi các cơ quan có chức năng giám sát nhà nước (thuế, hải quan, kiểm toán, cảnh sát biển, biên phòng, công an kinh tế,…) thì vẫn tiếp tục quản lý theo kiểu “đười ươi giữ ống.”

Một bãi tập kết, sàng tuyển xít, than nằm ven sông Kinh Thầy, trên địa bàn huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

Theo ông Sơn, việc phân chia trên của TVN đã phá vỡ toàn bộ quy hoạch bài bản đã được Liên Xô trước đây giúp xây dựng dẫn đến các đơn vị xây lắp lại tranh giành khai trường với các đơn vị khai thác đã được quy hoạch trước đó. Trong khi đó, việc đầu tư duy trì công suất (theo đúng nghĩa kinh tế) của các mỏ hiện có lại không thể thực hiện được. Do không còn “ruộng cày,” nên TKV đã nhập nhèm coi “đầu tư duy trì công suất” (bằng nguồn vốn sản xuất) là “đầu tư mở rộng sản xuất” hay “đầu tư mới” (bằng nguồn vốn đầu tư được cấp phát và/hoặc vay ngân hàng).

“Cứ như vậy, ngành than hoàn toàn không có ‘đầu tư tái sản xuất mở rộng’ trong một thời gian dài, ước tính koảng 20 năm mà chỉ ‘bóc ngắn cắn dài’ để xuất khẩu. Cho đến gần đây, khi TKV thành lập lại các đơn vị xây lắp thì các mỏ than cũ đã bị ‘bóc lột’ gần hết, trong khi các mỏ mới thì chưa xây dựng kịp,” ông Sơn nhấn mạnh.

Theo nhận định cá nhân, ông Sơn cho rằng, sở dĩ TKV chỉ xúc than lên bán nhưng vẫn làm nên khoản nợ “khổng lồ” lên tới hơn 100.000 tỷ đồng như báo chí thời gian qua phản ánh là do công tác quản lý kém.

“Về bản chất kinh tế, so với các ngành sản xuất vật chất, thì các ngành khai thác (khoáng sản, thủy sản, lâm sản) phải có mức lãi tối thiểu là 30%. Vì, trong cơ cấu chi phí sản xuất (giá thành sản phẩm) của các ngành khai thác (như than, bauxite, titan) không có khoản mục ‘nguyên liệu chính.’ Khoản mục này thường chiếm ít nhất 30% ở các ngành sản xuất vật chất như thép, xi măng, vật liệu xây dựng…

Xe chở xít, than từ bãi thải Mỏ than Phấn Mễ về xưởng tập kết, sàng tuyển bên ngoài khu vực mỏ, thuộc địa bàn thành phố Thái Nguyên.

Mặt khác, trong quá khứ (giai đoạn từ năm 1995-2013) vì ngành than đã được quản lý phát triển theo tư duy ‘tăng trưởng GDP’ và chạy theo thành tích xuất khẩu, còn hiện nay không có chiến lược dài hạn, cộng với thực trạng quản lý kém, thất thoát nguồn than lớn nên chúng ta đang phải ‘trả giá’ bằng việc phải nhập khẩu than,” ông Sơn phân tích.

Về thực trạng thất thoát than, ông Sơn chia sẻ: Trước đây có khái niệm “than thổ phỉ”- được khai thác bằng con đường “thổ phỉ” và xuất khẩu sang Trung Quốc bằng con đường “biên mậu.” Khi đó, số liệu thống kê hàng năm của hải quan Trung Quốc và hải quan Việt Nam chênh lệch nhau từ 5-8 triệu tấn/năm, tức là mỗi năm có 5-8 triệu tấn than bị đánh cắp để xuất “biên mậu” sang Trung Quốc.

Còn hiện nay, sau khi nguồn than lậu trên đã bị TKV kết hợp với tỉnh Quảng Ninh “dẹp” đi, thì “phong trào ăn cắp than” biến tướng sang hình thức “than lậu,” hay là “than ngoài luồng.” Hình thức này, diễn ra rầm rộ, công khai hơn và hướng thẳng vào thị trường nội địa thay vì xuất khẩu như trước.

“Chỉ căn cứ vào báo cáo công khai kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV cũng có thể thấy rõ: năm 2018, ít nhất khoảng 4 triệu tấn than chính phẩm đã bị các mỏ khai thác của TKV ‘tuồn ra ngoài,’-đó là thực chất của vấn đề,” ông Sơn nhấn mạnh.

Trước đây, số liệu thống kê hàng năm của hải quan Trung Quốc và hải quan Việt Nam chênh lệch nhau từ 5-8 triệu tấn/năm.

Vị chuyên gia về năng lượng khẳng định, trong ngành than có ba chỉ tiêu hiện vật bị “đánh cắp” nhiều nhất (có tổ chức và có bài bản nhất) là “than,” “đất đá bốc” và “mét lò.”
Vị chuyên gia về năng lượng, nguyên là Trưởng ban Chiến lược của TKV cũng khẳng định, trong ngành than có ba chỉ tiêu hiện vật bị “đánh cắp” nhiều nhất (có tổ chức và có bài bản nhất) là “than,” “đất đá bốc” và “mét lò.” Cả ba thứ này rất dễ bị các mỏ cố tình khai gian (để ăn cắp).

“Nếu người quản lý thực sự muốn quản lý, chỉ cần quản lý đúng bài bản, đúng kỹ thuật, ngược lại, nếu người quản lý không muốn quản lý hoặc buông lỏng quản lý thì ‘cuộc chiến than lậu’ chẳng bao giờ kết thúc. Giá than khai thác trong nước sẽ còn tăng cao hơn giá than nhập khẩu,” ông Sơn nhấn mạnh.

Theo nhận định của ông Nguyễn Tiến Chỉnh – nguyên Trưởng ban Khoa học công nghệ và Chiến lược phát triển TKV: “Việc thất thoát than chắc chắn là có, nhưng thất thoát đi đâu thì cần phải tìm hiểu thêm. Ở đây, thất thoát là lợi ích của Nhà nước vơi đi, chủ yếu là đưa váo túi cá nhân. Tham ô là ở chỗ đấy. Còn hòn than nó ở chỗ nọ chỗ kia thì nó cuối cùng nó cũng phải đưa vào tiêu dùng.”

Nguyên Trưởng ban Khoa học công nghệ và Chiến lược phát triển TKV cũng khẳng định, bức tranh hiện hữu năm nay-2019 là thiếu năng lượng trong đó có nguyên do từ thiếu than.

Nguyên nhân của nguy cơ thiếu than là do năng lực sản xuất, TKV đã không tích cực đầu tư phát triển các mỏ để đáp ứng nhu cầu cao hơn. Trong khi thực tế nguy cơ thiếu nước dẫn đến không thể hoạt động hết công suất của thủy điện là đã rõ. Bối cảnh này, cho thấy nguồn năng lượng sẽ phụ thuộc vào than, dẫn nguy cơ thiếu điện.

Chia sẻ rõ hơn về việc nhập khẩu than, ông Chỉnh cho biết, than của Việt Nam là than antraxit có đặc thù là dùng tốt cho công nghiệp. Nhưng đây là loại than hiếm, nếu dung để đốt điện sẽ là lãng phí vì vậy trên thế giới họ hạn chế dùng than này để phục vụ đốt điện. Về chủng loại than, theo ông Chỉnh, nếu đốt điện thì chỉ dùng từ cám 5 trở xuống, đây là cám xấu, cám lẫn đất đá nhiều để tận dụng (tức là cám 5, 6, 7, thậm chí cám tiêu chuẩn ngành). Riêng than cám 4, 5a, 3,2,1, không bao giờ được dùng cho đốt điện. Còn than nhập khẩu, phần lớn là để pha trộn với các chủng loại cho phù hợp.

Khu vực khai trường Mỏ than Khánh Hòa, trên địa bàn thành phố Thái Nguyên.

“Than thì vẫn được đưa ra sử dụng, dù với hình thức nào, nhưng việc quản lý không tốt sẽ dẫn đến lợi ích của Nhà nước bị thất thoát.”

Nhưng thực tế, do nguồn than thuận lợi và thích hợp cho đốt điện là là bitum Việt Nam không có, phải nhập khẩu từ Indonesia, nhưng những nhà máy dùng công nghệ than này lại không nhiều. Vì vậy, những nhà máy công nghệ cũ dùng than antraxit vẫn chiếm số lượng lớn và yêu cầu một lượng than cao cấp nhiều hơn cho sản xuất đã gây nên tình trạng lãng phí cấp số cộng.

Đề cập đến việc quản lý lỏng lẻo và thất thoát than, ông Chỉnh cho rằng: “Than thì vẫn được đưa ra sử dụng, dù với hình thức nào, nhưng việc quản lý không tốt sẽ dẫn đến lợi ích của Nhà nước bị thất thoát.”

“Mặt khác, nếu khâu quản lý tốt nhưng vẫn thiếu than thì vẫn phải nhập khẩu. Nhập khẩu là do cung cầu và năng lực sản xuất của ta hiện nay khác nhau, quy hoạch phát triển của ngành than cũng không đáp ứng đủ yêu cầu cho phát triển năng lượng điện. Dự kiến các nhà máy nhiệt điện sau này chỉ định sẽ phải dùng than nhập khẩu chứ không phải than trong nước,” ông Chỉnh chia sẻ.

Tiến sỹ Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng ban Chiến lược của TKV cũng đưa ra lời cảnh báo rằng, với thực trạng quản lý, thất thoát than như hiện tại, chắc chắn Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than ngày càng nhiều. Điều này là không thể tránh khỏi vì trữ lượng than của Việt Nam hiện nay tính theo đầu người chỉ còn khoảng 20 tấn/người, trong khi mức bình quân của thế giới là 150 tấn/người.

Khó khăn lớn trong nhập khẩu than của Việt Nam là không có nhiều cảng biển nước sâu có thể tiếp nhận được các tầu tải trọng trên 50.000 DWT- giống như cụm cảng Hòn Nét ở vịnh Bái Tử Long, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, hay cụm cảng Sơn Dương (đang bị Formosa chiếm mặt tiền).

Không phải cứ có nhiều tiền là nhập khẩu được than.”

Ngoài ra, “rào cản lớn nhất trong nhập khẩu than của Việt Nam là các nhà quản lý có trách nhiệm không hiểu gì về bản chất của thị trường than thế giới. Không phải cứ có nhiều tiền là nhập khẩu được than,” ông Sơn lưu ý./.

Hoạt động tuyển rửa xít than tại một bãi tập kết xít, than nằm ven sông Kinh Thầy, trên địa bàn huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Nguồn: