Bước tiến dài ứng phó biến đổi khí hậu

Trải qua 24 kỳ Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP), chúng ta đã tiến một bước rất dài từ 1 đồng thuận về “các hành động được thực thi cùng nhau” – biện pháp chung tay đầu tiên nhằm chống lại BĐKH tại COP1, đến việc gần 200 quốc gia vượt qua nhiều bất đồng để đạt được bộ Quy tắc thực thi Thỏa thuận Paris tại COP24. Việt Nam luôn là quốc gia tích cực tham dự và thực thi kết quả của các kỳ COP.

Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi thú vị đến từ những “người trong cuộc” luôn đồng hành cùng COP gồm: GS. TS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội – Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn của Ủy ban Quốc gia về BĐKH và ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) – Phó Trưởng Ban Công tác Đàm phán của Việt Nam về BĐKH.

Từ “nhận thức mơ hồ” đến hành động cụ thể

PV: Thưa ông Phạm Văn Tấn, ông có thể đánh giá khái quát về 24 kỳ COP vừa qua và theo ông, sứ mệnh lịch sử của các kỳ Hội nghị này như thế nào đối với công cuộc ứng phó với BĐKH trên toàn cầu hiện nay?

Ông Phạm Văn Tấn

Ông Phạm Văn Tấn: Có thể thấy, mỗi kỳ Hội nghị có nhiệm vụ đặc trưng, suốt 24 năm vừa qua, chúng ta đi từ nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) mang tích chất mơ hồ, dần dần trở thành trách nhiệm cụ thể của từng quốc gia. Mỗi quốc gia khi triển khai Nghị quyết của mỗi kỳ Hội nghị đã biến thành những kết quả với những hành động cụ thể. Và mỗi kỳ Hội nghị đều có những đóng góp nhất định cho tiến trình chống BĐKH toàn cầu.

Khi bắt đầu đàm phán, trước hết các nước sẽ nghĩ về trách nhiệm mỗi bên như thế nào. Kể từ khi Công ước khung của Liên Hợp Quốc được thông qua năm 1992 và COP1 năm 1995, Liên Hợp Quốc đã quy định tất cả các bên phải có trách nhiệm ứng phó với BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính để phát triển bền vững. Tuy vậy, có phân biệt về trách nhiệm của từng quốc gia, phụ thuộc vào mức độ phát thải của quốc gia đó trong quá khứ, mức độ phát triển kinh tế hiện tại và dự báo đến tương lai. Đó là điều gây nhiều tranh cãi trên 20 năm qua, COP đã chi tiết hóa điều này để các quốc gia chuẩn bị thu hẹp dần khoảng cách với nhau và thể hiện trách nhiệm chung. Và tại COP 24 vừa qua, khoảng cách phân biệt đã trở thành nhỏ nhất trong suốt quá trình đàm phán.

PV: Thưa GS. Mai Trọng Nhuận, ông đã tham dự bao nhiêu kỳ COP? Và kỳ Hội nghị nào đặc biệt ấn tượng nhất đối với ông?

GS. TS Mai Trọng Nhuận

Ông Mai Trọng Nhuận: Tôi cũng đồng ý với anh Tấn là COP đi từ mơ hồ đến cụ thể về trách nhiệm. Bên cạnh đó, COP còn là nơi trình diễn những thành tựu khoa học – công nghệ (KH& CN) mới nhất, có ý nghĩa rất quan trọng đối với cuộc chiến chống BĐKH. Những giải pháp KH&CN mang tính đột phá ngày càng nhiều lên cùng với tính đồng thuận tăng dần theo thời gian đã mang đến thành công cho những kỳ COP gần đây.

Tôi được tham dự 5 kỳ COP liên tục từ năm 2013. Mỗi kỳ COP có một đóng góp riêng nhưng với tôi và đa số đại biểu, COP 21 là ấn tượng mạnh nhất. COP 21 không chỉ có Thỏa thuận Paris (mốc son của cuộc chiến chống BĐKH – PV) mà còn rất nhiều những thành tựu từ nghệ thuật đàm phán cho đến nghệ thuật điều hành hội nghị, rồi tạo sự đồng thuận và những yếu tố hỗ trợ để đạt được Thỏa thuận. Đó là một thành tựu toàn diện về từ đàm phán, thỏa thuận, hợp tác đến sự gắn kết KH&CN làm nền tảng cho đàm phán. Chúng ta thấy được vai trò của việc đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên giữa các nước phát triển và đang phát triển. Không phân biệt tinh thần trách nhiệm nhưng những bên có kinh tế mạnh hơn, cần đóng góp nhiều hơn.

“Cuộc chiến” giữa nước giàu – nước nghèo

PVMột số ý kiến cho rằng, COP là cuộc đấu tranh gay gắt giữa các nước công nghiệp phát triển với các nước đang phát triển. Còn ý kiến của các ông như thế nào?

Ông Mai Trọng Nhuận: Ở một góc độ nào đó, các nước phát triển là các nước đã phát thải trong quá khứ rất nhiều, góp phần trực tiếp gây ra hiệu ứng nhà kính và nóng lên toàn cầu hiện nay. Với dự báo khi Trái đất tăng quá 2oC bất kể nước nào cũng sẽ chịu tổn thương, tổn thất nghiêm trọng. Những nước có nền KH&CN phát triển có nhận thức sâu sắc hơn, cùng với tiềm lực lớn nên họ thường nhìn xa hơn, đề phòng tốt hơn với những phát minh mang tính mở đường về khoa học BĐKH nên có nhiều giải pháp giảm nhẹ, khiến họ ít bị tổn thương hơn. Những nước kém phát triển tiềm lực kém, nhận thức kém hơn nên dễ bị tổn thương. Ngoài ra, còn có lợi ích nhóm liên quan đến năng lượng hóa thạch như: Dầu mỏ, khí đốt, than đá giữa duy trì tăng trưởng và giảm phát thải khí nhà kính. Đó là sự khác biệt giữa lợi ích kinh tế và chia sẻ lợi ích. Sự khác biệt về văn hóa cũng tạo nên sự đụng độ và tranh luận về nguyên nhân BĐKH.

Chính những sự khác biệt đó khiến chúng ta cần đến COP để có thể ngồi bàn bạc, thỏa thuận, chia sẻ và tìm tiếng nói chung. Tại COP 24, họ đưa ra một mô hình mới, tích hợp cả thích ứng với giảm nhẹ và giảm nhẹ với thích ứng. Những hội thảo, diễn đàn nghiên cứu tích hợp cả hai rất nhiều như: Mô hình đô thị chống chịu cacbon thấp, nông nghiệp chống chịu cacbon thấp, phát triển cacbon thấp chống chịu cao là lời giải cho xung đột giữa thích ứng và giảm nhẹ. Điều đó đưa cuộc đàm phán đi đến thống nhất ra được bộ Quy tắc thực thi Thỏa thuận Paris.

Ông Phạm Văn Tấn:

Tôi đồng ý với giáo sư về điểm mấu chốt của mỗi kỳ COP đó là lợi ích. Lợi ích chi phối tất cả những hành động của tất cả các quốc gia. Để phát triển như các nước giàu hiện nay, họ đã chiếm dụng một không gian phát triển rất lớn từ trong qua khứ. Người ta tính từ thời kỳ tiền công nghiệp năm 1850 cho đến cuối thế kỷ 21, không gian để phát triển của nhân loại là 1.000 tỷ tấn CO2 mà các nước phát triển đã chiếm dụng hầu hết không gian đó, nên các nước đi sau không còn để phát triển.

Không gian không còn nữa, các nước đang phát triển yêu cầu các nước phát triển phải đền bù lại là đúng. Các nước phát triển phát thải quá nhiều trong quá khứ, gây ra BĐKH và tác động hầu hết đến những nước đang phát triển. Chính vì lợi ích chi phối nên 2 nhóm luôn xung đột nhau, một bên luôn muốn giảm nhẹ, một bên cần thích ứng.

Còn khi chuyển giao giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, lại phụ thuộc vào chuyển giao công nghệ. Những nước phát triển nắm công nghệ chuyển giao cho các nước đang phát triển, trong đàm phán các nước phát triển không bao giờ chịu chuyển giao miễn phí vì nó liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ nên gây tranh cãi rất nhiều.

Hiện nay, những xung đột này đã tìm được những đồng thuận nhất định. Hai bên đã thỏa thuận tại COP 24 có tích hợp cả thích ứng, giảm nhẹ và tăng cường năng lực, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính cho những nước nghèo. Chốt lại, vấn đề lợi ích là quan trọng nhất trong đàm phán BĐKH.

Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP24) đã thông qua bộ quy tắc cho Thỏa thuận khí hậu Paris

PVVà tại COP24 cũng cho thấy “sự chia rẽ vô trách nhiệm” giữa các nước nghèo, dễ bị tổn thương bởi BĐKH với các bên không muốn hoặc chậm trễ hành động chống BĐKH. Ý kiến của Giáo sư như thế nào?

Ông Mai Trọng Nhuận: Hiện nay, nguyên nhân của việc nóng lên toàn cầu vẫn đang được tranh luận. Nó xuất phát từ lợi ích, câu chuyện thực hiện chống BĐKH có mang lại lợi ích cho quốc gia hay không? Sau đó, mới tính đến giảm mức độ phát thải khí nhà kính. Nếu hành động ấy phù hợp lợi ích quốc gia, họ sẽ hăng hái, nếu  hành động ấy ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, họ sẽ chậm trễ. Các nhóm lợi ích năng lượng chi phối, nếu hướng giải pháp cắt giảm nhiều năng lượng hóa thạch, sẽ bị cản trở. COP 24 bước đầu tìm giải pháp cùng chiều giữa lợi ích từng quốc gia với lợi ích cuộc chiến chống BĐKH.

PVCOP 24 được đánh giá là thành công vì đã thông qua được bộ Quy tắc thực thi Thỏa thuận Paris. Tuy vậy, vẫn có ý kiến cho rằng, bộ quy tắc này còn thiếu nhiều quy định cụ thể, nhất là việc bảo đảm hành động của các nước nhằm cắt giảm phát thải khí nhà kính và chưa có quy định giúp tăng tốc việc áp dụng Thỏa thuận Paris nhằm duy trì mức tăng nhiệt độ tối đa 2oC so với thời tiền công nghiệp?

Ông Phạm Văn Tấn: Tùy thuộc vào cách nhìn từ mỗi góc độ để thấy được việc đánh giá thành công hay không. Chúng ta vẫn nói COP 15 là một thất bại nhưng về một mặt nào đó, nó lại thành công bởi trước COP 15, các nước hoàn toàn tiếp cận từ trên xuống. Bắt đầu từ thất bại của COP 15, các quốc gia đã nhận thức được là cách tiếp cận từ trên xuống không còn phù hợp nữa mà thay vào đó là cách cách tiếp cận từ dưới lên.

Việc nhìn nhận của các quốc gia hay các vấn đề của COP thắng lợi hay không tùy thuộc vào lăng kính lợi ích. Tại tất cả các kỳ COP, vì quan điểm khác nhau, lợi ích khác nhau nên khi đưa ra một bản đồng thuận, không bên nào nói được là thành công hay thất bại. Tất cả đều có thắng, có thua. Chính vì vậy, thỏa thuận rất công bằng và cân bằng. Đối với các nước đang phát triển, nền công nghiệp hầu như chưa có, năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn tập trung chủ yếu ở khu vực Thái Bình Dương, họ cần hỗ trợ tài chính để biến nguồn năng lượng vô tận thành hiện thực. Hơn nữa, mực nước biển ở khu vực này thường rất thấp nên vấn đề nước biển dâng là quan trọng nhất. Nước biển dâng nửa mét, nhiều quốc gia trên Thái Bình Dương sẽ biến mất nên họ ủng hộ mạnh mẽ việc giảm phát thải khí nhà kính. Còn đối với các nước như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, nhu cầu về năng lượng rất lớn. Nếu chúng ta chuyển hoàn toàn về năng lượng tái tạo sẽ không thể đáp ứng về công nghệ và giá, trong khi năng lượng tái tạo không ổn định, bài toán về dự trữ năng lượng sẽ khó giải.

Quay lại việc thực hiện cam kết duy trì mức tăng nhiệt độ tối đa 2oC so với thời tiền công nghiệp. Các nước đảo nhỏ thậm chí còn yêu cầu mức tăng chỉ là 1,5oC để nước biển dâng vừa phải, họ mới có thể tồn tại được. Đối với chúng ta, quan điểm là hạn chế ở mức tăng toàn cầu dưới 2oC và phát thải khí nhà kính từ nay đến 2030, vẫn tăng nhưng hạn chế. Chúng ta sẽ giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với phát triển thông thường và nếu có hỗ trợ quốc tế sẽ tiếp tục giảm đến 25%. Vậy nên chúng ta lại quay lại bài toán lợi ích và điều kiện quốc gia để đánh giá một kết quả của hội nghị thành công hay thất bại. Đối với tôi, kết quả tại COP 24 là cân bằng và chấp nhận được.

Dấu ấn Việt Nam

PVCác ông vừa nhắc đến COP 24, vậy đoàn Việt Nam có những hoạt động nổi bật gì tại COP 24 vừa qua?

Ông Phạm Văn Tấn: Đoàn Việt Nam có 3 kỳ vọng chính. Thứ nhất, cùng với các quốc gia trên thế giới thảo luận, thống nhất được những văn bản chi tiết, hướng dẫn Thỏa thuận Paris gồm đầy đủ các nội dung, trong đó, trọng tâm là thích ứng. Việt Nam tham gia ghi đầy đủ các nội dung, không thiên lệch về phía nào. Thứ hai, chia sẻ với cộng đồng thế giới về những lợi ích mà Việt Nam đã và đang làm. So với các nước trong khu vực và cùng trình độ, Việt Nam tiến khá xa trong ứng phó với BĐKH. Đây chính là đánh giá được quốc tế công nhận từ COP 22 trở lại đây. Thứ ba, học hỏi thế giới về những điều hay, đẹp như công nghệ, sáng kiến mới để áp dụng cho Việt Nam. Và chúng ta đã hoàn thành xuất sắc cả 3 nhiệm vụ này.

Tại COP 24, Việt Nam đóng góp tích cực trong xây dựng, thỏa thuận văn bản hướng dẫn, có tiếng nói mạnh mẽ trong nhiều đợt đàm phán và các thành viên đã chia sẻ những kết quả mà Việt Nam đã làm được. Đặc biệt, việc Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH và đã được triển khai rộng khắp các Bộ, ngành và địa phương hay Nghị quyết 120 về thích ứng BĐKH Đồng bằng sông Cửu Long của Chính phủ là những điểm nhấn mang đến Hội nghị để chia sẻ với bạn bè quốc.

PVViệt Nam là quốc gia chịu tác động sâu sắc bởi BĐKH. Vậy nỗ lực, vị thế, vai trò của Việt Nam tại các kỳ COP và trong mắt bạn bè quốc tế như thế nào, thưa ông Phạm Văn Tấn?

Ông Phạm Văn Tấn: Việt Nam là một nước chịu nhiều tác động của BĐKH nên từ năm 2012, Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nêu: Thích ứng với BĐKH là ưu tiên số 1 và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là quan trọng, vấn đề BĐKH là vấn đề sống còn. Quan điểm này được hiện thực hóa trong toàn bộ quá trình đàm phán, thực thi về BĐKH của Việt Nam.

Chúng ta đã tiên phong và thực hiện được rất nhiều việc. Khi Thỏa thuận Paris vừa được thông qua tại COP 21 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu làm thủ tục phê duyệt Thỏa thuận Paris, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch triển khai. Những trách nhiệm trong Thỏa thuận áp dụng cho Việt Nam đều có kế hoạch để triển khai và khi Thỏa thuận Paris có hiệu lực, chúng ta đã triển khai ngay. Đây là điều thế giới đánh giá rất cao ngay từ năm 2016. Và từ COP 2016, 2017, 2018, đây vẫn là điểm nhấn của Việt Nam – “chúng tôi đi tiên phong”. Bên cạnh đó, chúng ta còn triển khai rộng khắp đến 47 tỉnh, thành phố với những hành động cụ thể, riêng biệt để thực hiện hiệu quả Thỏa thuận Paris.

Các Bộ, ngành, địa phương còn lồng ghép những trách nhiệm này vào các hoạt động khác của mình. Chúng ta có luật và chiến lược cho việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và trên thực tế, hàng loạt dự án đầu tư cho điện gió, điện mặt trời đã và đang được triển khai. Đặc biệt, năm 2017, với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH. Như vậy, chúng ta tạo dấu ấn với thế giới – “chúng tôi làm được rất nhiều”.

Khi chúng ta mang những điều này chia sẻ với quốc tế được đánh giá rất cao và từ COP 22, Việt Nam đã được xác định là một những nước đi tiên phong trong ứng phó BĐKH. Trong COP 24, vấn đề minh bạch trong ứng phó và hỗ trợ ứng phó rất nóng nhưng tại hội thảo bên lề của Việt Nam tổ chức, chúng tôi đã chia sẻ những hành động minh bạch tại Việt Nam và được đánh giá rất cao.

Chúng ta minh bạch trong hành động chính là Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris. Chúng ta đã rà soát lại hơn 1.000 dự án ứng phó BĐKH mà các đối tác, quốc gia phát triển hỗ trợ Việt Nam từ 2010 đến nay. Từ đó, chọn ra 550 dự án trực tiếp phục vụ cho Thỏa thuận Paris. Chúng ta cũng phác họa cho bạn bè quốc tế bức tranh tổng thể về sự hỗ trợ quốc tế cho Việt Nam để thực hiện Thỏa thuận Paris với 68 nhiệm vụ, mỗi nhóm nhiệm vụ lại có những dự án hỗ trợ riêng, hoạt động hiệu quả. Tại các kỳ COP, vấn đề minh bạch trong việc thực hiện các thỏa thuận được coi là rất khó nhưng Việt Nam đã làm được và đi đầu nên rất được hoan nghênh.

PVVậy bức tranh thích ứng với BĐKH hợp lý nhất cho nước ta là như thế nào?

Ông Phạm Văn Tấn: Trong việc triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris chúng ta chia ra làm 5 nhóm nhiệm vụ từ nay đến 2030. Thứ nhất, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đây là nhu cầu bắt buộc tất cả các quốc gia. Thứ hai, thích ứng với BĐKH, thích ứng để tồn tại, để phát triển và có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Thứ ba, minh bạch tất cả những hoạt động ứng phó BĐKH và chúng ta phải nói được, làm được và cho thế giới thấy được. Thứ tư là tạo nguồn lực, mỗi tổ chức, doanh nghiệp, người dân đều phải tính đến việc tạo nguồn lực, nhất là nguồn lực về con người chúng ta còn rất thiếu. Thứ năm là thể chế bao trùm lên 4 nhiệm vụ trên. Đây là 5 trụ cột để có thể thực hiện của kế hoạch thực hiện thỏa thuận.

Ông Mai Trọng Nhuận:

Với tư cách là nhà nghiên cứu về BĐKH, trong 5 nhiệm vụ trọng tâm này, tôi sẽ chọn đột phá về thể chế, chính sách. Hay gọi cách khác là thể chế, chính sách thông minh với BĐKH áp dụng cho phạm vi cả nước. Nhân dịp Đại hội 13 sắp tới, trên nền tảng nghiên cứu chúng ta nên đề xuất ra mô hình phát triển mới mà chúng ta vẫn gọi bền vững, cacbon thấp, chống chịu cao. Tích hợp được toàn bộ những thành tựu cũng như quan tâm của nhân loại phù hợp với Việt Nam. Vừa thu hút được nguồn lực quốc tế, vừa phù hợp với Việt Nam.

Để làm được thể chế, chính sách thông minh với BĐKH cần có nguồn nhân lực thông minh về BĐKH. Nguồn nhân lực ấy cần đào tạo đáp ứng 5 nhiệm vụ nêu trên, cũng như phải đánh giá được những nhu cầu mới, thách thức mới, cơ hội mới để có thể vận dụng chủ động và có tầm nhìn dài hạn. Tiếp theo là đột phá về KH&CN, tạo nền tảng công nghệ thông minh về BĐKH. KH&CN thông minh về BĐKH cũng là nền tảng để chúng ta cân bằng lợi ích của các bên một cách trí tuệ và thuyết phục, chứ không phải bằng kinh nghiệm hay áp đặt từ trên xuống. Giải pháp thứ 5 rất quan trọng là khái quát thực tiễn Việt Nam thành mô hình, lý thuyết, trường phái ứng phó BĐKH để chúng ta phát triển tốt hơn, hiệu quả hơn. Đồng thời, đóng góp cho nhân loại, chứng minh với thế giới là Việt Nam đã và đang sử dụng rất hiệu quả các nguồn đầu tư quốc tế. Hài hòa lợi ích của tất cả các bên liên quan trong cuộc chiến chống BĐKH mới có thể huy động tổng lực các nguồn lực cho cuộc chiến chống BĐKH.