Mùa diệt muông thú ở Gia Lai (Kỳ cuối): Mâm thịt thú “che” mắt lực lượng chức năng

Chỉ nằm vùng vài ngày ở KBang mà đi tới đâu, nhóm cũng được mời chào các món thịt thú. Vậy nhưng suốt cả năm trời, cơ quan chức năng KBang không phát hiện được vụ vi phạm nào và cả tỉnh Gia Lai chỉ xử lý được 2 vụ.

Rừng tự nhiên tại Gia Lai được đánh giá là nơi sinh sống của nhiều loại thú rừng quý hiếm

Trao đổi với ông Trương Thanh Hà, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện KBang về những hình ảnh, clip mà nhóm ghi lại được, ông vừa thừa nhận, vừa phủ nhận: “Ở huyện có tình trạng lén lút dùng súng tự chế để săn bắn, đơn vị có tuần tra thu giữ súng nhưng đa phần thuộc lâm phần của Kon Ka Kinh, Kon Chư Răng, rừng ở đây đường giao thông bốn bề thú nào dám ở. Ở Kon Chư Răng đang xây dựng phòng trưng bày công tác bảo tồn, các chú nên vào các hạt của các Ban quản lý (để hỏi – PV) chứ Hạt của huyện chủ yếu là bảo vệ phát triển rừng, còn về động vật cũng có trách nhiệm vì là… lâm sản phụ?! Năm nay chưa bắt được vụ nào lên quan đến động vật hoang dã, năm 2017 thì bắt được một vụ. Các nhà hàng có kí kết không buôn bán nhưng bản cam kết họ không treo ở nhà hàng mà cất đi”.

Theo ông Hà, động vật hoang dã ở KBang thuộc nhóm lâm sản phụ (?!) và “ở đây chủ yếu động vật thông thường thôi, heo, nhím chẳng hạn. Các xã còn động vật chủ yếu giáp với hai khu Kon Ka Kinh và Kon Chư Răng, để xảy ra tình trạng như vậy, các xã cũng phải có phần trách nhiệm”. Ông cũng không quên “khoe” với nhóm là chính Hạt đã tham mưu cho tỉnh ban hành văn bản yêu cầu các nhà hàng ký cam kết không buôn bán động vật hoang dã và “từ khi văn bản ra đời thì chuyển hướng tích cực” hơn hẳn dù “chưa có con số thống kê chính thức”.

Khi đặt vấn đề tại sao nhóm có thể dễ tiếp cận các đối tượng đầu nậu như vậy mà Kiểm lâm huyện không phát hiện và xử lý được vụ nào từ đầu năm đến giờ, ông Hà cho hay: “Theo anh nhìn nhận đánh giá là có nhưng nhìn thấy thì không, cố gắng lắm nhưng không bắt được, họ chở xe máy phóng vù vù, ai mà bắt được… Ở đây rừng rộng, phân bố đều khắp, họ lén lút trong rừng sâu, tuần tra đã khó, bắt lại càng khó, dân đi săn lủi khắp núi rừng, anh em có đi được suốt đâu mà phát hiện. Còn buôn bán thì nó chia nhỏ, vận chuyển bằng xe máy tốc độ cao, thậm chí dùng xe ô tô du lịch nên khó phát hiện, còn các nhà hàng ký cam kết hết rồi”. Cũng theo ông Hà thì “động vật chủ yếu lấy từ Quảng Nam sang”.

Riêng về cá thể khỉ bị xích ở xã Đăk Smar, ông Hà cho biết: “Khỉ nhốt ở Krối, mình phải đến xem là động vật quý hiếm hay không rồi mới vận động họ giao nộp, truy ra nguồn gốc và đưa về các trung tâm cứu hộ. Ở Kon Ka Kinh có trung tâm cứu hộ rồi, xem họ vô tình hay cố tình vi phạm rồi mới đưa ra hình thức xử lý”.

Chia tay nhóm phóng viên, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện KBang cam kết chắc nịch sẽ cho kiểm tra các thông tin được cung cấp và xử lý nghiêm nếu có vi phạm vì ông nhấn mạnh “đăng ký vật nuôi chính thức trên địa bàn huyện KBang là không có”.

Sẽ kiểm tra và xử lý bằng… văn bản?

Ngược với lời khẳng định của ông Hà, ông Trương Văn Nam – Phó phòng Quản lý bảo vệ rừng, Chi Cục kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho hay “động vật bây giờ người ta nuôi, đặc biệt là heo rừng với cầy nuôi ở Kbang nhiều, có được cấp phép đàng hoàng”.

Cũng theo ông Nam, “Chi cục Kiểm lâm là cơ quan tham mưu, dưới Chi cục có các Hạt và Kiểm lâm cơ động, chúng tôi ban hành nhiều văn bản, tuyên truyền kiểm tra, bảo vệ, nắm bắt thông tin, bắt và xử lý. Năm 2018, Kiểm lâm phối hợp với Cảnh sát Môi trường bắt được 02 vụ, một vụ thu 5 cá thể Cầy hương và một vụ thu 7,5 kg Rắn ráo trâu, chủ yếu là bắt được khi đầu nậu đang vận chuyển từ khu vực biên giới Campuchia về”.

Ông Trương Văn Nam, Phó phòng Quản lý Bảo vệ rừng, Chi cục kiểm lâm tỉnh Gia Lai 

Nói về cái “khó” của ngành trong việc phát hiện, xử lý vi phạm tại các nhà hàng, ông Nam giãi bày: “Nếu phát hiện có thú rừng thì phải đưa đi giám định, như Chồn hương và Cầy vòi hương chỉ khác nhau vài cái vạch, chỉ các chuyên gia mới biết, kể cả Hổ mang chúa nhìn vào đầu thấy hình tam giác mới biết chứ nhìn qua chả khác gì Hổ mang phì. Còn đối với những con Mang, Nai thì các đồng chí biết đó ở đây gần biên giới Campuchia nên cũng có con này con khác, có khi người ta còn lấy thịt bê làm giả các con đó. Đơn vị mình chỉ tham mưu giấy tờ, cái các đồng chí phản ánh vậy thì mình ghi nhận, trong các cuộc giao ban sẽ phản ánh lại. Trên cơ sở đó sẽ tham mưu cho Chi cục và Sở để ban hành các văn bản chỉ đạo trực tiếp xuống các huyện để họ phối hợp với Cảnh sát Môi trường xử lý”.

Theo ông Nam, không có bất cứ bất cập gì trong việc phát hiện, xử phạt vi phạm ngoại trừ bất cập về… kinh phí thực hiện và giữa động vật nuôi với động vật rừng thì “còn lằng nhằng và khó phân biệt thôi”.

Với việc săn bắn sở KBang, theo ông Nam, “tất nhiên phải có hiện tượng chúng tôi mới bắt được nhưng cũng chỉ có giải pháp tuyên truyền liên tục. Mặt khác, họ cứ lén lút săn thú vào ban đêm thì cũng khó cho anh em”. Đối với việc buôn bán thú rừng trên địa bàn, ông Nam khẳng định “mua bán bên ngoài thì chúng tôi chịu vì cái đó thuộc quyền quản lý của kiểm lâm địa bàn, họ giám sát không được tốt. Còn những động vật đó lấy ở đâu thì chúng tôi phải theo dõi và nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo quy định. Kiểm lâm chúng tôi không bao giờ tiếp tay cho con buôn và cần phải có sự phối hợp giữa các bên, đặc biệt là các xã ven Vườn quốc gia thì mới mong chấn chỉnh thực trạng”.

Ngoài hai đại diện kiểm lâm, nhóm cũng trao đổi thêm với ông Nguyễn Văn Hoan – Giám đốc Ban quản lý VQG Kon Ka Kinh. Ông cho hay “hiện Vườn có 9 trạm kiểm lâm với tổng diện rừng trên 42.000 ha. Chúng tôi thường rà soát những khu vực trọng điểm để bảo vệ rừng, nhất là những khu vực hay bị đặt bẫy hoặc săn bắn. Người dân sinh sống ngay xung quanh và tập quán săn bắt động vật hoang dã, tận thu các sản phẩm phụ đã ăn sâu lâu rồi, không phải ngày một ngày hai thay đổi được ngay. Ngoài ra, chúng tôi cũng tuyên truyền người dân về việc không dùng súng săn bắn trái phép, họ hay dùng súng cồn, thậm chí cả súng kíp nên anh em đi tuần cực kỳ nguy hiểm”.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Giám đốc VQG Kon Ka Kinh

Nhóm phóng viên

Nguồn: