Đắc Lắc: Thương quá thú rừng ơi

Trong những năm gần đây, tài nguyên rừng của tỉnh Đắc Lắc ngày càng suy giảm, kéo theo sự đe dọa đáng kể đến sự sống của các loài động vật hoang dã. Không những thế, nạn săn bắn, mua bán động vật rừng trái phép ngày càng rầm rộ, diễn ra trên diện rộng làm cho sự sinh tồn của các loài động vật này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Thú rừng lớn, bé đua nhau “lên thớt”

Hiện nay, trên địa bàn Tây Nguyên nói chung, Đắc Lắc nói riêng, không ít loài thú quý hiếm có trong Sách đỏ thế giới như trâu rừng, bò tót, bò rừng, chà vá, sói đỏ, hổ… bị truy lùng, săn bắn ráo riết. Nhiều khu rừng nguyên sinh của các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên như Nam Ka, Chư Yang Sin, York Đôn, Ea Sô trước đây có những đàn động vật với số lượng lớn, nay giảm đến mức báo động.

Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô liên tục xảy ra những vụ săn bắn bò tót, bò rừng, chim công, nai cà tong, hươu đầm lầy… Hay như Vườn Quốc gia York Đôn có diện tích trên 115.000 ha, là nơi có hệ động, thực vật phong phú, đa dạng, thế nhưng, những năm gần đây, nhiều loài gỗ, động vật quý hiếm, có trong sách đỏ thế giới cũng bị săn bắn, khai thác trái phép ngày càng gia tăng cả về qui mô lẫn cường độ.

Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc các nhà hàng, quán nhậu đua nhau mọc lên và phần lớn trong kinh doanh ăn uống đều có sử dụng sản phẩm từ động vật rừng thu hút khá đông các “đại gia” tiêu dùng món hàng đặc sản này. Nổi bật hơn cả là các nhà hàng Song Mã, số 376, đường Phan Bội Châu, Dũng Râu, số 49, đường Nguyễn Tri Phương, Tú Nhi, đường Ngô Quyền ở thành phố Buôn Ma Thuột, đây là các nhà hàng đặc sản chuyên bán thịt thú rừng nổi tiếng lâu nay.

Trong các kho hàng của các nhà hàng Song Mã, Dũng Râu thấy có nhiều con chồn hương, nhím, ba ba, tê tê, rắn hổ mang… còn sống trước khi bị mang đi thịt, chế biến thức ăn. Và cũng ngay tại thành phố Buôn Ma Thuột, nếu không vào nhà hàng, khách sạn để mua một vài món thịt rừng về ăn đối với ai đó không phải là chuyện quá khó.

Thậm chí, thịt thú rừng được bày bán công khai bên vệ đường, trong quầy hàng, thậm chí nơi bán đã có thương hiệu. Điển hình là tại ngã ba, đường Phan Chu Trinh – Tản Đà (đây là khu vực có đông cán bộ trung, cao, công an, kiểm lâm cư trú) có hai quầy chuyên bán thịt rừng tươi sống nào nai, lợn rừng, cheo, mang, tê tê, thỏ rừng, nhím…, nếu khách hàng muốn dùng thịt kỳ đà, rắn… thì chỉ cần đợi vài phút là có. Chỉ riêng tại hai quầy này thôi, mỗi ngày có từ 30 đến 50 kg thịt rừng các loại được lên thớt, lên chảo. Đây là 2 cửa hàng mà đã tồn tại công khai trên 5 năm và ở Đắc Lắc còn có nhiều quầy bán thịt thú rừng như vậy.

Những lần về công tác tại cấc huyện Lắc, Krông Bông, Ea Súp, Ea HLeo… được mời vào các nhà hàng, câu đầu tiên, các chủ nhà hàng luôn hăng hái, giới thiệu với khách là hôm nay, nhà hàng có các món đặc sản rừng mới như tê tê, dúi, nai, lợn rừng, gà rừng… còn tươi “rói”.

Hoặc tại các trung tâm xã như Ea Hđing, Ea Mđró (huyện Cư MGar), Ya TMốt, thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp), Hoà Sơn, Yang Mao (Krông Bông) đều có các quầy hàng bày bán thịt rừng tươi sống. Riêng ở nhà hàng Song Mã (thành phố Buôn Ma Thuột), ngoài ăn nhậu tại chỗ, nếu ai đó thích các loại thú rừng còn sống nhà hàng cũng vẫn đáp ứng nhu cầu. Thử hỏi, với đà tiêu thụ giết mổ kiểu này, sao động vật rừng không suy giảm đến mức báo động.

Còn nhiều bất cập trong công tác quản lý, xử lý

Ông Nguyễn Văn Linh, Giám đốc Vườn quốc gia Chư Yang Sin cho biết, nạn săn bắn động vật hoang dã diễn ra ngày một nhiều hơn, tinh vi hơn cũng một phần do những quy định của pháp luật trong xử lý vẫn còn nhiều thiếu sót, khó xử lý nghiêm minh đối với những đối tượng vi phạm.

Đơn cử, lực lượng kiểm lâm của Vườn đi tuần tra dọc theo sông Krông Bông, tại tiểu khu 1221, phát hiện 5 đối tượng săn bắt động vật hoang dã trái phép bỏ chạy, chỉ bắt được một đối tượng cùng tang vật 40 con chà vá chân đen đã được sấy khô. Đây là động vật quý hiếm, thuộc nhóm IB có trong sách đỏ.

Đối tượng vi phạm này đã chuyển cho cơ quan chức năng điều tra, xử lý, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính, vì khó có thể định giá được tang vật này!. Bởi lẽ, theo thông tư hướng dẫn, thì giá trị của tang vật từ 5 triệu đồng trở lên mới truy cứu trách nhiệm hình sự. Thế nhưng, nghịch lý ở đây là, đã là động vật hoang dã quý hiếm cấm sắn bắn, mua bán, tàng trữ, nên không có cơ sở để định giá trị vật chất. Toàn bộ tang vật này lại sấy khô, nên cũng không có căn cứ để xác định đó có phải là xương, chân của con vật chà vá hay không. Nếu gửi mẫu xương đến Viện Sinh thái – Tài nguyên sinh vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) với kinh phí 5 triệu đồng/mẫu, trong khi đó, cả Nghị định 139 của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn đều không quy định rõ kinh phí giám định lấy từ nguồn nào. Thế là tắc!.

Còn nhớ, năm 2002, vụ các “đại gia” bắn một con bò rừng quý hiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô và những năm tiếp theo đã có trên chục con bò tót, bò rừng bị bọn săn trộm sát hại, hay vụ dùng xe vận chuyển gần 400 kg động vật rừng bị bắt giữ tại địa bàn huyện Ma Đrắc gây xôn xao dư luận một thời, nhưng cuối cùng đâu cũng vào đấy.

Tỉnh Đắc Lắc có chỉ thị 07, nêu rõ: “…Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, chủ tịch các huyện, thành phố có trách nhiệm phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân không được tổ chức săn bắt, mua bán, sử dụng trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã. Không được ăn, uống các món ăn, sản phẩm từ động vật hoang dã có nguồn gốc bất hợp pháp tại các nhà hàng, khách sạn, quán ăn và các nơi khác. Nếu vi phạm, coi đó là hành vi tiếp tay cho các phần tử săn bắt thú rừng trái phép và sẽ xử lý nghiêm…” có từ năm 2003.

Thế nhưng, theo ông Lê Cước, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm Đắc Lắc), hiện nay phong trào gây nuôi, phát triển động vật hoang dã trong tỉnh đã bắt đầu được người dân quan tâm đầu tư phát triển. Hiện nay, theo thống kê đã có 235 hộ nuôi động vật hoang dã đã được kiểm tra, cấp đăng ký. Động vật nuôi nhốt hợp pháp được chế biến các món ăn ở các nhà hàng, khách sạn ngày càng nhiều, nên khó kiểm soát, không phân biệt được đâu là động vật hoang dã, động vật nuôi. Khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý lắm!. Vậy là xảy ra tình trạng, cấm thì cứ cấm, ăn thì cứ việc ăn.

Còn theo ông Y Rít Buôn Ýa, Chi Cục trưởng Chi cục Kểm lâm tỉnh, những năm qua, ngành đã có nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền, vận động các nhà hàng, khách sạn ký cam kết không mua bán, sử dụng động vật hoang dã, kiểm tra, xử lý nhiều vụ vi phạm…. Tuy nhiên, việc này không thể “khoán trắng” cho ngành kiểm lâm mà cần có sự phối kết hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương thì mới góp phần hạn chế tình trạng săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép. Tỉnh cũng cần thực hiện xử lý nghiêm đối với những đối tượng sử dụng, tiêu thụ loại hàng “đặc sản” này thì mới góp phần tạo điều kiện cho các loại động vật rừng hoang dã sinh sôi, phát triển, cân bằng sinh thái.