Voi Hồ Lắk

Từ TP. Buôn Ma Thuột (thủ phủ của Đắk Lắk) chạy xe lên huyện Lắk chưa đầy hai giờ đồng hồ. Đắk Lắk là một tỉnh có số voi nhà và voi hoang dã lớn nhất Việt Nam nhưng giờ đây, chỉ còn lại chưa đến 40 cá thể được quản lý riêng lẻ, chủ yếu phục vụ du lịch, hầu hết lớn tuổi, khả năng sinh sản thấp, nguy cơ tuyệt chủng rất cao, trong đó tập trung ở hai huyện Buôn Đôn và huyện Lắk.

Tắm voi mùa nước lên.

Cuối tháng 4.2022, Trung tâm Bảo tồn voi, Cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng, cùng Tổ chức Động vật Châu Á – Animal Asia Foundation (AAF), đã trình Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk xin ý kiến góp ý dự thảo văn kiện dự án: “Hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh”. Và UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở NNPTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị nhanh chóng hoàn thành phương án mô hình sản phẩm “Du lịch thân thiện với voi” ngay trong năm 2022.

Bạn voi đang muốn gì?

Trước đó ngay từ năm 2018, mô hình “Du lịch thân thiện với voi” đã được thử nghiệm tại Vườn Quốc gia Yok Đôn, dưới sự tài trợ kinh phí, hướng dẫn kỹ thuật của AAF. Nhưng cho đến nay, việc nhận thức của cộng đồng người dân nói chung và các cá nhân, tổ chức nuôi voi nói riêng trong việc quản lý, chăm sóc, sử dụng voi khai thác du lịch, tránh ngược đãi voi, tránh làm tổn thương sức khỏe voi, vẫn chưa có sự đồng bộ.

Sáng sớm trên hồ Lắk.

Về Lắk những ngày này, thấy du khách khá đông chủ yếu là khách Việt và cưỡi voi luôn là loại hình du lịch được ưa thích nhất so với đi xuồng máy hay đi thuyền. Thực tế việc cho du khách cưỡi voi đem lại thu nhập rất cao cho nguời làm du lịch: Mỗi chuyến đi vòng quanh và xuống hồ Lắk để du khách nếm trải cảm giác bồng bềnh trên lưng voi; chưa đầy 15 phút, khách trả cho chủ voi 400.000- 450.000 đồng, mà có những ngày cao điểm, gần như voi “kín chỗ”. Để chuyển hẳn từ cưỡi voi sang ngắm voi, chụp ảnh với voi… cần có thời gian cùng những giải pháp cụ thể để bảo vệ đàn voi và đảm bảo quyền lợi cho voi và nài voi.

Y Vinh, nài voi nhiều kinh nghiệm và chú voi Y Khăm sen.

Anh Y Vinh (Y Um) sinh năm 1985, người dân tộc thiểu số M’Nong, là một trong 14 nài voi ở Lak, anh chăm sóc một chú voi tên là Y Khăm sen từ năm chú voi được 2 tuổi và nay đã lớn cùng voi được 28 năm. Y Vinh và Y Khăm sen trở thành đôi bạn thân thiết, quấn quýt với nhau. Sáng sớm, Vinh vào rừng dắt voi ra, tắm voi và cho voi ăn, và chiều muộn đưa voi vào rừng cho bạn ăn lá cây và ngủ trong rừng. Y Vinh bảo khi chăm voi cái khó nhất là voi không biết nói nên phải sử dụng giác quan của mình để cảm nhận nhu cầu của voi để chăm voi, nhất là khi “bạn ấy” ốm.

Tuy nhiên bản năng của voi là động vật hoang dã bởi thế vẫn luôn phải hết sức đề phòng, cảnh giác bởi trước đây đã có trường hợp voi dẫm chết người, hay mới nhất là voi đá cô gái đang làm mẫu cho nhiếp ảnh gia chụp vào trúng thùng rác, may mà không bị thương nặng. Không biết có phải vì mùi nước hoa của cô gái không hay bởi voi đang thời kỳ “khó ở”.