Buôn bán động vật hoang dã trái phép: Vẫn diễn biến phức tạp

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong cuộc chiến chống nạn săn bắt và buôn bán trái phép động vật hoang dã. Nhiều nỗ lực đã được triển khai nhằm khắc phục những lỗ hổng pháp lý, nâng cao khung hình phạt để bảo vệ những loài nguy cấp, quý, hiếm. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép vẫn diễn biến phức tạp.

Lực lượng chức năng đang kiểm đếm số lượng sừng tê giác nhập trái phép từ Nam Phi về Việt Nam, tháng 10/2018.

Trung tuần tháng 11 vừa qua, tại Hà Nội, Hội thảo tham vấn cho Báo cáo “Tình hình vi phạm và thực thi pháp luật về động vật hoang dã tại Việt Nam, giai đoạn 2013-2017” đã được tổ chức, thu hút hơn 40 đại biểu đến từ các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam và các tổ chức quốc tế, phi chính phủ.

Báo cáo được soạn thảo theo dữ liệu thu thập từ các Viện Kiểm sát nhân dân địa phương và các ngành Công an, Hải quan, Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng. Theo đó, từ tháng 1/2013 đến tháng 12/2017, có 1.504 vụ vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã với 41.328kg cá thể và sản phẩm động vật hoang dã, 1.461 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã; đã xét xử 432 bị cáo, phạt gần 16 tỷ đồng. Qua đó, cho thấy mức độ nghiêm trọng của loại hình tội phạm này diễn biến qua các năm.

Trong tổng số 496 người bị bắt giữ và xử lý về hình sự, có 24 người tái phạm 2 lần (trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý). Đối với vi phạm bị bắt giữ và xử phạt hành chính, có 45/965 người vi phạm lần 2 và 2/965 người vi phạm lần 3.

Tổng số tiền phạt với 921/965 người là 15.424.801.504 đồng. Trong đó, mức phạt từ 2 – 10 triệu đồng chiếm 64,6% (595/921), mức phạt dưới 2 triệu đồng chiếm 17,81% (164/921), còn mức phạt từ 11 – 49 triệu đồng chiếm 13,36% (123/921), từ 51 – 99 triệu đồng chiếm 2,39% (22/921) và thấp nhất là mức phạt trên 100 triệu đồng chỉ chiếm 1,85% (17/921).

Các loài nguy cấp, quý hiếm, bị đe doạ như tê tê, rắn, chim các loại và rùa chiếm tỷ lệ lớn trong các vụ buôn bán, vận chuyển trái pháp luật động vật hoang dã bị phát hiện, bắt giữ, xử lý. Một số loài không có nguồn gốc từ Việt Nam như tê giác, voi, tê tê cũng thường xuyên bị vi phạm, chiếm 13,5% (203/1.504) tổng số vi phạm, 7,43% (1.949/26.221) số lượng cá thể bị bắt giữ và 44,64% (18.450/41.328kg) trong tổng khối lượng động vật hoang dã bị tịch thu ghi nhận được trong giai đoạn 2013 – 2017.

Bà Hoàng Bích Thủy- Giám đốc WCS Việt Nam cho biết, với lợi nhuận được đánh giá xếp sau hoặc gần như ngang bằng với buôn lậu vũ khí, ma túy và buôn bán người, tình trạng buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã đang diễn biến ngày càng phức tạp.

“Việt Nam không chỉ bị coi là một quốc gia tiêu thụ động vật hoang dã  mà còn là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới trung chuyển, buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã xuyên quốc gia và xuyên lục địa”- theo bà Thủy.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thắng – Trưởng phòng Điều tra, xử lý vi phạm về lâm nghiệp (Cục Kiểm lâm) cho rằng, công tác thống kê của Việt Nam hiện nay hiện chưa về một mối, đặc biệt là về động vật hoang dã. Mỗi bên lại có đặc thù riêng, có chế độ quản lý và xử lý khác nhau, cần một mẫu biểu thông tin mang tính chất toàn diện và phần mềm hỗ trợ công tác thu thập, tổng hợp số liệu giúp cơ quan có thẩm quyền phân tích, để đưa ra giải pháp tốt hơn.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các đề xuất và khuyến nghị cho các bước tiếp theo bao gồm tăng cường thực thi pháp luật dựa trên kết quả thống kê, phân tích để xác định phương thức thủ đoạn, quy luật hoạt động (điểm nóng, tuyến đường) của các đối tượng, đường dây, ổ nhóm để xây dựng kế hoạch hành động thực thi pháp luật một cách hiệu quả, toàn diện.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, một cơ quan đầu mối và hệ thống cơ sở dữ liệu chung về vi phạm liên quan đến động vật hoang dã cần được thiết lập để hỗ trợ các lực lượng, cơ quan chức năng truy xuất thông tin vi phạm về động vật hoang dã dễ dàng.

Đại diện WCS Việt Nam cho biết, sẽ tiếp tục hợp tác với Cục Thống kê Tội phạm và Công nghệ thông tin – Cục 2, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hoàn thiện báo cáo và từng bước xây dựng kế hoạch thực hiện các đề xuất nói trên. Kết quả được kỳ vọng là sẽ có một hệ thống thống kê, báo cáo chính xác để có thể giúp phân tích và dự báo xu hướng tội phạm và từ đó mỗi cơ quan chức năng có được các can thiệp và hành động cụ thể đấu tranh với các vi phạm về động vật hoang dã.