Rừng Phia Oắc hồi sinh sau một thời gian bị tàn phá

ThienNhien.Net – Rừng Phia Oắc – Phia Đén thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng đã có tên trong tập bản đồ Việt Nam bởi sự hiện hữu của các cảnh quan thiên nhiên độc đáo, cùng với khí hậu điển hình mà ít nơi trên lãnh thổ Việt Nam có được. Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài, rừng Phia Oắc bị tàn phá nặng nề bởi nạn khai thác khoáng sản trái phép. Nhưng gần 2 năm trở lại đây, nhờ sự quyết liệt vào cuộc của chính quyền tỉnh Cao Bằng, khu rừng quý giá này đang được hồi sinh một cách ngoạn mục.

Báu vật một thời bị lãng quên

Cũng giống như Tam Đảo, Sa Pa, Ba Vì, Mẫu Sơn…, Phia Oắc là một trong những “miền đất lạnh” với hệ thống đỉnh núi cao, khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành, không gian nguyên sinh và thảm động, thực vật hết sức đa dạng. Chính vì vậy, ngay từ những năm đầu của thế kỷ 20, Phia Oắc – Phia Đén đã được người Pháp đầu tư xây dựng những khu nghỉ dưỡng với những tòa biệt thự nguy nga, tráng lệ. Ngày nay, đến đây ta vẫn còn bắt gặp dấu tích của các khu biệt thự cổ xây bằng đá tảng vững chắc nằm ẩn mình trong khu rừng già rậm rịt Phia Đén. Đáng chú ý nhất là các công trình như khu nghỉ mát cuối tuần của giới “quan cai trị” Pháp (Tài Soỏng), khu nhà đỏ (Tatsloom) vẫn vẹn nguyên hình hài đến mức: Chỉ cần sửa sang đôi chút là chúng ta đã có những khách sạn cổ kính xen lẫn các rặng thông già rêu phong cổ kính.

Ảnh minh họa: ThienNhien.Net
Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

Đỉnh cao nhất Phia Oắc là 1.931m so với mực nước biển, lại là nơi có lượng mưa trung bình cao nhất tỉnh Cao Bằng, là đầu nguồn của 5 con sông lớn, và cũng là nơi thường có băng tuyết tuyệt sắc vào mùa Đông… Vậy nên, Phia Oắc hội đủ tiêu chí của một khu du lịch sinh thái đa dạng tuyệt vời. Trên cung đường gần 20km từ chân núi để lên đến đỉnh Phia Oắc, qua các thảm rừng nguyên sinh ôn đới phủ đầy rêu phong cổ kính, những dáng cây kỳ quái do gió lớn và mưa tuyết tạo thành.

Lên đến đỉnh núi Phia Oắc du khách có thể mơ màng ngắm cảnh thần tiên, bởi nơi đây quanh năm suốt tháng đều có mây mù phủ kín. Từ đây có thể phóng tầm mắt nhìn ngắm ngút ngàn rừng xanh và vươn mình hít thở bầu không khí cực kỳ trong lành mà thiên nhiên ban tặng, hay thỏa thích chơi đùa với hoa dại và những đàn bươm bướm đa sắc màu bay lượn tung tăng…

Từ năm 1986, Phia Oắc đã là một trong số ít các rừng được Nhà nước ta quy hoạch bảo tồn, cùng với các khu di sản thiên nhiên mà hiện nay đã là vườn quốc gia như Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), Hoàng Liên (tỉnh Lào Cai). Đến năm 2006, tỉnh Cao Bằng mới có kế hoạch quy hoạch Phia Oắc là khu rừng đặc dụng, với diện tích hơn 10.000 ha, rồi các phương án bảo tồn, xây dựng vùng du lịch sinh thái cũng được tính đến. Tuy nhiên, tính rồi nhưng lại bỏ bẵng, không có trạm, chòi hay bất cứ lực lượng chuyên trách nào giữ gìn tài nguyên rừng, nên trong một thời gian dài Phia Oắc đã rơi vào tình trạng tàn tạ và có nguy cơ biến mất.

Ngay từ thời thực dân Pháp chiếm đóng, tại đây đã có các đường hầm xuyên sơn rộng lớn, lớn đến mức “quặng tặc” bây giờ vẫn vô tư nấu nướng, giặt giũ rồi tiếp tục nổ mìn, phá đá, đào đãi như “chuột chũi” ở trong đó. Chỉ cách đây hơn 2 năm, khi chúng tôi lên đỉnh Phia Oắc, dọc đường ngổn ngang cây cổ thụ đổ, núi đá bị đào bới một cách không thương tiếc, cảnh tượng chẳng khác nào sau một trận B52 giội xuống. Trong khi đó, l ực lượng kiểm lâm thì cũng chỉ biết… tuần tra mà thôi. Hồi đó, lực lượng kiểm lâm chỉ có 9 người hoạt động trên địa bàn toàn huyện với gần 20 xã. Ban quản lý rừng phòng hộ có 6 người, gọi là rừng Phia Oắc nằm trong khu vực họ quản lý thôi, chứ họ không thể quản nổi…

Rừng Phia Oắc lại hồi sinh

Nhằm tránh tình trạng vô chủ tại rừng đặc dụng Phia Oắc – Phia Đén, UBND tỉnh Cao Bằng đã ra quyết định thành lập Ban quản lý khu rừng đặc dụng Phia Oắc – Phia Đén theo quyết định số 2835/QĐ-UBND, ngày 27/12/2011 của UBND tỉnh Cao Bằng, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Hiện nay biên chế có mặt 7 người. Ban quản lý không có lực lượng kiểm lâm. Lực lượng kiểm lâm hiện nay tại trạm Phia Đén có 5 người trực thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Nguyên Bình. Tháng 7/2011, UBND huyện Nguyên Bình thành lập 2 trạm bảo vệ rừng trên núi Phia Oắc với thành phần là kiểm lâm, công an, tài nguyên và môi trường, dân quân các xã có rừng đặc dụng.

Theo ông Long Văn Bằng – Giám đốc Rừng đặc dụng Phia Oắc – Phia Đén, tình trạng chặt phá rừng và khai thác khoáng sản đã xảy ra từ những năm 2000 khi trữ lượng mỏ thiếc Tĩnh Túc đã cạn kiện, quy mô khai thác, chế biến bị thu hẹp, công nhân thiếu việc làm, không về quê mà bám trụ tại mỏ. Trong khi đó các dự án đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng chưa được xây dựng đầu tư, nhân dân trong vùng chưa được hưởng lợi từ các chương trình đầu tư mới về quản lý bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng. Nhân dân trong vùng và các vùng lân cận không có việc làm ổn định, hoặc sau mùa vụ, những lúc nông nhàn thì lên núi khai thác quặng kiếm sống tăng thu nhập, vì quặng thiếc, volfram có giá trị cao trên thị trường và xuất khẩu. Mặt khác cũng do khu rừng chưa thành lập ban quản lý, lực lượng kiểm lâm của huyện quá mỏng, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, trang thiết bị, phương tiện chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, chưa đủ mạnh để trấn áp “quặng tặc, lâm tặc”.

Kể từ khi được thành lập, Ban quản lý phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường và Hạt Kiểm lâm huyện Nguyên Bình xây dựng quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản. Từ khi Ban quản lý khu rừng đặc dụng đi vào hoạt động tháng 3/2012 đến nay thì tình trạng chặt phá rừng đã được ngăn chặn; khai thác khoáng sản đã giảm hẳn.

Trên đường từ chân núi lên tới đỉnh Phia Oắc, chúng tôi đã thấy sự thay đổi rõ rệt, những chỗ bãi quặng hoang tàn xưa đã được lấp đầy bởi thảm thực bì xanh ngát, không còn cảnh cây đổ, la liệt vì bị quặng tặc moi gốc. Anh Mông Thế Minh – cán bộ trạm phát sóng FM của Đài Tiếng nói Việt Nam , cho biết: “Hiện nay trên đường xuống và lên núi, thi thoảng tôi vẫn bắt gặp cáo mèo, sóc bay, lợn rừng…, điều này cho thấy rừng Phia Oắc đã có dấu hiệu hồi sinh trở lại, nên các động vật hoang dã này mới xuất hiện.”

Tuy nhiên hiện nay, các đường hầm xuyên núi được đào từ thời Pháp vẫn còn, người dân vẫn tiếp tục nổ mìn, phá đá, đào đãi trong đó. Sông Nguyên Bình kéo dài từ Tĩnh Túc (huyện Nguyên Bình) đến xã Công Chừng, Trương Lương (huyện Hòa An) dài trên 20km bị ô nhiễm nặng, nước không sử dụng được từ ngày khai thác mỏ Tĩnh Túc đến nay. Tình trạng mót quặng, đào quặng trái phép quanh Mỏ Thiếc và trong lòng núi Phia Oắc vẫn khó chấm dứt.

Mặc dù trong điều kiện hiện nay, trong vùng Phia Oắc – Phia Đén thảm rừng tự nhiên đã bị khai thác khá nhiều, ở nhiều khu vực thảm rừng tự nhiên không còn, thay vào đó là đất trống, đồi núi trọc, đa dạng sinh học cũng bị suy giảm nghiêm trọng. Nhưng chính điều kiện khí hậu cho phép chúng ta khôi phục lại các hệ sinh thái rừng tự nhiên đa dạng vốn có, nếu có kế hoạch nghiêm túc quy hoạch xây dựng vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén để bảo tồn đa dạng sinh học, phục vụ cho việc phát triển du lịch mà lâu nay gần như chưa được tận dụng khai thác.