Hành trình rùa biển – Bài cuối: Tiền đề cho tương lai

Một chiều cuối tháng 6.2018, nhóm cán bộ làm công tác bảo tồn biển Cù Lao Chàm hoàn tất việc nhận trứng rùa tại hòn Bảy Cạnh – Côn Đảo để chuẩn bị cho sáng hôm sau chuyển vị trứng về Quảng Nam. Đây là lần chuyển vị thứ 3, nhưng những người thực hiện trọng trách vẫn không thoát khỏi tâm trạng hồi hộp xen lẫn chút lo lắng.

Thả rùa con ấp nở thành công về với biển tại Bãi Bấc, Cù Lao Chàm (Ảnh: Xuân Thọ)

Cẩn thận từng chi tiết

Buổi bàn giao trứng rùa chiều hôm ấy, bên phía Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có kỹ sư Nguyễn Văn Vũ – Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn rùa biển quý hiếm tại Cù Lao Chàm” và cố vấn, chuyên gia rùa biển Lê Xuân Ái – nguyên Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo. Bên trao tặng trứng là cán bộ Trạm Kiểm lâm Bảy Cạnh cùng lãnh đạo Phòng Bảo tồn biển và đất ngập nước thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo. Số lượng trứng được hai bên thống nhất gồm 250 quả từ 40 ngày tuổi lấy ở các ổ trứng tại hồ ấp Bảy Cạnh, theo nguyên tắc: mỗi ổ chỉ lấy một nửa số trứng, nửa ổ còn lại vẫn được ấp tại Bảy Cạnh để sau này đối chiếu tỷ lệ rùa nở so với ấp nở tại Cù Lao Chàm. Đó cũng là cách kiểm chứng xem những thông số về điều kiện môi trường ấp như nhiệt độ, độ ẩm… có ảnh hưởng như thế nào đối với việc ấp nở trứng rùa.

Sau khi thống nhất những điều trên, hai bên vào hồ ấp tiến hành đào – lấy trứng. Trong lúc kiểm lâm viên Lê Đức Du của Trạm Kiểm lâm Bảy Cạnh đào lấy trứng, kỹ sư Nguyễn Văn Vũ cẩn thận đếm số lượng, ghi chép những số liệu liên quan. Một lớp cát được phủ đều ở đáy thùng xốp trước khi cho lớp trứng đầu tiên vào. Cứ xong một lớp trứng thì phủ lớp cát với lượng thích hợp, trước khi cho lớp trứng tiếp theo vào. Công việc này phải đảm bảo sao cho mỗi trứng trong thùng xốp được bao bọc bởi cát. “Việc này ngoài cố định, tránh tác động đến trứng, còn nhằm đảm bảo quá trình ấp vẫn tiếp diễn trong khi đưa trứng từ Côn Đảo về. Nắp đậy thùng xốp được đục nhiều lỗ để có sự trao đổi không khí với bên ngoài, nếu không sẽ làm hỏng trứng” – kỹ sư Vũ chia sẻ…

Giao nhận trứng để chuyển về Cù Lao Chàm tại hồ ấp Bảy Cạnh, Côn Đảo (Ảnh: Xuân Thọ)

Mọi việc hoàn tất, kỹ sư Vũ cẩn thận ghi chép, đánh số thứ tự lên mỗi thùng trứng. Hai thùng mang số 1 và 2 sẽ được vận chuyển bằng đường hàng không với sự theo dõi của cố vấn Lê Xuân Ái; thùng số 3 và 4 được vận chuyển bằng đường bộ với sự “tháp tùng” bởi kỹ sư Vũ. Khâu cuối cùng là dán biên bản thể hiện nội dung trao tặng – nhận trứng giữa Vườn quốc gia Côn Đảo và Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Anh em nói vui rằng, đó chính là “lá bùa” để được phép mang trứng rùa khỏi Côn Đảo và thông hành trên đường.

Hành trình chuyển vị

Kỹ sư Nguyễn Văn Vũ – Trưởng phòng Nghiên cứu và hợp tác quốc tế (Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) chia sẻ, việc thử nghiệm chuyển vị trứng rùa từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm dự kiến thực hiện trong 3 năm 2017, 2018 và 2019. Tuy nhiên, do gặp phải khó khăn về kinh phí nên có khả năng chỉ thực hiện được trong 2 năm 2017 và 2018. Trong khi đó, chuyên gia Lê Xuân Ái cho rằng việc thử nghiệm ít nhất phải thực hiện trong 3 năm mới rút ra được những kết luận tương đối chính xác.

Sáng hôm sau, chúng tôi nói lời tạm biệt và rời hòn Bảy Cạnh để trở về đảo Lớn trước khi giã từ Côn Đảo vào đất liền. Trên chiếc tàu cỡ nhỏ từ Bảy Cạnh về đảo Lớn, nhiều lúc sóng lắc lư, anh em chuyển vị không khỏi hồi hộp vì sợ trứng bị tác động mạnh. Tôi theo nhóm vận chuyển bằng đường bộ, gồm kỹ sư Vũ và hai cộng sự của anh. Trên ghế nằm của mình, nhóm kỹ sư Vũ dành phần êm nhất để đặt thùng xốp chứa trứng rùa. Còn hai thùng trứng chuyển vị bằng đường hàng không, sau này nghe ông Ái kể, căng nhất là lúc kiểm tra tại sân bay. Bấy giờ ông trình giấy tờ, rồi hóm hĩnh nói với lực lượng an ninh sân bay chịu khó kiểm tra bằng tay, chứ trứng đang ấp mà đưa qua máy quét an ninh thì chỉ còn nước đem… chiên ăn. Cũng may là yêu cầu này được chấp nhận.

Trên chuyến xe chuyển vị trứng rùa, cán bộ bảo tồn thường xuyên kiểm tra tình trạng thùng xốp. Tôi thỉnh thoảng bắt gặp ánh mắt chứa đựng nhiều ưu tư của kỹ sư Vũ. Có lẽ anh đang lo nghĩ về “vận mệnh” của số trứng rùa này, chúng có an toàn về đến nơi, rồi có nở với tỷ lệ cao như năm trước hay không. “Năm ngoái mình cũng vận chuyển bằng đường bộ. Song, sau đó không được hưởng cảm giác cùng anh em thả rùa con tại Bãi Bấc, vì chỉ vài ngày sau khi chuyển vị trứng về mình phải qua Nhật học theo lịch. Những ngày ở Nhật, thông qua facebook, mình cập nhật tình hình ấp trứng ở Cù Lao Chàm và sướng rơn người khi được anh em thông báo có dấu hiệu của rùa nở: đất sụt” – kỹ sư Vũ nhớ lại…

Ngày hôm đó, khi xe về tới thị xã Điện Bàn, cả nhóm tức tốc xuống Hội An lên tàu của Ban quản lý Khu bảo tồn biển đưa số trứng ra Cù Lao Chàm. Chúng tôi đến Bãi Bấc đã thấy căn chòi được dựng lên bên hồ ấp. Mọi người cho biết đã chôn ấp xong số trứng được vận chuyển bằng đường hàng không về trước đó. Kỹ sư Vũ tiến hành các bước đào hố làm ổ và lấy trứng từ thùng xốp chuyển vào để chôn ấp. Các khâu được được thực hiện hết sức tỉ mẩn.

Tiền đề cho tương lai

Sau hai lần chuyển vị trong năm 2017, một kết luận nhỏ cho thấy trứng ấp tại Cù Lao Chàm nhanh nở hơn so với ở Côn Đảo 2 – 3 ngày do có nền nhiệt độ cao hơn. Việc canh giữ bảo vệ hồ ấp trứng rùa được thực hiện nghiêm ngặt 24/24 giờ. Đây không phải lần đầu canh ấp trứng rùa, nhưng anh Ngô Văn Hải – nhân viên Phòng tuần tra kiểm soát (Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) không khỏi hồi hộp vì công việc vẫn còn khá mới mẻ với mình cũng như những anh em khác. “Hồi năm ngoái, đêm trăng, nằm ở chòi canh, mình nghe tiếng sột soạt, đi kiểm tra thì thấy rùa nở chui lên khỏi ổ. Gọi điện thoại thông báo với anh em mà cảm giác sướng rơn. Lần đầu tiên mình thấy rùa con nở như thế” – anh Hải nhớ lại.

Trưa ngày 9.7.2018, kỹ sư Vũ thông tin: Cát đã sụt! Có nghĩa là dấu hiệu rùa nở. Sáng sớm ngày 11.7, tôi nhận được tin nhắn của kỹ sư Vũ và ông Lê Xuân Ái: “Rùa đã nở, dự kiến 7 giờ sáng mai sẽ thả”. Theo đuổi cả hành trình từ Côn Đảo về, nên vừa nghe tin này tôi tức tốc ra Cù Lao Chàm. Sáng 12.7 tôi ngồi uống cà phê chỗ âu thuyền chờ qua Bãi Bấc. Nghe chúng tôi nói về rùa, ông chủ quán Trần Quốc Ngà góp chuyện: “Hồi xưa ở đây rùa rất nhiều, ở khắp các bãi, dân mình chỉ lấy trứng về ăn chứ không bắt rùa lấy thịt. Rồi khoảng 30 năm trở lại đây rùa vắng dần, rồi hầu như không còn lên các bãi ở Cù Lao Chàm đẻ nữa”. “Ở mình đang bảo tồn rùa, chú có biết không?” – tôi hỏi. Ông Ngà đáp ngay: “Biết chớ! Anh em bảo tồn đi tuyên truyền miết mà. Bây giờ hiểu nhiều rồi, mong mấy ảnh làm sao cho sau này rùa nó lên đẻ, là ngon!”.

Sáng hôm đó, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tổ chức thả rùa, trong sự háo hức lan tỏa đến người dân, cả những em nhỏ ở Cù Lao Chàm. “Mới chỉ có 115 trứng rùa nở, mình thả trước, số còn lại khi nào nở thì thả sau. Lúc ấy mình mới biết được có bao nhiêu trứng nở thành công trong tổng số 250 trứng được chuyển vị lần này” – kỹ sư Vũ nói. Chiều cùng ngày, số trứng còn lại cũng đã nở, tổng số 2 đợt, tỷ lệ trứng ấp nở thành công đạt đến 95,6%. Chia sẻ niềm vui ấp nở trứng rùa thành công sau đợt chuyển vị, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An tin rằng những hành động hôm nay sẽ tạo tiền đề cho Cù Lao Chàm trở thành nơi trở về, sinh sôi, nảy nở của rùa biển sau này.

Mấy mươi năm nữa, khi những chú rùa con đã trưởng thành quay về Cù Lao Chàm đẻ trứng, có thể những người hôm nay đã che chở cho chúng không còn, nhưng chúng sẽ gặp lại những đứa bé ngày nào chứng kiến chúng bơi về phía biển, giờ cũng đã lớn khôn. Nên chúng ta hiểu rằng, hành trình chuyển vị trứng rùa biển của hôm này là hành trình bảo tồn cho tương lai.