Quảng Nam mua đất rừng để cứu đàn Voọc Chà Vá chân xám

Đàn Voọc Chà Vá chân xám ở xã Tam Mỹ Tây thuộc huyện Núi Thành (Quảng Nam) đang đứng trước nguy cơ bị diệt vong. Do đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã lên phương án mua đất rừng sản xuất của người dân để đảm bảo môi trường sống của đàn voọc được rộng hơn.

Voọc Chà Vá chân xám ở khu vực núi Hòn Dồ hiện có khoảng 20 cá thể.

Sáng 9.8, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam dẫn đầu Đoàn công tác đã có chuyến đi thực địa tại khu vực sinh sống của đàn Voọc Chà Vá chân xám ở khu vực núi Hòn Dồ thuộc thôn Đồng Cố, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Quảng Nam.

Ông Lê Trí Thanh đi thị sát khu vực sống của đàn Voọc Chà Vá ở Quảng Nam. Ảnh: Đ.V

Ông Thanh cho biết, đàn Voọc Chà Vá chân xám ở khu vực núi Hòn Dồ đang sống trong phạm vi quá hẹp. Thêm nữa, khu vực này lại được bao quanh và bị chia cắt bởi các rừng keo của người dân. Từ đó, sự sinh trưởng và phát triển của đàn voọc bị ảnh hưởng mạnh.

Theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, đàn Voọc Chà Vá chân xám tại khu vực Hòn Dồ đã được phát hiện và theo dõi từ năm 2000. Tuy nhiên, do người dân địa phương lấn rừng để lấy đất sản xuất nên môi trường sống của loài Voọc Chà Vá chân xám bị tác động mạnh. Hậu quả là ảnh hưởng đến số lượng cá thể trong các quần thể của loài voọc này.

Voọc Chà Vá chân xám ở khu vực núi Hòn Dồ hiện có khoảng 20 cá thể.

Quần thể Voọc Chà Vá chân xám tại khu vực núi Hòn Dồ hiện có khoảng 20 cá thể với ít nhất 2 đàn voọc sinh sống biệt lập trên diện tích rừng tự nhiên khoảng hơn 10.54 hecta. Do ảnh hưởng của thời tiết lạnh vào mùa mưa, con non thường bị chết cóng, dẫn đến nguy cơ diệt vong của đàn Voọc Chà Vá chân xám tại đây.

Cũng theo ông Thanh, để bảo vệ đàn voọc cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, tổ chức quản lý, giáo dục, tuyên truyền. Trong đó, quan tâm đến việc bảo vệ diện tích rừng hiện có và phục hồi dải rừng của khu vực có phân bố đàn voọc. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền và tổ chức ký cam kết cộng đồng không săn bẫy thú rừng quý hiếm.

Ông Lê Trí Thanh nghe thực trạng ngay tại khu vực để tìm giải pháp bảo tồn đàn voọc.

“Vì môi trường sống của đàn voọc bị chia cắt, phân tán bởi rừng sản xuất của người dân. Nên tỉnh lên phương án là mua rừng sản xuất của người dân bao quanh khu vực núi Hòn Dồ để đảm bảo quần thể sống của đàn voọc được rộng hơn. Ngoài ra, tỉnh sẽ triển khai trồng lại rừng, vừa giúp việc di chuyển và đảm thức ăn cho đàn voọc”, ông Thanh cho hay.

Voọc Chà Vá chân xám có tên khoa học là Pygathrix Cinerea. Đây là loài đặc hữu của Việt Nam được xếp hạng bảo vệ ở mức cực kỳ nguy cấp trong sách Đỏ Việt Nam và Thế giới. Tại Việt Nam, loài này chỉ phân bố tại khu vực miền Trung ở các tỉnh Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum, Bình Định,…Quảng Nam được xem là giới hạn phía bắc cuối cùng của nước ta có phân bố loài Voọc Chà Vá chân xám.
Nguồn: