Chuyện loài voọc quý chỉ có ở Việt Nam

Năm 1997, giới khoa học thế giới chấn động khi nghe thông tin loài voọc chà vá chân xám tái xuất hiện ở Việt Nam. Bởi loài voọc này được cho là đã tuyệt chủng.

Voọc chà vá chân xám có tên khoa học là Pygathrix cinereal, là 1 trong 25 loài linh trưởng được xếp vào loại cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ IUCN. Đặc biệt, loài voọc chà vá chân xám chỉ xuất hiện tại rừng Việt Nam. Chúng không chỉ là loài đặc hữu, mang vẻ đẹp đặc trưng, mà còn có đời sống vô cùng thú vị!

Voọc hồi sinh, người hồi sinh

Là một người tham gia nhóm nghiên cứu voọc chà vá chân xám ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai) từ 16 năm trước, anh Nguyễn Ái Tâm, kể: “Ngày xưa, rừng Kon Ka Kinh là vương quốc của voọc chà vá chân xám. Khi đó, vào rừng là có thể gặp chúng. Nhưng do tình trạng sắn bắn vô tội vạ, số lượng đàn voọc quý ngày càng ít đi. Những năm cuối thế kỷ 20, đi vào bất cứ nhà nào trong các ngôi làng dưới chân núi Kon Ka Kinh, cũng có thể thấy những bộ xương thú treo trong nhà, nhìn qua là nhận ra những chiếc sọ của voọc chà vá chân xám.

Rất may mắn là năm 2003, rừng Kon Ka Kinh đã được Chính phủ quyết định đóng cửa bảo tồn, và trở thành vườn quốc gia. Khi đó, vào rừng đã không còn thấy bóng dáng của voọc chà vá chân xám, cư tưởng chúng đã tuyệt chủng rồi.

Một chú voọc chà vá chân xám đực trưởng thành trong VQG Kon Ka Kinh. Ảnh: Ái Tâm.

Nhưng chỉ sau vài năm rừng Kon Ka Kinh trở thành vườn quốc gia, chúng tôi bất ngờ thấy chúng xuất hiện trở lại. Rồi vài năm sau nữa, bắt đầu bắt gặp hình ảnh những chú voọc con bấu chặt bụng mẹ, tập chuyền cành, hay những bà mẹ voọc đang mang thai, bụng lặc lè”.

Một điều đáng mừng khác nữa khi rừng Kon Ka Kinh hồi sinh, đó là rất nhiều người dân bản xứ từ chỗ là “sát thủ” của thú rừng, nay trở thành người bảo vệ chúng.

Anh Đinh Dương ở xã Đắc Jo Ta, huyện Mang Yang, là một người như thế. Theo lời anh Dương tâm sự, ngày xưa rừng chưa cấm nên việc vào rừng săn bắt là lẽ thường tình, ai cũng vậy. Đinh Dương theo dân làng, người nhà vào rừng săn thú từ nhỏ, nên không nhớ đã giết bao nhiêu con thú. Voọc chà vá chân xám là một trong số những loài bị giết nhiều nhất, vì dễ săn hơn các loài khác.

Một đàn voọc chà vá chân xám đang chơi đùa ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, con đực đầu đàn làm nhiệm vụ cảnh giới cho đàn. Ảnh: Ái Tâm.

Khi thú trong rừng bắt đầu cạn kiệt, cũng là lúc cánh cửa rừng khép lại, những người thợ săn hụt hẫng rời cây súng, cây cung săn. Thời gian đầu, nhiều thợ săn không quen với sự cấm đoán này, vẫn liều lĩnh băng rừng đi săn thú. Nhưng rồi có người đã bị bắt, bị phạt, và họ bắt đầu sợ, chùn bước. Điều quan trọng hơn cả vấn đề pháp luật, đó là họ nhận thức được rừng là máu thịt, nhưng nếu cứ vào rừng săn bắn, chặt cây như thế, thì một ngày không xa, con cháu họ sẽ chẳng biết rừng là gì, chẳng còn gì để dựa vào nữa.

Anh Dương nhận thức được những chân lý ấy từ nhóm người chẳng biết từ đâu đến, hàng ngày họ xuyên rừng, lội suối, chăm sóc từng con thú rừng bị thương. Rồi họ bảo, những con voọc anh đã từng bắn là loài thú rất quý hiếm, chỉ ở rừng Việt Nam mình mới có.

Chứng kiến những hình ảnh đó, lòng Dương lay động, rồi sau đó, anh quả quyết giao nộp súng săn cho xã, tình nguyện đi theo nhóm nghiên cứu để hỗ trợ họ. Sau mỗi chuyến đi trở về, anh lại kể hết những gì tận mắt thấy cho bà con nghe. Giờ đây, không còn ai vào rừng săn thú nữa, nhằm vào loài voọc quý hiếm thì lại càng không.

Nhóm nghiên cứu phân tích, trao đổi thông tin những nội dung liên quan số lượng, tần suất tiếng hót của đàn voọc chà vá chân xám trong Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Giống Đinh Dương, anh Hjun, ở xã Đắk Tơ Ve, huyện Mang Yang cũng từng có quá khứ là một thợ săn lão luyện, thông thuộc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh như lòng bàn tay. Sau khi được cán bộ vườn quốc gia và thành viên nhóm nghiên cứu chiêu mộ, huấn luyện đã trở thành một trong những tay “săn tin” voọc chà vá chân xám siêu đẳng. Chỉ cần nghe tiếng voọc hót, Hjun có thể phân biệt được tiếng con đực, con cái, độ tuổi voọc. Rồi anh có thể đếm âm thanh voọc hót để ước lượng đàn voọc có bao nhiêu con… mỗi khi vào rừng, chỉ cần nghe vài âm thanh lao xao trong các tán cây, dù không nhìn thấy, nhưng Hjun biết, đang có những cặp mắt dò xét của đàn voọc dõi theo mình.

Một đặc điểm thú vị, không giống bất kỳ loài nào khác của voọc chà vá chân xám, được anh Nguyễn Ái Tâm chia sẻ, đó là chúng không bao giờ uống nước, nước cung cấp cho cơ thể được lấy từ các loại lá, trái cây chúng ăn. Do không uống nước nên chúng sống hoàn toàn trên cây, không xuống mặt đất bao giờ.

Những tập tính thú vị

Gắn bó với nhóm nghiên cứu voọc chà vá chân xám từ năm 2006, thuộc nằm lòng các đặc điểm, tập tính sinh hoạt của loài voọc này, chị Nguyễn Thị Tịnh, thành viên nhóm cho biết: “Chà vá chân xám mới được phát hiện vào năm 1991, nhưng lúc đó, chúng chỉ được coi như một phân loài của chà vá chân đỏ (Pygathrix nemaeus). Đến năm 1997, nhà linh trưởng học người Đức Tilo Nadler mới có kết luận, khẳng định voọc chà vá chân xám là một loài riêng với tên khoa học là Pygathrix cinerea.

Chú voọc chà vá chân xám phát hiện bị “theo dõi”, đang chuẩn bị “tẩu thoát”. Ảnh: Ái Tâm.

Voọc chà vá chân xám còn được người địa phương gọi là voọc ngũ sắc hay voọc vá. Bởi “tấm áo” chúng khoác trên mình có tới 5 màu, chủ đạo là màu xám, xen trắng, đen, đỏ và cam. Trên đầu là chiếc mũ lông xám, viền đen trước trán. Khuôn mặt nổi bật với đôi mắt xếch lanh lợi và bộ râu quai nón dài, trắng rất đẹp, phía dưới là bộ vòng cổ màu cam, hung đỏ. Một bộ phận nổi bật khác trên cơ thể chúng chính là chiếc đuôi dài hơn thân, màu trắng, vô cùng đẹp mắt.

Về tập tính sinh hoạt của voọc chà vá chân xám, chị Tịnh cho biết, chúng sống theo kiểu gia đình, hay còn gọi là đàn cơ sở. Mỗi đàn cơ sở có một con đực duy nhất cùng với 5 – 6 con cái trưởng thành và các con của chúng. Kiểu tổ chức tổ chức đàn như vậy được gọi là đàn đơn đực. Những con đực bị tách ra khỏi đàn cơ sở có thể sống cùng nhau hoặc sống đơn độc. Đôi khi có những đàn cơ sở nhập lại thành đàn lớn, từ 20 – 40 cá thể.

Voọc chà vá chân xám là loài dễ bị tổn thương vì chỉ biết “dấu đầu” mà lại “hở đuôi”, nên dễ bị phát hiện, mặc dù rất thông minh, nhanh nhẹn. Ảnh: Ái Tâm.

Thức ăn ưa thích của voọc chà vá là lá non và quả xanh. Do lá non dễ tiêu hóa và chứa nhiều protein hơn lá già; còn quả chín chứa lượng đường rất dễ gây ra chướng bụng trong quá trình lên men. Hệ tiêu hóa của chà vá chân xám mang đặc trưng sinh học của nhóm khỉ ăn lá (Colobinea) tức là không có túi dự trữ thức ăn ở má nhưng có có tuyến nước bọt rất phát triển. Dạ dày được chia thành nhiều ngăn, có một loại vi khuẩn lên men đặc biệt nhằm dễ dàng tiêu hóa sợi xenlulo trong lá và phân giải độc tố có trong một số loại lá, trái cây.

Khi di chuyển, voọc chà vá chân xám dùng cả 4 chi hoặc chỉ di chuyển bằng 2 chi trước, rất hiếm thấy chúng di chuyển bằng 2 chi sau. Động tác di chuyển bằng 4 chi hoặc dùng 2 chi trước để di chuyển từ cây này sang cây khác rất linh hoạt.

Từ khi rừng Kon Ka Kinh được bảo vệ, loài voọc chà vá chân xám tìm lại “thế giới” riêng của mình, và sinh sôi (Trong ảnh là một chú voọc chà vá chân xám con). Ảnh: Ái Tâm.

Voọc chà vá chân xám rất tinh khôn. Với đặc tính luôn ở trên cây cao, có con đầu đàn cảnh giới. Chúng có thể phát hiện ra mối nguy hiểm từ khoảng cách xa cả trăm mét. Cho nên, việc tiếp cận để ghi nhận thông tin về chúng không hề dễ dàng. Tuy nhiên, chúng lại là loài dễ bị tổn thương bởi tình trạng săn bắt, và chúng còn được gọi bằng 1 cái tên khác là “dấu đầu hở đuôi”. Khi phát hiện mối đe dọa, chúng thường không bỏ chạy xa mà leo lên các cành cây cao, rậm rạp để ẩn nấp. Nhưng do đuôi của loài này rất dài, lại có màu trắng, luôn buông thẳng nên rất dễ bị phát hiện.

Kể từ khi được phát hiện là một loài mới, các nhà khoa học đã tiến hành điều tra vùng phân bố và số lượng quần thể chà vá chân xám ngoài tự nhiên. Kết quả cho thấy, loài linh trưởng này chỉ phân bố hẹp trên lãnh thổ Việt Nam ở khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên (từ Quảng Nam đến Gia Lai), ngoài ra không khu vực nào khác trên thế giới có loài voọc này sinh sống.