Bắc Kạn lãng phí quỹ đất tại Khu công nghiệp Thanh Bình

Trong khi nhiều nhà đầu tư có tiềm lực không có đất để thuê, khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới, Bắc Kạn lại bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.

Được đầu tư bài bản từ hệ thống xử lí nước thải, đường điện, giao thông… và hầu hết diện tích đất đã có doanh nghiệp đăng ký, nhưng nhiều năm nay, Khu công nghiệp (KCN) Thanh Bình (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) lại hoang vắng với lau lách, cỏ mọc um tùm. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư có tiềm lực, mong muốn xây dựng nhà xưởng, phát triển sản xuất tại khu công nghiệp này lại không có đất để thuê.

Nhà xưởng xây dựng dở dang, cỏ mục lấn vào đường đi. (Ảnh: Linh Hà).

Xung quanh KCN Thanh Bình – khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh Bắc Kạn, nằm trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 – cỏ lau mọc tràn kín đường đi, nhà xưởng xây dựng dở dang, máy móc hoen gỉ, doanh nghiệp nợ hàng chục tỉ đồng tiền thuê đất, phí dịch vụ hạ tầng…

Khu liên hợp gang thép Kim Sơn là doanh nghiệp được cấp phép đầu tư tại KCN này sớm nhất và được giao phần diện tích 27,7 ha. Sau nhiều lần doanh nghiệp xin gia hạn và điều chỉnh dự án nhưng không triển khai, đến tháng 6 năm 2015, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Kạn đã ra quyết định thu hồi 9,6 ha trong tổng số diện tích đất đã giao cho doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, phần diện tích đất thu hồi hiện vẫn chưa được giải quyết dứt điểm do vướng mắc phần tài sản trên đất. Trong khi đó, phần diện tích còn lại là 17,7 ha cũng đang bị doanh nghiệp bỏ hoang dù diện tích này được coi là nằm ngay vị trí “đắc địa”.

Công ty cổ phần khoáng sản và gang thép Kim Sơn không phải là doanh nghiệp duy nhất đăng ký thuê đất rồi bỏ hoang cho cỏ mọc tại KCN Thanh Bình. Một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Sahabak, Công ty cổ phần Matexim, Nhà máy sản xuất cơ khí-bê tông Anh Đức với diện tích đất thuê hàng chục ha cũng đã ngừng hoạt động khoảng 2 năm nay.

Ông Nông Đình Huân, Phó trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn, cho biết hiện KCN Thanh Bình chỉ còn 4 doanh nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 260 lao động và không có sự đóng góp cho ngân sách địa phương bởi nhiều doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi đầu tư.

Đối với doanh nghiệp thuê đất không hiệu quả, hết dự án như Kim Sơn, Sahabak đang đề nghị tỉnh Bắc Kạn xem xét thu hồi lại cho những nhà đầu tư khác có năng lực, tài chính thì mới khởi sắc được.

Tuy nhiên, vấn đề lựa chọn nhà đầu tư đúng cũng là cả một vấn đề như thẩm định năng lực tài chính của nhà đầu tư khi không chỉ theo kê mà không được chứng minh qua nhà tín dụng. Bắc Kạn không có nhiều đất nên chọn những nhà đầu tư vừa phải, xác định được nguồn vốn, tỉ lệ vay vốn thấp thì rất khả thi.

Hệ thống điện, đường giao thông được đầu tư đồng bộ nhưng KCN Thanh Bình gần như không hoạt động. (Ảnh: Linh Hà)

KCN Thanh Bình có tổng diện tích được phê duyệt gần 160 ha. Thế nhưng đất rộng mênh mông mà lại “hết đất” để cho doanh nghiệp thuê bởi hầu hết diện tích KCN Thanh Bình là đất đã có chủ, dù chỉ trên giấy tờ.

Tháo gỡ những vướng mắc về lãng phí đất ở KCN Thanh Bình, tỉnh Bắc Kạn đang xem xét việc thu hồi những diện tích này. Đây là việc làm cần thiết để tạo điều kiện cho những nhà đầu tư có tiềm lực mở rộng sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho người lao động và tăng thu ngân sách cho địa phương. Đây cũng là việc làm cần thiết nhằm hạn chế những “dự án treo”, hay còn được gọi là “những nhà đầu tư hết vốn” nhưng vẫn chiếm dụng đất đai, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Nguồn: