Ứng phó nắng hạn và xâm nhập mặn

Sau nhiều ngày nắng hạn gay gắt, chiều 11/7, tỉnh Thừa Thiên – Huế xuất hiện cơn mưa khá lớn đã góp phần giải “khát” cho cây trồng cũng như làm cuộc sống người dân bớt ngột ngạt hơn. Dù vậy, Thừa Thiên – Huế vẫn đang phải đối mặt với tình trạng nắng hạn gay gắt và xâm nhập mặn.

Nước trong các hồ chứa ở tỉnh Thừa Thiên – Huế đang xuống mức thấp do nắng nóng kéo dài.

UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, hiện nay vụ Hè Thu 2018 đang trong thời kỳ tưới cao điểm, nhưng tình hình thời tiết diễn biến hết sức bất lợi, nắng nóng xảy ra trên diện rộng, kéo dài với nhiệt độ cao, độ ẩm thấp, gió Tây Nam hiệu ứng phơn mạnh, tổng lượng mưa từ cuối năm 2017 đến nay trên địa bàn tỉnh thấp hơn so với bình quân nhiều năm.

Mực nước trong các hồ chứa giảm thấp và thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm, nguồn nước trên các sông suối giảm nhanh. Dự báo tình hình nắng nóng còn tiếp tục xảy ra nhiều đợt từ nay cho đến tháng 9/2018.

Anh Trương Đình Thành ở huyện Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế) lo lắng, “Do nắng hầm hập nhiều ngày nay nên mấy sào ruộng của gia đình tôi gần như khô cạn, nếu không cấp đủ nước thì lúa chậm phát triển, không chỉ làm giảm năng suất mà còn làm thời vụ kéo dài, không thể thu hoạch kịp trước mùa mưa lũ”.

Tại huyện miền núi A Lưới, tình trạng nắng hạn càng đáng lo ngại hơn. Hiện nay, do đợt nắng nóng kéo dài nên lượng nước dự trữ tại các công trình đang có mức nước thấp, nguồn nước đầu nguồn đã cạn kiệt, nhiều công trình hạn hán tạm thời (trong đó có một số công trình hạn hán kéo dài) dẫn đến việc tưới tiêu cho các diện tích lúa gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục tình trạng trên, lãnh đạo huyện đã triển khai một số giải pháp cấp bách để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán như chỉ đạo Trạm Thủy nông huyện huy động công nhân toàn Trạm tìm nguồn nước, điều tiết đưa nước về; đồng thời huy động trạm bơm dầu ở các hồ chứa để đảm bảo tưới tiêu.

Không chỉ khô hạn, tình trạng nhiễm mặn có nhiều khả năng xảy ra tại một số địa phương ở Thừa Thiên – Huế do mực nước trên các sông thường bị giảm xuống mức thấp. Nhiều địa bàn ven biển, đầm phá thuộc các huyện: Phong Điền, Phú Vang, Quảng Điền, thị xã Hương Trà… thiếu nước ngọt gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt do bị nhiễm mặn.

Để chủ động ứng phó với nắng nóng và hạn hán, đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, môi trường và các ngành kinh tế khác, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế chỉ đạo rà soát tình hình đánh giá khả năng tác động của nắng nóng, hạn hán tới đời sống của nhân dân, các ngành sản xuất, xây dựng các kế hoạch ứng phó cụ thể để triển khai thực hiện, giảm đến mức tối thiểu thiệt hại, ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Chuẩn bị các phương án, kế hoạch nạo vét, khơi thông, vớt bèo để thông thoáng dòng chảy các sông, hói, kênh mương nội đồng để tích trữ nước. Chủ động lực lượng, thiết bị, bổ sung các loại máy bơm nước, bơm chuyền khi cần thiết.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, nguồn nước, hạn hán, kế hoạch vận hành của các nhà máy thủy điện, các hồ chứa nước thủy lợi, các công trình ngăn mặn giữ ngọt Thảo Long, Cửa Lác,… chỉ đạo vận hành bổ sung nguồn nước theo nhu cầu; hướng dẫn xây dựng, kiểm tra phương án phòng, chống hạn của các huyện, thị xã, thành phố Huế.

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình, chủ động phối hợp với các địa phương thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống hạn hán và nắng nóng.