Đau lòng gấu xám gầy trơ xương vì biến đổi khí hậu

Mặc dù kỳ ngủ Đông đang tới gần, một gia đình gấu xám vẫn phải lê lết hàng ngày tìm thức ăn gần bờ sông khu nghỉ dưỡng Knight Inlet. Đau lòng ở chỗ thể trạng của những con gấu xám này chỉ còn da bọc xương.

Hình ảnh chú gấu xám gầy đến đáng thương. Ảnh: Rolf Hicker/Facebook

Những hình ảnh đau lòng trên của nhiếp ảnh gia người Canada Rolf Hicker một lần nữa lại khiến cộng đồng giới quan sát thiên nhiên hoang dã dậy sóng. Họ lo lắng gia đình gấu xám kia liệu có sống sót qua nổi kỳ nghỉ đông giá lạnh khi không có thức ăn dự trữ.

Knight Inlet là một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng tại British Columbia, Canada thu hút du khách tới đây ngắm nhìn gấu xám và thưởng thức cuộc sống hoang dã.

Tuy nhiên, gần đây, thay vì hình ảnh to lớn khỏe mạnh, những chú gấu xám Bắc Mỹ lại biến thành những con vật gầy gò, ốm yếu.

“Chúng thay đổi đáng kể chỉ trong một vài tháng. Các con gấu đang gặp rắc rối”, Jake Smith – người giám sát thuộc tổ chức theo dõi động vật hoang dã Mamalilikulla First Nation – trả lời phỏng vấn kênh CNN.

Smith cho biết khi nhìn thấy những hình ảnh lần đầu được phán tán, anh biết anh phải tìm cách giúp đỡ. Nguồn thức ăn chính của gấu xám trong khu vực – là cá hồi – đang có số lượng ở mức thấp kỷ lục. Người dân hoạt động bằng nghề đánh cá tại British Columbia gọi đây là mùa cá hồi tồi tệ nhất trong gần 50 năm.

Gia đình nhà gấu kiếm tìm những con cá hồi hiếm hoi.

Theo một báo cáo tháng 8 của Bộ Thủy sản và Đại dương Canada, khí hậu tại quốc gia này ấm lên nhanh gấp hai lần so với khí hậu toàn cầu, từ đó tác động đáng kể tới hệ thống sinh thái của cá hồi.

Bản báo cáo chỉ ra các đợt sóng nhiệt hải dương, lũ lụt đồng thời hạn hán gia tăng là những nguyên nhân gây ra tình trạng khan hiếm cá hồi.

Tổ chức Mamalilikulla First Nation đã cung cấp 500 con cá hồi tới khu vực bờ sông mà gấu xám hay xuất hiện để “cứu đói” các con vật. “Chúng tôi ở cách các con gấu xám gần 10 m. Một con gấu nhỏ nhìn lên chúng tôi và gấu mẹ bắt đầu đi ra lấy cá”, ông Smith chia sẻ.

Nguồn thức ăn khan hiếm khiến gấu xám phải đi xa hơn để kiếm ăn. Ảnh: Rolf Hicker/Facebook
Nguồn thức ăn khan hiếm khiến gấu xám phải đi xa hơn để kiếm ăn. Ảnh: Rolf Hicker/Facebook

Vì sao cá hồi lại trở nên khan hiếm?

Số lượng cá hồi tự nhiên được cho là giảm dần trong một vài năm trở lại đây tại khu vực British Columbia. “Ảnh hưởng từ thảm họa biến đổi khí hậu đã lan rộng”, Joy Thorkelson – Chủ tịch Liên đoàn Công nhân và Ngư dân Thống nhất – phát biểu tại một buổi họp báo hồi tháng 9.

Khí hậu nóng lên tác động tới nhiệt độ nước và từ đó ảnh hưởng tới sự sinh sôi của loài cá. Không chỉ vậy, chính hoạt động nuôi cá hồi của con người cũng một phần lây lan bệnh dịch và ô nhiễm ra nguồn nước, kéo theo số lượng cá hồi thuyên giảm mạnh.
“Chúng tôi nhìn thấy con gấu mẹ và hai gấu con một vài tuần trước… Tôi không biết gia đình gấu xám này sẽ sống sót sao trong kỳ ngủ đông mà không có cá hồi dự trữ”, nhiếp ảnh gia đăng dòng chú thích Twitter kèm theo chùm ảnh.

Gấu Bắc cực cũng trong tình trạng gầy trơ xương vì không tìm được thức ăn. Ảnh: National Geographic

Hơn một nửa số lượng gấu xám Canada sinh sống tại British Columbia. Trọng lượng trung bình của một gấu xám bình thường từ 100-400 kg. Chúng thường ăn quả berry và cây cối, song cá hồi vẫn là nguồn thức ăn chính của loài vật này. Gấu xám Bắc Mỹ thông thường sẽ dành từ 5 đến 7 tháng mỗi năm ngủ đông. Chúng dành thời gian còn lại đi ra ngoài tìm kiếm thức ăn để bồi bổ cơ thể và dự trữ. Nếu như thể trạng của gấu mẹ gầy yếu, nó sẽ ảnh hưởng tới số lượng gấu con sinh ra.

Hicker cho biết không phải con gấu nào anh nhìn thấy cũng gầy, song phần lớn chúng không hề khỏe mạnh. “Các nhà sinh vật học địa phương không thể chỉ ra nguyên nhân chính xác gây ra thể trạng gầy gò của những con gấu. Nếu như khan hiếm cá hồi, các con gấu phải đi xa hơn để tìm thức ăn. Chúng sẽ phải sử dụng mọi năng lượng để bơi đến một địa điểm khác”.

Đảo Swanson – cách khu nghỉ dưỡng Knight Inlet 1 giờ đi tàu – giờ đây đã xuất hiện một vài con gấu xám.

“Chúng tiến gần tới trại của chúng tôi và xuất hiện ở những khu vực mà chúng tôi hiếm khi thấy gấu”, Rick Snowdon – hướng dẫn viên chuyên đưa khách du lịch đến đảo Swanson tham gia hoạt động cắm trại và chèo thuyền kayak – chia sẻ.

Canada không phải là quốc gia duy nhất phải đối mặt với số lượng cá hồi tự nhiên sụt giảm. Mùa hè này, sau đợt nắng nóng ở Alaska, các nhà khoa học phát hiện hàng trăm con cá hồi chết do sốc nhiệt. Nhiệt độ của dòng nước đã phá vỡ kỷ lục khi tăng đến 27 độ C hồi tháng 7.