Sống cảnh đèn dầu giữa “thủ phủ” thủy điện

Giữa “rừng” thủy điện lớn, nhỏ nhưng nhiều ngôi làng ở Tây Nguyên vẫn sống trong cảnh đèn dầu vì không có điện

Trời chập choạng tối, ông Rơ Châm Oel (làng Bui Xóm Mới, xã Ia Ka, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) vừa đi làm về đã vội hối người nhà ăn nhanh bữa cơm chiều vì trời tối, không thấy thức ăn mà gắp.

Vẫn đèn dầu, bếp lửa

Xong bữa cơm chiều cũng là lúc bóng tối bao trùm lên ngôi làng lọt thỏm giữa thung lũng. Ông Oel vội lấy chiếc đèn pin tích điện được chính quyền xã cấp ra thắp sáng nhưng cũng chỉ được một lúc thì hết điện, ông phải lôi bình ắc-quy ra cắm sạc. Chị Rơ Châm Trinh, con gái ông Oel, dọn mâm bát, dò dẫm từng bước xuống cầu thang nhà sàn mang đi rửa. “Không có điện bất tiện thế đấy. Khổ nhất là mấy đứa trẻ con, ban ngày thì trời nắng nóng như thiêu mà không có điện để bật quạt, ban đêm thì phải dùng đèn pin hoặc đèn dầu. Chúng tôi cũng đã ý kiến nhiều lần nhưng chưa được kéo điện” – ông Oel than thở và cho biết mỗi quý, chính quyền xã cấp 147.000 đồng tiền điện nhưng dùng để mua dầu thắp. Việc dùng đèn sạc điện chỉ cho những việc cấp bách, còn lại lấy ánh sáng từ bếp lửa hoặc đèn dầu.

Người dân vui mừng nhận dầu hỏa từ nhà hảo tâm (Ảnh: Hoàng Thanh)

Gần nhà ông Oel, anh Rơ Châm Men đang dùng đèn pin chiếu sáng để tìm chiếc bình, loay hoay mãi anh mới tìm được để pha sữa cho đứa con đang khóc. Anh Men cho biết theo phong tục người J’rai, anh về làm rể ở làng Bui Xóm Mới đã được 2 năm nhưng vẫn chưa quen với cảnh không điện. “Cái đơn giản nhất là sạc điện thoại cũng phải mang ra làng cũ cách 4 km” – anh Men nói.

Biết làng Bui Xóm Mới không có điện, nhiều tổ chức, cá nhân mang theo dầu hỏa để tặng. Hôm chúng tôi tìm tới, một người dân tại TP Pleiku mang theo một thùng phuy dầu hỏa và đèn để trao tặng. “May quá! Nhà mình hết dầu mấy ngày nay, chỉ nhờ vào lửa bếp. Giờ được cho rồi nhưng phải tiết kiệm vì hết lại không có tiền mua” – chị Rơ Châm Phưm hớn hở.

Ông Nguyễn Tất Hoàng, Trưởng Phòng Kinh doanh – Tổng hợp Điện lực huyện Chư Pah, cho biết sau khi người dân phản ánh, đơn vị đã đi khảo sát và đưa vào kế hoạch kéo điện năm 2019. Rất may, năm 2018 còn vốn nên đã đề xuất kéo điện. Hiện đã thi công, dự kiến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành.

2 ngày mất 40.000 đồng sạc điện

Đắk Lắk có gần 20 nhà máy thủy điện đang hoạt động nhưng vẫn còn nhiều thôn, buôn chưa có điện, cá biệt có thôn nằm giữa 3 nhà máy thủy điện nhưng hàng chục năm qua chưa có điện.

Thôn Nà Ven (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) nằm giữa “thủ phủ” thủy điện gồm các nhà máy Sêrêpốk 3, 4 và 4A nhưng đến nay, người dân nơi đây vẫn sống trong cảnh “đói” điện. Thôn Nà Ven được thành lập vào tháng 3-1988 với 74 hộ dân từ huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) đi làm kinh tế mới. Sống trong cảnh không điện, kinh tế khó khăn nên nhiều hộ đã bỏ đi nơi khác, hiện Nà Ven chỉ còn 41 hộ với 136 nhân khẩu, trong đó có đến 36 hộ nghèo.

Đến Nà Ven từ năm 45 tuổi, nay ông Nguyễn Thế Lưu đã 75 tuổi. 30 năm qua, chiếc radio là báu vật để ông thông tin cho cả thôn. “Mùa nắng, cây cối cháy vàng, mưa xuống thì phèn nổi lên nhưng không có điện để tưới tiêu. Bao nhiêu năm qua, chúng tôi luôn khát khao có điện để cuộc sống người dân bớt khổ nhưng cứ chờ mãi. Tôi đã cuối đời, muốn cái tivi để xem nhưng không có điện nên đành chịu” – ông Lưu nói. Anh Nguyễn Văn Sự cho biết: “Đèn dầu thì tối quá mà dùng bình ắc-quy thì nhanh hỏng, 2 ngày là phải sạc mất 40.000 đồng”.

Tại thôn Nà Ven, 2 phân hiệu của Trường Mầm non Hoa Anh Đào và Trường Tiểu học Nguyễn Du dù có bóng đèn và quạt nhưng không sử dụng được vì thiếu điện. Cô H’Dun Byã, giáo viên Trường Mầm non Hoa Anh Đào, cho biết không có điện nên các cháu phải mang cơm theo ăn vì các cô không thể nấu.

Điện lực huyện Buôn Đôn cho biết đang thực hiện dự án để cấp điện cho thôn Nà Ven. Dự kiến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành.

Nhiều thôn, buôn chưa có điện

Ông Võ Cồng Hiền, phụ trách truyền thông Công ty Điện lực Gia Lai, cho biết đến nay đã hoàn thành cơ bản việc kéo điện đến các thôn, làng đạt 99,8%. Một số làng như làng Bui Xóm Mới (xã Ia Ka, huyện Chư Pảh) làng Hek (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện)… đã được lên kế hoạch, sắp tới sẽ xin tổng công ty triển khai đầu tư. Ông Lưu Văn Khang, Phó trưởng Phòng Quản lý năng lượng Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, cho biết năm 2016, sở đã triển khai dự án cấp điện nông thôn cho 250 thôn buôn với tổng mức đầu tư 887 tỉ đồng. Tuy nhiên, nguồn kinh phí rót về ít nên giai đoạn 1 chỉ cấp được 27 thôn, buôn. Hiện nay tỉnh đang tiếp tục đề nghị cấp vốn để triển khai cấp điện cho 9 thôn, buôn với kinh phí khoảng 35 tỉ đồng. Tỉnh cũng đang đề xuất xin cấp 150 tỉ đồng vốn ODA để cấp điện cho 57 thôn buôn. Ngoài ra, còn có 326 thôn, buôn cần được đầu tư nâng cấp điện với tổng kinh phí hơn 1.100 tỉ đồng nhưng chưa có vốn.