Nỗi lo vùng sạt lở – Bài 1: Những cảnh báo nóng

Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ biển, nhất là hệ thống bờ sông, kênh rạch, đe doạ trực tiếp đến an toàn của nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Sạt lở ở vùng ĐBSCL không còn theo quy luật tự nhiên.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn vùng có trên 560 khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786 km, trong đó có 42 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 148 km cần sớm được xử lý và tập trung xử lý để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước…

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xác định là vị trí chiến lược quan trọng của đất nước cả về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, nơi sinh sống của trên 20 triệu người dân. Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông ở vùng ĐBSCL không còn theo quy luật tự nhiên, tần suất sạt lở và mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Tăng tiến mức độ

Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn (PCTT – TKCN) tỉnh Cà Mau, tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường; nhất là ở địa bàn các huyện Năm Căn, Đầm Dơi và Ngọc Hiển… Từ đầu năm đến nay, Cà Mau đã xảy ra 22 vụ sạt lở với tổng chiều dài 583 m, ước thiệt hại gần 1,33 tỷ đồng. Riêng trong tháng 5, địa phương đã xảy ra khoảng 20 vụ với chiều dài 536 m, ước tính thiệt hại 1,08 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT – TKCN tỉnh Cà Mau cho biết: Theo dự báo, từ nay đến cuối năm 2018 tình hình sạt lở đất ven sông sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường. Thời gian qua, các địa phương đã phân công cán bộ địa bàn, theo dõi sát để nắm bắt tình hình, thông tin nhanh và báo cáo kịp thời về về tỉnh để có hướng chỉ đạo.

Cũng theo ông Hoai, chiều dài các điểm thường xuyên xảy ra sạt lở trên địa bàn tỉnh Cà Mau là 37.935 m. Trong đó, huyện Đầm Dơi có 4 điểm thường xuyên xảy ra sạt lở với chiều dài 1.120 m; huyện Năm Căn có 10 điểm sạt lở với chiều dài 10.550 m. Đáng chú ý, huyện Ngọc Hiển hiện có đến 13 vị trí nguy cơ sạt lở cao với chiều dài 26.265 m.

Ông Võ Công Trường, Chủ tịch UBND xã Đất Mũi (Ngọc Hiển), nơi đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở trong thời gian qua cho biết: Tình hình sạt lở đất ven sông trên địa bàn trong mùa mưa đang diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân. Nặng nhất là vụ sạt lở đất hôm 13-6 vừa qua, làm 3 cửa hàng điện máy, tiêu dùng của các hộ kinh doanh bị nhấn chìm. Thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng.

Riêng tại TP Cần Thơ, theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn thành phố, trong 5 tháng đầu năm, trên địa bàn xảy ra 9 điểm sạt lở với tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở 368 m và ước tổng thiệt hại do sạt lở gây ra là 31 tỉ đồng. Năm 2011, TP Cần Thơ chỉ có 24 điểm sạt lở, đến năm 2018, số điểm sạt lở tăng lên hơn 100 điểm với chiều dài khoảng 56 km.

Ở Cần Thơ, Ô Môn là địa phương xảy ra sạt lở bờ sông nghiêm trọng nhất. Đó là điểm sạt lở tại khu vực Thới Lợi, phường Thới An từ đầu tháng 5 đến nay tại vị trí này đã xảy ra liên tiếp 3 vụ sạt lở. Vụ sạt lở giữa tháng 5 khiến tuyến giao thông ở khu vực này khiến trên chục căn nhà bị trôi sông gần 20 căn nhà bị ảnh hưởng, người dân phải di dời, đi nơi khác trú tạm.

Không theo quy luật  

Nhận định về tình hình sạt lở ở nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL thời gian qua, TS. Dương Văn Ni (Trường Đại học Cần Thơ) cảnh báo: Sạt lở ở vùng ĐBSCL không còn theo quy luật của tự nhiên. Đây là điều mà cơ quan chức năng cần cảnh báo đến người dân để không chủ quan…

Sạt lở bủa vây Đồng bằng sông Cửu Long.

Trước đây mùa mưa khi lượng nước từ đầu nguồn sông Mê Kông đổ về mạnh khiến cho tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra nhiều. Tuy nhiên những năm gần đây tình trạng sạt lở lại xảy ra nhiều vào mùa khô. Lý giải về điều này TS Nguyễn Hữu Thiện – Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL cho rằng nguyên nhân sạt lở là do mất cân bằng. Trước tiên là thiếu phù sa do các đập thủy điện trên dòng Mê Kông chắn lại, thiếu cát là do khai thác cát quá tải. Sạt lở không còn tuân theo một quy luật thiên nhiên nữa…

Liên tục trong 3 năm qua, các công bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở liên tục được các tỉnh An Giang, Đồng Tháp phát đi. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở nhiều địa phương. Sạt lở gần như “bủa vây” khắp ĐBSCL từ các bờ sông Tiền, sông Hậu, đê biển Tây, các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông nông thôn, đến các vạt rừng ven biển đều chịu thiệt hại nghiêm trọng.

Mặc dù, tình trạng sạt lở ven sông xảy ra khá phổ biến nhưng người dân và DN ở vùng này vẫn chọn nơi làm ăn và sinh sống cặp các con sông, thậm chí là lấn đất ven sông. Ở đâu có sông thì ở đó có nhà theo kiểu “Tiền lộ, hậu giang”. Trên thực tế, các chợ, khu đô thị sầm uất nhất của miền Tây đều nằm ven sông như: Cần Thơ, Long Xuyên, Vĩnh Long, thị xã Ngã Bảy, Vị Thanh (Hậu Giang)… Từ cách chọn lựa cuộc sống và làm ăn này khiến người dân gặp bất lợi!