“Cát tặc” cuộc chiến ám khói súng và nước mắt: Chế nỏ khủng giữ đất

ThienNhien.Net – Không có cách nào khác, người dân đành hò nhau chế tạo nỏ bắn đá khổng lồ để xua đuổi cát tặc.

Những chiếc nỏ bắn đá được người dân thôn Thái Thịnh (xã Sầm Dương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) kỳ công chế tạo ra để làm vũ khí giữ đất…

Những chiếc nỏ bắn đá khổng lồ được đặt nằm ngay bên bờ đê cạnh dòng sông Lô chảy qua làng, muốn bắn được cần dùng tới sức của 6 người lớn.

Bà Dương Thị Chiến đang mô tả lại cách xử dụng nỏ cao su bắn đá để đuổi những chiếc tàu cuốc.
Bà Dương Thị Chiến đang mô tả lại cách xử dụng nỏ cao su bắn đá để đuổi những chiếc tàu cuốc.

“Làng Thái Thịnh xưa kia bên bờ sông xanh tốt lắm. Triền sông trải dài với bãi cát dài miên man. Ở bãi bồi người dân Thái Thịnh trồng được những bãi ngô xanh biếc. Mùa thu hoạch, nhà nào nhà nấy “lặc lè” những bắp ngô chắc mẩy. Vậy mà giờ đây, bãi sạt tới gần bờ, đất từng mảng to tướng trực rung lắc nhẹ là rơi tùm xuống sông…”, cụ bà Nguyễn Thị Ngân (73 tuổi) tâm sự.

Sự thay đổi đến chóng mặt ấy, bắt đầu từ năm 2014, khi những chiếc tàu cuốc xâm hại vào địa phận của xã Sầm Dương khai thác. Trước đây, những chiếc tàu ấy khai thác cát ở thôn Đồng Tâm. Khi mỏ này cạn, họ kéo tàu vào bên Thái Thịnh để làm.

Chiếc ná khổng lồ mà người dân Thái Thịnh chế tạo.
Chiếc ná khổng lồ mà người dân Thái Thịnh chế tạo.

Nhìn những bãi soi màu mở dần dần bị những con “bạch tuộc vòi sắt” ngày đêm gầm gào kéo xuống sông, người dân không thể chịu nổi. Họ đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên thôn, lên xã rồi lên huyện, thậm chí là tới tỉnh và cả trung ương nữa. Vậy mà đất vẫn mất, tàu vẫn vào bờ ngấu nghiến “ngoạm” đất ven sông…

Cũng vì lẽ ấy, người dân mới hò nhau giữ đất, hò nhau làm nên thứ vũ khí của riêng họ để chiến đấu với những phương tiện tối tân.

Bà Tạ Thị Minh than thở: “Bãi soi ấy, khi chúng tôi còn canh tác được, mỗi một năm 2 vụ. Mỗi vụ thu hoạch bèn lắm chúng tôi cũng có mỗi nhà 4 – 5 tạ ngô. Ấy cũng là nguồn thu cơ bản của người nông dân Thái Thịnh. Vậy mà bây giờ, chúng tôi đã chia người làng ra, cứ 10 người/đêm/ngày trực chiến, đuổi tàu cát ra xa bờ”.

Người dân ngao ngán khi nhưng tấc vàng của họ lần lượt lăn tùm xuống sông.
Người dân ngao ngán khi nhưng tấc vàng của họ lần lượt lăn tùm xuống sông.

Dân chúng đồng lòng đuổi tàu, những chiếc tàu cũng không còn dám ngang nhiên tiến vào bờ, ăn vào đất người dân làm nông vụ. Nhưng khi ngoài sông hết cát, chúng lại lì lợm tiến thẳng vào… Để người dân phải đắng cay nhìn từng “tấc vàng” rơi xuống dòng sông đục ngầu. Người ta đã tìm ra cách ly tán sức dân.

Đó là việc họ thuê những kẻ “xã hội” trong làng, những kẻ đã vào tù, ra tội để “bảo kê”.

“Họ đã thuê những kẻ đầu gấu, có tiền án tiền sự về để đối phó với người dân. Ban ngày họ cùng chúng tôi ra ném tàu, nhưng ban đêm chính những kẻ ấy đã làm nội gián, tập trung lại đánh những người dân chúng tôi…”, bà Dương Thị Chiến cho biết.

Từng mảng lớn đất đang trồng ngô của người dân nứt dần rồi rơi xuống lòng sông.
Từng mảng lớn đất đang trồng ngô của người dân nứt dần rồi rơi xuống lòng sông.

Rồi anh Nguyễn Văn Hởi, con trai của cụ bà Nguyễn Thị Ngân bị chúng dùng tuýp sắt, dao, phớ… đủ loại đập nát gót chân phải trong một lần giữ đất.

“Nhưng dù thế nào thì chúng tôi vẫn phải giữ đất. Vì đó là nguồn sống duy nhất của chúng tôi. Đời chúng tôi không sợ, chỉ sợ đời con, đời cháu chúng tôi lấy đất đâu mà kiếm kế sinh nhai…”, bà Ngân thở dài ngao ngán.

Không chỉ có vậy, khi người dân cung cấp thông tin những chiếc tàu cuốc “ăn” cát trên địa bàn, nhiều thành phần xã hội lai vãng đông hơn cả người dân đều bịtrả thù.

“Sau khi cung cấp thông tin cho các phóng viên, ruộng ngô nhà tôi đã bị kẻ xấu đốt cháy rụi không còn xót cây nào. Việc bọn chúng trả thù như thế không phải là chuyện khó hiểu, nhưng chúng thật mất nhân tính…”, bà Minh cho biết.