Cấp trên ‘tuýt còi’ việc chuyển chủ đầu tư dự án trái quy định

Sau một thời gian thực hiện chủ trương tổ chức lại các BQL ngành NN-PTNT Hà Tĩnh, mặt tích cực chưa thấy nhưng bất cập đã hiện hữu. Dự án cũ nguy cơ bị cắt vốn, dự án đang xúc tiến vuột mất cơ hội.

Trong khi Quyết định chuyển chủ đầu tư số 3713/QĐ-UBND, ngày 12/12/2017 của UBND tỉnh Hà Tĩnh đang gây hoài nghi cho người lao động về việc BQL dự án đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh (viết tắt BQL dự án đầu tư) chỉ tiếp nhận dự án “ngon ăn”, còn những dự án chưa quyết toán xong, đã hết vốn lại không tiếp nhận thì ngày 26/12/2017, Sở NN-PTNT tiếp tục có công văn đề xuất Bộ NN-PTNT chuyển đổi chủ đầu tư 2 dự án do Sở NN-PTNT đang làm chủ đầu tư sang cho BQL dự án đầu tư tiếp quản là dự án đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Hội – Xuân Phổ (giai đoạn 2) và dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng vùng sản xuất giống và NTTS tập trung Nghi Xuân.

Dự án tăng cường khả năng tiêu thoát lũ vùng hạ du công trình thủy lợi Kẻ Gỗ là một trong những dự án “ngon ăn” vừa chuyển chủ đầu tư

Sau khi nghiên cứu các quy định, Bộ NN-PTNT ban hành văn bản số 1866/BNN-KH gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh “tuýt còi” việc đề xuất điều chỉnh chủ đầu tư 2 dự án này. Bởi “Chủ đầu tư do người quyết định đầu tư quyết định trước khi lập dự án hoặc phê duyệt dự án” – Khoản 1, điều 7, Luật Xây dựng quy định.

Theo văn bản của Bộ NN-PTNT, 2 dự án Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội – Xuân Phổ và dự án xây dựng vùng hạ tầng sản xuất giống Nghi Xuân do Bộ quyết định đầu tư và là dự án đầu tư phát triển thủy sản đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật chuyên ngành cao.

Sở NN-PTNT Hà Tĩnh là cơ quan quản lý nhà nước ngành thủy sản, đồng thời là cơ quan đề xuất việc quản lý sử dụng công trình sau đầu tư tại Hà Tĩnh. Vì vậy, Bộ NN-PTNT giao Sở NN-PTNT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư của 2 dự án nêu trên là phù hợp với Luật Xây dựng. “Đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh không chuyển đổi chủ đầu tư từ Sở NN-PTNT sang các tổ chức khác. Đồng thời chỉ đạo Sở NN-PTNT Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan khác ở địa phương tiếp tục triển khai các dự án do Bộ NN-PTNT quyết định đầu tư trên địa bàn”, văn bản nhấn mạnh.

Dự án ODA có nguy cơ bị cắt vốn

Vướng mắc trong việc chuyển chủ đầu tư các dự án trong nước đã đành, gần chục dự án có vốn đầu tư nước ngoài cũng đang đứng trước nguy cơ “xóa sổ” vì thực hiện không đúng các điều khoản ghi trong Hiệp định.

Bộ NN-PTNT “tuýt còi” việc đề xuất chuyển chủ đầu tư 2 dự án đang do Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư sang cho BQL dự án đầu tư thực hiện

“Các dự án ODA nếu “đập” về ban ông Đức (Trưởng BQL dự án đầu tư – PV) coi như mất hết vốn”, một lãnh đạo BQL dự án ODA lo lắng. Cũng theo vị lãnh đạo này, các dự án do BQL ODA thực hiện không nằm trong đối tượng điều chỉnh, sáp nhập theo Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 về quản lý đầu tư xây dựng; nhiều dự án hợp phần XDCB ít, chủ yếu phục vụ ngành NN-PTNT nên nếu chuyển chủ đầu tư sẽ ảnh hưởng đến tiến độ cũng như hiệu quả dự án. Ngoài ra, một số dự án ghi rõ trong Hiệp định chủ đầu tư là Sở NN-PTNT nên không thể sáp nhập, chuyển chủ đầu tư sang tổ chức khác, nếu thực hiện sai các điều khoản ghi trong hợp đồng thì sẽ bị cắt vốn ngay.

Hiện tại đang có 4 dự án gồm: Tiểu dự án hợp phần 3 quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng giai đoạn 2; dự án phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ (Jica2); dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (ADB) và Chương trình hợp tác của Liên Hiệp Quốc về giảm phát khí thải nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng các bon rừng tại Việt Nam, có thời gian thực hiện kéo dài đến năm 2022. UBND tỉnh có chủ trương sau 30/6/2018 sẽ tiếp tục bàn giải pháp để thực hiện đến khi kết thúc dự án. Song, số phận các dự án này cũng chưa biết đi đến đâu, bởi việc sáp nhập sau 30/6 cũng chưa biết sẽ thực hiện như thế nào.

“Để tiếp tục thực hiện dự án theo đúng Hiệp định đã ký kết, chúng tôi cho rằng cần thành lập BQL các dự án nâng cao năng lực, hỗ trợ kỹ thuật (thuộc Sở NN-PTNT), trên cơ sở sử dụng viên chức, lao động đang thực hiện các dự án dở dang tại BQL dự án ODA. Tất nhiên, việc tổ chức lại sẽ thực hiện theo hướng chuyên nghiệp, tinh gọn. Vấn đề này, Sở NN-PTNT cũng đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh tại văn bản 208/SNN-TCCB, ngày 31/1/2018”, lãnh đạo ban ODA nói.

Dư luận cho rằng quá trình tổ chức lại các Ban, BQL dự án mới chỉ tiếp nhận các dự án “ngon ăn”

Song song với nguy cơ mất vốn, vướng mắc trong quá trình tổ chức lại các BQL ngành NN-PTNT cũng đang ảnh hưởng đến quá trình xúc tiến triển khai dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển. Dự án này có tổng nguồn vốn gần 500 tỷ đồng. Hiện Bộ NN-PTNT đã thành lập BQL dự án Trung ương và có văn bản chỉ đạo 8 tỉnh (trong đó có Hà Tĩnh) thành lập BQL dự án cấp tỉnh nhưng do việc sáp nhập chưa thực hiện xong nên Hà Tĩnh đang có nguy cơ mất một dự án lớn.

Nguồn: