Thất thoát, lãng phí tài nguyên, khoáng sản quốc gia

ThienNhien.Net – Việc cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản tràn lan trong thời gian qua, cùng với sự buông lỏng công tác quản lý tại một số địa phương đã tạo kẽ hở cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân khai thác tùy tiện, bừa bãi, lãng phí. Có nơi tài nguyên, khoáng sản bị khai thác theo kiểu trộm cắp, trái phép, diễn ra giữa “thanh thiên, bạch nhật” như thách thức. Tình trạng đó không chỉ làm thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên, khoáng sản quốc gia vốn không thể tái tạo, mà còn gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng xấu tới môi trường, an ninh trật tự, gây bức xúc dư luận.

Bài 1: “Hớt” xong khoáng sản, “phủi” trách nhiệm đóng cửa mỏ

Một vùng đồi rộng lớn thuộc xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) bị Công ty cổ phần Công nghiệp Molybden Điện Biên đào bới tan hoang sau 5 năm “hớt” vàng và kim loại quý hiếm. Đến nay, doanh nghiệp này đã rút đi, để lại khai trường mỏ vàng chưa được phục hồi, đất đai tiếp tục xói mòn, sụt lún nham nhở. Nước ngầm, nước mặt ở khu vực này đỏ ngầu, độ đục vượt quá tiêu chuẩn cho phép, ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống, sản xuất của người dân trong vùng.

Đất lành bị tàn phá

Vượt gần 5 km đường mòn nham nhở, khúc khuỷu, dốc đứng theo sườn đồi, chúng tôi đến điểm Công ty cổ phần Công nghiệp Molybden Điện Biên (gọi tắt là Công ty Molybden), khai thác mỏ vàng ở xã Phì Nhừ (Điện Biên Đông, Điện Biên). Tại đây, toàn bộ nhà ở, lán trại phục vụ việc khai thác cùng kiệt từng mẩu quặng chứa vàng được Công ty Molybden tháo dỡ, di chuyển từ lúc nào không ai biết. Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông Vừ A Bằng cho biết: Họ mới tháo dỡ nhà và di chuyển thôi. Cuộc di chuyển nhà ở, đồ đạc, thiết bị sản xuất của Công ty Molybden âm thầm, đầy uẩn khúc, mặc dù nhiều năm qua chính quyền huyện, xã ở đây tạo mọi điều kiện cho họ khai thác vàng và kim loại quý hiếm…

Nhiều người dân sở tại cho biết: Mỏ vàng mà Công ty Molybden khai thác được phát lộ từ mùa mưa lũ năm 2007. Nhiều người còn đồn thổi mỏ vàng này có trữ lượng rất lớn nằm ẩn trong lòng đồi, núi. Trước khi Công ty Molybden vào khai thác, có người đào một bì quặng vàng đã bán được từ một triệu đồng đến vài triệu đồng. Có người đã giàu lên nhờ sắm máy nghiền quặng, thiết bị, hóa chất chế biến vàng ngay tại gia đình. Lúc đó, trên các tuyến đường trong xã Phì Nhừ, xe máy đi lại buôn bán quặng vàng rầm rập suốt ngày đêm. Thấy vùng đất lành này có vàng tích tụ, nhiều người từ các xã lân cận, ở các địa phương khác lục tục kéo nhau đến xã Phì Nhừ khai thác vàng trái phép.

Để ngăn chặn tình trạng nêu trên, UBND tỉnh Điện Biên đã có Văn bản số 03/UBND-NN, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành giao cho tỉnh quản lý, cấp phép khai thác, chế biến quặng vàng tại mỏ vàng xã Phì Nhừ từ năm 2008. Sau đó, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 98/QĐ-UBND, ngày 23-1-2008, cấp giấy phép khai thác vàng cho Công ty Molybden. Tổng diện tích đất mà Công ty Molybden thuê là 37 ha, trong đó có 20 ha được phép khai thác chế biến vàng, còn lại là khu phụ trợ, đất mở đường lên mỏ, hồ chứa nước. Thời hạn khai thác là 5 năm (tháng 1-2008 đến tháng 1-2013). Tháng 6-2008, Công ty Molybden chính thức bước vào khai thác vàng kiểu hầm lò, sau đó không lâu chuyển sang dùng vật liệu nổ khai thác lộ thiên.

Tại khai trường của Công ty Molybden, cả khu vực đồi, núi rộng lớn thuộc bản Háng Trợ, xã Phì Nhừ đã tan hoang. Nhiều hầm lò đào bới xiên ngang, xiên dọc, chọc thẳng bằng cách đánh mìn hình thành những hố sâu hàng chục mét, đường kính miệng hố rộng vài trăm mét, có nhiều nguy cơ mất an toàn cho người dân, do Công ty Molybden đã “chạy làng”. Hình thức đánh mìn, khai thác lộ thiên của Công ty Molybden làm cho toàn bộ cảnh quan, địa hình nhiều đồi, núi trong khu vực khai thác vàng bị biến dạng. Nghiêm trọng hơn, toàn bộ hệ thực vật đã bị phá hủy, đất đai bị cày xới, xói mòn, sụt lở nham nhở. Nguồn nước ngầm, nước mặt đỏ ngầu chảy tràn xuống khu vực canh tác gồm 27 ha ruộng và 3.000 m2 ao cá của dân. Không biết nguồn nước đó có bị nhiễm các loại hóa chất dùng trong chế biến vàng? Nhưng xét về độ đục, kết quả phân tích của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) khi người dân các bản Háng Trợ, Cồ Dề (Phì Nhừ) khiếu nại, cho thấy độ đục vượt tiêu chuẩn cho phép 18 lần. Kiểm tra của Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Điện Biên) cũng khẳng định độ đục nguồn nước từ mỏ vàng của Công ty Molybden chảy về các bản trong xã Phì Nhừ vượt quá giới hạn cho phép từ 1,1 lần đến 1,4 lần so với Quy chuẩn QCVN21:2008. Hiện tại, người dân trong xã vẫn phải hứng chịu nguồn nước đỏ ngầu, gây nhiều khó khăn cho sản xuất, nhất là ở bản Na Ngựu, xã Phì Nhừ. Vậy mà Công ty Molybden sau khi “hớt” xong vàng, bạc, kim loại quý hiếm đã vội vã “phủi” bỏ trách nhiệm đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường, đất đai như cam kết.

Những quả đồi ở mỏ vàng xã Phì Nhừ (Điện Biên Đông, Điện Biên) bị Công ty Molybden đào bới, khó cải tạo, phục hồi môi trường.

Giải thể để trốn trách nhiệm

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Công ty Molybden có địa chỉ tại số nhà 67, tổ 11, phường Mường Thanh (TP Điện Biên Phủ, Điện Biên). Công ty này chỉ có bốn thành viên, do ông Phạm Quang Tuân là người đại diện theo pháp luật; Chủ tịch HĐQT là ông Dương Quốc Huy và hai thành viên khác là ông Lò Văn Chính, bà Phạm Thị Chi. Theo Quyết định số 98/QĐ-UBND, ngày 23-1-2008, của UBND tỉnh Điện Biên thì công suất khai thác quặng vàng của Công ty Molybden tại mỏ vàng xã Phì Nhừ là 14.000 tấn quặng nguyên khai/năm; sản phẩm sau chế biến thành vàng kim loại đạt 350 kg/năm, với hàm lượng vàng chiếm 99,9%. Sau 5 năm săn khoáng sản quý hiếm, Công ty Molybden đã báo cáo khai thác được 4.499 tấn quặng nguyên khai; chế biến thu hồi 71,9 kg vàng, 130 kg bạc; giá thành sản phẩm đạt 744 triệu đồng/kg vàng; doanh thu bán vàng, bạc lên tới hàng chục tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia về khoáng sản cho rằng: Kết quả khai thác vàng nêu trên của Công ty Molybden nếu so với thực lực khai thác lộ thiên bằng vật liệu nổ để tận thu từng mẩu quặng vàng, thì chưa chính xác. Công ty Molybden tự báo cáo kết quả, chứ ngành chức năng tỉnh Điện Biên có ai được vào kiểm tra trực tiếp sản lượng trong mỏ còn lại bao nhiêu đâu mà biết họ báo cáo đúng hay sai ? Đây là cơ sở giúp Công ty Molybden “ém” sản lượng khai thác, giấu doanh thu. Mục đích của họ còn nhằm trốn thuế, trốn tránh trách nhiệm công ty đã cam kết là đầu tư xây dựng nhà kiên cố cho toàn bộ hộ nghèo trên địa bàn xã Phì Nhừ; hỗ trợ đóng góp tài chính cho huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) đầu tư cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng việc khai thác vàng.

Một diễn biến khác cho thấy rõ hơn hoạt động của Công ty Molybden rất khó kiểm soát, có nhiều thủ đoạn tinh vi trốn tránh pháp luật. Đó là, sau khi UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 563/QĐ-UBND, ngày 12-8-2013, gia hạn cấp giấy phép khai thác vàng tại mỏ vàng ở xã Phì Nhừ cho Công ty Molybden là 15 năm, diện tích khai thác là 20 ha, công suất khai thác 1.264 tấn quặng/năm, thì công ty này im lìm khai thác quặng thu lợi, vừa làm thủ tục giải thể công ty.

Qua xác minh của chúng tôi, Công ty Molybden chính thức dừng hoạt động từ tháng 10-2016. Bốn thành viên của công ty này được chia số vốn gồm: Ông Dương Quốc Huy nhận 68 tỷ đồng, bà Phạm Thị Chi nhận tám tỷ đồng, ông Phạm Quang Tuân nhận 2,4 tỷ đồng, ông Lò Văn Chính nhận 1,6 tỷ đồng. Xét về lợi ích của các thành viên Công ty Molybden thấy ai cũng có phần nhờ “ hớt” vàng tại mỏ vàng xã Phì Nhừ. Nhưng hành vi “phủi” bỏ trách nhiệm đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường là khó chấp nhận, vi phạm Luật Khoáng sản. Về việc này, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông Vừ A Bằng cho biết: Công ty Molybden ký quỹ hơn 400 triệu đồng; số tiền đó không đủ chi phí san lấp cả một vùng đồi rộng hơn 20 ha đã bị đào bới, đánh mìn nham nhở. Ngày 7-3-2017, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên có Văn bản số 152/STNMT-KS đề nghị UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu Công ty Molybden thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến việc đóng cửa mỏ, cải tạo đất, phục hồi môi trường, đất đai. Nhưng Công ty Molybden đã giải thể từ lúc nào không biết.

Đến mỏ vàng ở bản Háng Trợ, xã Phì Nhừ, vào cuối tháng 3-2017, chúng tôi thấy, bên những hầm lò, hố sâu tử thần của Công ty Molybden bỏ lại, nhiều người vẫn mò mẫm tìm quặng vàng. Họ dựng hơn một chục lán trại che chắn máy nghiền, máy nổ, thùng phuy chứa xăng, dầu, lương thực, củi… phục vụ cho việc đào mót vàng trái phép. Tháng 9-2016, ở đây đã xảy ra một vụ sụt lở hầm lò làm chết một người. Nhưng cuộc “săn” vàng trái phép ở vùng đất Phì Nhừ chưa chấm dứt.

(Còn nữa)

Thực hiện Nghị định số 203/2013/NĐ-CP, ngày 28-11-2013, của Chính phủ về thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên đã nhiều lần có văn bản yêu cầu Công ty Molybden nộp hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, nhưng công ty phớt lờ. Chúng tôi gọi điện thoại cho Chủ tịch HĐQT Công ty là ông Dương Quang Huy nhiều lần không thấy nghe máy…

Ông Bùi Châu Tuấn – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên