Nỗi lo sạt lở ven biển

Quảng Nam có chiều dài bờ biển trên 125km với nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng, như: Hà My, Cửa Đại, Tam Thanh, Bãi Rạng,…cùng với đó là những làng chài ven biển mà ngư dân đã sinh sống ngàn đời nay. Thế nhưng biến đổi khí hậu đã đưa đến nhiều khó khăn cho người dân, nhất là tình trạng sạt lở ven biển.

Nỗ lực cứu bờ biển Cửa Đại bằng cách lập đê chèn bao cát.

Cửa Lở ngày càng lở

Những làng chài ở xã Tam Hải gần Cửa Lở, hay các khu vực ven biển với hàng trăm hộ dân sinh sống đang hết sức lo lắng khi tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nặng nề. Thậm chí nhiều nhà cửa, vườn tược của người dân bị sóng biển cuốn trôi.

Cơn bão số 12 cuối năm 2017 kèm theo mưa lớn, sóng biển dâng cao đã làm cho hơn 1km bờ biển Cửa Lở thuộc thôn Bình Trung, xã Tam Hải, huyện Núi Thành tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng. Vì thế Cửa Lở ngày càng lở.

Chúng tôi có mặt tại đây đã chứng kiến bờ biển này bị sóng đánh tan tành. Hàng trăm gốc cây dừa, dương liễu đã bị sóng đánh trơ gốc. Nhiều mảng bê tông tường nhà bỏ hoang tại đây cũng đã bị nước cuốn trôi.

Anh Trần Văn Nam, người dân địa phương đưa tay chỉ bờ biển đang bị sạt lở, cho biết: “Biển ngày càng xâm thực sâu vào đất liền. Rất nhiều người dân phải di dời đến nơi ở mới để lại những ngôi nhà bị sạt lở bỏ hoang cùng với những cây dừa trốc gốc nằm nghiêng ngả. Những năm gần đây, bão liên tiếp xuất hiện những đợt sóng cao tấn công vào bờ biển Cửa Lở gây nên tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Có đoạn sạt lở cao hơn chục mét”.

Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND xã đảo Tam Hải – Trần Ngọc Hữu đã ký văn bản đề nghị các cơ quan cấp trên xem xét, có phương án xây dựng kè chắn sóng để phòng chống sạt lở và bảo vệ diện tích đất rừng phòng hộ ven biển của xã Tam Hải.

Còn theo ông Nguyễn Tấn Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải: “Khu vực bờ biển Cửa Lở có địa hình rất phức tạp. Để hạn chế đất bị sóng biển cuốn đi cần phải có một dự án kè kiên cố tại bờ biển nguyên thủy của nó và điều chỉnh lại dòng chảy mới mong hết sạt lở. Hiện nay, Công ty TNHH Đại Dương Xanh đang cố gắng hoàn thành dự án kè gia cố để sớm hạn chế tình trạng sạt lở”.

Còn đó nỗi lo Cửa Đại

Những năm qua bờ biển Cửa Đại bị xói lở nghiêm trọng, nhiều diện tích đất, khu nghỉ dưỡng bị sóng đánh chìm. Hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách, doanh nghiệp bỏ ra chống sạt lở nhưng không đem lại hiệu quả cao. Đã có đến hàng trăm cuộc hội thảo từ địa phương đến Trung ương và quốc tế bàn về việc cứu Cửa Đại và cũng đã có hàng nghìn tỉ đồng đổ ra để cứu bờ biển này. Nhưng thực tế hiệu quả đem lại chưa cao. Cửa Đại vẫn bị sóng đánh tan tành.

Mới đây nhất, tại Hội An, tỉnh Quảng Nam làm việc với đơn vị tư vấn và đã thống nhất giải pháp cấp bách cứu biển Cửa Đại bị sạt lở nghiêm trọng. Các nhà khoa học nhận định, nguyên nhân xói lở chủ yếu do thay đổi cán cân bùn cát. Nguồn cát cung cấp cho bờ biển trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn đang thiếu hụt do những con sông có quá nhiều thủy điện. Ngoài ra, còn các ý kiến nêu nguyên nhân do dòng chảy hoặc do tác động của con người.

Viện Khoa học Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đưa ra 3 phương án và sau khi xem xét, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thống giải pháp dùng mỏ hàn larsen dài 150m khóa hai đầu đoạn xói lở phía Bắc biển Cửa Đại; làm đê ngầm mềm và đổ thêm cát vào khu vực. Theo các nhà chuyên môn, để triển khai giải pháp trên cần đến hơn 282.000 mét khối cát; dự toán kinh phí thực hiện hơn 80 tỷ đồng.

Đấy là một trong rất nhiều phương án đã được triển khai để chống sự sạt lở của Cửa Đại trong thời gian qua. Thế nhưng nói về vấn đề này, ông Đinh Văn Thu – Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho hay: “Hiện đơn vị tư vấn mới đánh giá khu vực thực hiện 900m, trong khi bãi biển Cửa Đại kéo dài về phía Bắc và phía Nam. Do đó, Viện Khoa học Thủy lợi cần nghiên cứu thêm, tránh tình trạng “làm được nơi này, sạt lở nơi kia”.

Về giải pháp trước mắt, UBND tỉnh đồng ý phân bổ kinh phí để TP.Hội An sớm xây dựng hệ thống đê chắn sóng theo mô hình dùng ống địa kỹ thuật của Hà Lan. Ưu điểm của hệ thống đê chắn sóng này là thi công nhanh, có khả năng phá sóng cao, giữ bờ và tạo bãi; kinh phí đầu tư theo tính toán chỉ bằng 60% so với giải pháp dùng kè cứng.

Nhưng liệu có cứu được Cửa Đại hay không vẫn còn là nỗi lo?