Đồng Nai: Ô nhiễm môi trường và bất cập trong quản lý KCN

ThienNhien.Net – Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, xã hội, đặc biệt là vị trí nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có đường giao thông thuận tiện, nguồn cung cấp điện, nước, viễn thông, nhân lực dồi dào, đảm bảo cho việc phát triển công nghiệp toàn vùng, Đồng Nai đã có bước tiến dài trong phát triển công nghiệp, đặc biệt là việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư của nước ngoài.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, địa phương cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường khu công nghiệp và những bất cập trong chính sách, quản lý khu công nghiệp hiện nay.

Thực trạng môi trường 

Tính đến nay, Đồng Nai có 31 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất 9.838 ha, trong đó có 27 khu đang hoạt động với 1.201 dự án, tổng vốn đầu tư 16.600 triệu USD. Trong số này, có khoảng 872 dự án FDI từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư 14.607,5 triệu USD và 329 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư khoảng 1.993 triệu USD.

Các khu công nghiệp thu hút 422.264 lao động làm việc, trong đó lao động trong nước chiếm 416.964 người, lao động nước ngoài 5.300 người. Tổng giá trị xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 6 tỷ USD, doanh thu đạt khoảng 11 tỷ USD, thu và nộp ngân sách đạt 390 triệu USD.

Trong những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới, vì tập trung ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển kinh tế nên định hướng bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra phổ biến tại hầu hết các khu công nghiệp trên địa bàn, thậm chí có lúc, có nơi diễn ra nghiêm trọng.

Theo kết quả quan trắc tại một số khu công nghiệp do Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường tỉnh Đồng Nai thực hiện gần đây, chất lượng không khí ở một số khu công nghiệp vẫn chưa đạt chuẩn, trong đó có một số chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép như bụi tổng hợp và tiếng ồn.

Cụ thể: 13/16 khu công nghiệp đặt thiết bị quan trắc có nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí đạt quy chuẩn, 3 khu đặt thiết bị quan trắc có nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí vượt quy chuẩn cho phép.

Cũng theo kết quả quan trắc trong năm 2012 của Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường tỉnh Đồng Nai, bên cạnh những khu công nghiệp có nhà máy xử lý nước thải tập trung đang vận hành ổn định và có nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn vẫn còn nhiều khu công nghiệp vận hành chưa ổn định, có một vài thông số phân tích chưa đạt quy chuẩn môi trường.

Đặc biệt, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số điểm “nóng” về môi trường như sự vụ Công ty TNHH Vedan xả nước thải chưa xử lý ra sông Thị Vải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong nhiều năm liền hay sự cố xảy ra tại Nhà máy xử lý nước thải tập trung tại Khu công nghiệp Long Thành xả nước thải không đạt chuẩn ra rạch dẫn vào sông Đồng Nai, gây ô nhiễm trên diện rộng.

Nhận thức được thực trạng ô nhiễm sẽ gây ra những tác động tiêu cực tới toàn bộ hoạt động sản xuất và đời sống, sức khỏe của người dân, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai đã thực hiện nhiều đợt thanh, kiểm tra các khu công nghiệp trên địa bàn, tiến hành xử lý các doanh nghiệp vi phạm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo thống kê của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, từ đầu năm 2012 đến hết tháng 9 năm 2012, địa phương đã xử phạt 92 doanh nghiệp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Đến nay, vấn đề ô nhiễm tại các khu công nghiệp cơ bản được kiểm soát.

Cụ thể, trong 31 khu công nghiệp được thành lập đã có 27 khu có dự án đi vào hoạt động, 25/27 khu có nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất 90.900 m3/ngày đêm, 02 khu còn lại đang tiến hành xây dựng và dự kiến hoàn thành vào quý I/2013.

Trong tổng số 900 doanh nghiệp đang hoạt động tại 27 khu công nghiệp đã có nhà máy xử lý nước thải tập trung có 822 doanh nghiệp đã đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom nước thải của khu công nghiệp, đạt tỉ lệ 91,3%.

Lực lượng C49 bắt quả tang Công ty Cổ phần Sonadezi Long Thành xả thải ra môi trường không qua xử lý ngày 3/8/2011 (Ảnh: Dân Trí)

Lực lượng C49 bắt quả tang Công ty Cổ phần Sonadezi Long Thành xả thải ra môi trường không qua xử lý ngày 3/8/2011 (Ảnh: Dân Trí)

Về kiểm soát chất lượng không khí, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong 27 khu công nghiệp đang hoạt động có hơn 400 doanh nghiệp có phát sinh khí thải tại nguồn, trong đó hơn 215 doanh nghiệp có nguồn khí thải lớn đã có hệ thống xử lý, chiếm trên 54%.

Ngoài ra, 31 khu công nghiệp cũng đã trồng cây xanh, thảm cỏ, đạt 1.386,46 ha (chiếm 14,09% tổng diện tích đất), góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong và ngoài khu công nghiệp.

Nhằm hạn chế hơn nữa thực trạng ô nhiễm tại các khu công nghiệp, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu sớm quy hoạch hệ thống các khu công nghiệp; chỉ cấp giấy phép đầu tư vào các khu công nghiệp hoặc các khu quy hoạch khu công nghiệp hoặc vị trí dự kiến lập khu công nghiệp để tập trung quản lý và kiểm soát nguồn thải; ưu tiên dự án công nghệ cao, tùy từng thời điểm hạn chế thu hút đầu tư những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; tạm dừng phát triển khu công nghiệp mới đến năm 2015 để tạo điều kiện cho các cơ sở tập trung xử lý tốt vấn đề môi trường; lựa chọn các công ty hạ tầng khu công nghiệp có kinh nghiệm, năng lực và tâm huyết với khu công nghiệp.

Những bất cập cần tháo gỡ 

Từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 có hiệu lực, công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp đã có những chuyển biến tích cực nhờ những điều chỉnh hợp lý về các quy định cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, việc ban hành các văn bản pháp quy về lĩnh vực môi trường vẫn bộc lộ nhiều bất cập, dẫn đến việc quản lý môi trường có sự chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý môi trường.

Đơn cử, ngày 9/8/2002, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành Quyết định số 62/QĐ-BKHCNMT về quy chế bảo vệ môi trường khu công nghiệp, quy định công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp phải hoàn thiện các cơ sở hạ tầng về môi trường khi khu đã có 70% diện tích đất quy hoạch được khai thác và sử dụng. Điều này vô hình chung dẫn tới tình trạng nhiều khu công nghiệp phải chờ lấp đầy từ 70% diện tích trở lên mới hoàn thành cơ sở hạ tầng về môi trường, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng tại một số khu vực.

Song song với bất cập nêu trên, nhiều khu công nghiệp cũng phản ánh, Luật Bảo vệ Môi trường 2005 yêu cầu các khu công nghiệp phải có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung và hệ thống xử lý khí thải đạt tiêu chuẩn môi trường, tuy nhiên, với một số khu công nghiệp chưa thu hút hoặc thu hút được ít dự án hoạt động, lượng nước thải phát sinh quá ít, không đủ để vận hành nhà máy xử lý nước thải, gây ra tình trạng lãng phí.

Nhiều văn bản pháp luật thiếu tính thống nhất cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác quản lý khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Đơn cử, tại Điều 8, Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định “cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường được uỷ quyền cho Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao”.

Tuy nhiên, Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ban hành ngày 18/4/2011 về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường lại bỏ đi một số điều, trong đó có Điều 8 của Nghị định 21/2008, đồng nghĩa với việc bỏ đi quy định về trách nhiệm của Ban quản lý khu công nghiệp.

Không chỉ chồng chéo nhau, việc ban hành các văn bản sửa đổi trong thời gian quá ngắn cũng khiến công tác quản lý khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Trong vòng chưa đầy hai năm, nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã được sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung bằng nhiều nghị định khác nhau như: Nghị định 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 80/2006/NĐ-CP ngày 8/9/2006; Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường” sửa đổi bổ sung Nghị định số 80/2006 và Nghị định số 21/2008.

Sự thay đổi này khiến các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường gặp nhiều lúng túng, lúc thì Ban quản lý khu công nghiệp được ủy quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và quản lý công tác bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, khi thì lại là Sở Tài nguyên và Môi. Mặt khác, bất cập này còn gây khó cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp khi thực hiện và báo cáo công tác bảo vệ môi trường cho cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, việc một số văn bản được ban hành quá chậm cũng gây khó khăn cho công tác quản lý. Thông tư số 04/2008/TT-BTNMT ngày 18/9/2008 của Bộ TN&MT hướng dẫn lập, phê duyệt hoặc xác nhận đề án bảo vệ môi trường và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2009 nhưng đến ngày 16/3/2012 Bộ Tài nguyên và Môi trường mới ban hành Thông tư 01/2012/TT-BTNMT quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, xác nhận việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết; lập và đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản thay thế Thông tư 04/2008/TT-BTNMT.

Thêm điểm bất cập nữa cần được nhắc tới là hiện nay có quá nhiều cơ quan cùng tham gia quản lý, giám sát về vấn đề môi trường các khu công nghiệp như Tổng cục môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, Ban quản lý khu công nghiệp, Cảnh sát môi trường cấp Bộ và tỉnh. Các đơn vị này đều có chức năng kiểm tra các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (căn cứ theo chương trình, kế hoạch hoạt động trong năm của đơn vị hoặc theo chỉ đạo của cơ quan nhà nước cấp trên). Thực trạng này dẫn đến sự chồng chéo trong công tác quản lý về lĩnh vực môi trường trong các khu công nghiệp cũng như gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Trước những bất cập, vướng mắc nêu trên, Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai đề nghị Nhà nước cần sớm khắc phục và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường nói chung và phù hợp với đặc thù khu công nghiệp, tránh sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý môi trường.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế đầu tư, hoàn thiện hạ tầng về môi trường bên ngoài khu công nghiệp, đồng thời tổ chức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp; khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý môi trường…

Định hướng trong năm 2013, địa phương sẽ tăng cường thu hút đầu tư ngành công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào 3 khu công nghiệp được duyệt có phân khu công nghiệp phụ trợ; tăng cường xúc tiến đầu tư tại các quốc gia như Nhật, Đức, Hàn Quốc… để thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến; tích cực thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp mới thành lập, đặc biệt là các khu công nghiệp thuộc các huyện miền núi; tăng cường phát triển dịch vụ hạ tầng phục vụ khu công nghiệp, trong đó có biện pháp xếp hạng khu công nghiệp để thúc đẩy các công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng và chú trọng nhiều hơn tới công tác bảo vệ môi trường khu công nghiệp.

Võ Thanh Lập/Trưởng ban Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai