Cảnh báo cháy rừng ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

Theo Đài Khí tượng – Thủy văn khu vực Nam Bộ, từ nay đến giữa năm 2018, thời tiết Nam Bộ không có biến động quá lớn; tuy nhiên, tháng 3 là cao điểm nắng nóng ở miền nam, đề phòng hạn hán. Đáng chú ý, từ sau ngày 21-3, cường độ bức xạ sẽ tăng, nắng nóng càng gay gắt hơn và thời gian nắng nóng trong ngày sẽ kéo dài hơn.

Lực lượng kiểm lâm của Vườn quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau) kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng vào mùa khô. Ảnh: LÊ HÙNG

* Khi khu vực đồng bằng sông Cửu Long bước vào mùa khô, nắng nóng xuất hiện liên tục khiến nguy cơ cháy rừng rất cao. Tại Cà Mau, công tác phòng, chống cháy rừng đang được khẩn trương thực hiện, nhất là tại khu vực Vườn quốc gia U Minh Hạ – nơi có diện tích rừng tập trung lớn và đông dân cư. Thời điểm này, nước ở các kênh trục vẫn còn, song nhiều diện tích rừng đang có nguy cơ cháy. Vườn chim ở tỉnh Bạc Liêu cũng đang dự báo cháy ở cấp nguy hiểm. Hai tỉnh An Giang và Kiên Giang đã hoàn tất công tác chuẩn bị phòng, chống cháy rừng trong mùa khô này.

* Bắc Bộ xuất hiện mưa, rét từ ngày 7-3; Nam Bộ cao điểm nắng nóng: Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, do có một đợt không khí lạnh nhỏ di chuyển từ lục địa Trung Quốc xuống phía bắc, phần thấp nóng phía tây giảm dần, nhưng nhiều tỉnh tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vẫn có nắng trên diện rộng. Trong một vài ngày tới, nhiệt độ tại các tỉnh Bắc Bộ sẽ giảm nhẹ, sáng sớm có lúc có mưa nhỏ và sương mù, trưa chiều hửng nắng. Nhiệt độ cao nhất phổ biến ở phía Tây Bắc Bộ là 340C, ở phía Đông Bắc Bộ là 310C.

Dự báo, đêm 7-3 có một đợt không khí lạnh mạnh tràn xuống nước ta gây ra mưa, mưa rào và dông tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Mưa do không khí lạnh sẽ chấm dứt trong ngày 10-3 và thời tiết Bắc Bộ chuyển sang khô ráo, rét về đêm và ngày có nắng. Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trở rét, vùng núi có nơi rét đậm trong hai ngày 8 và 9-3.

* Tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức nhiều đoàn công tác khảo sát, kiểm tra thực địa tại các vị trí xung yếu thuộc hệ thống sông Thạch Hãn, Bến Hải, Thác Ma – Ô Lâu… sau khi sạt lở diễn biến nghiêm trọng kể từ đầu năm 2018. Đến nay, sạt lở tại các bờ sông đã ảnh hưởng đến đời sống 2.364 hộ dân tại tám huyện, thị xã, thành phố; trong đó có 597 hộ đang sống trong khu vực rất nguy hiểm, cách mép sông chỉ chừng 20 m. UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương lập kế hoạch di dời, sắp xếp bố trí các hộ dân đến nơi an toàn.

* Tiền Giang đầu tư gần 25 tỷ đồng làm thủy lợi nội đồng chống hạn nhằm bảo đảm nguồn nước tưới tiêu, chống hạn phục vụ gần 30 nghìn héc-ta đất canh tác thuộc các huyện duyên hải Gò Công: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đầu tư hơn 24,6 tỷ đồng thi công nạo vét, mở rộng 92 tuyến kênh mương nội đồng có tổng chiều dài hơn 135 km và khối lượng đất đào đắp hơn 926.000 m3.

* Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00062 đối với sản phẩm bưởi da xanh Bến Tre. Theo đó, khu đất thịt pha sét trên cù lao tại các huyện Châu Thành, Bình Đại, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Chợ Lách và TP Bến Tre là vùng trồng của chỉ dẫn địa lý này. Hiện, toàn tỉnh Bến Tre có khoảng 6.500 ha bưởi da xanh, sản lượng hằng năm gần 100 nghìn tấn quả.

* Tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 17/2018/QĐ- UBND về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định số 61 (ngày 11-11-2015 của UBND tỉnh) quy định về quản lý hoạt động khai thác của nghề lưới kéo (giã cào) trên vùng biển Bình Thuận. Theo đó, từ ngày 20-3-2018, tỉnh không cho phép đóng mới tàu cá làm nghề lưới kéo dưới mọi hình thức (bao gồm cả nghề lưới kéo đơn và nghề lưới kéo đôi), kể cả khi tàu giải bản, bị hư hỏng, mục nát hoặc bị tai nạn, với mục đích bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ.

* Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong các đợt rét đậm, rét hại của mùa đông vừa qua, toàn tỉnh đã có 629 con gia súc bị chết, trong đó chủ yếu là bê, nghé, trâu, bò già yếu và dê… Để khắc phục hậu quả, tỉnh đang xem xét, hỗ trợ cho các hộ gia đình bị thiệt hại nặng, nhằm ổn định sản xuất và đời sống.