Miền Bắc có thể mưa và rét dịp Tết Nguyên đán

Biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng cực đoan, bất thường, gây thiệt hại lớn về người và tài sản trong năm 2017. Nhằm giúp các địa phương có thêm thông tin để hoàn thiện, bổ sung kế hoạch, phương án phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, chiều 25-1, phóng viên Báo Hànộimới đã phỏng vấn Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Trưởng phòng Dự báo khí tượng hạn vừa và hạn dài thuộc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương về xu hướng thời tiết trong năm 2018.

PV: Thưa ông, tình hình thời tiết từ nay đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất sẽ như thế nào?

TS Hoàng Phúc Lâm: Chúng tôi dự báo, trong ngày 26-1, một đợt không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến nước ta. Các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa diện rộng, nhiệt độ giảm mạnh, trời chuyển rét. Từ ngày 29-1, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ xảy ra một đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng. Trong đợt rét này, nhiệt độ thấp nhất vùng đồng bằng ở mức 8-11 độ C, vùng núi 4-7 độ C, một số nơi vùng núi cao có thể xuống xấp xỉ 0 độ C. Đợt rét đậm, rét hại này sẽ kéo dài khoảng 5-6 ngày. Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng xảy ra mưa trái mùa.

Về thời tiết dịp Tết Nguyên đán, khoảng giữa tháng 2, các tỉnh miền Bắc có thể chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mạnh, gây mưa và rét. Những ngày trong Tết, không khí lạnh có thể tiếp tục được bổ sung và duy trì tình trạng trời rét, vùng núi có khả năng rét đậm. Cụ thể, thời tiết ở Bắc Bộ những ngày trước Tết, có mưa nhỏ, trời rét; những ngày trong Tết, nhiệt độ phổ biến 14-21 độ C, mưa không đáng kể. Các tỉnh, thành phố phía Nam, cơ bản tốt, có thể mưa rào cục bộ. Riêng miền Trung, có thể có mưa và rét vào những ngày trước Tết.

PV: Ông nhận định như thế nào về xu hướng thời tiết trong năm 2018, thưa ông?

TS Hoàng Phúc Lâm: Chúng tôi dự báo mùa mưa năm 2018 có xu hướng đến sớm. Những tháng đầu năm 2018, các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ có khả năng xuất hiện mưa trái mùa. Từ tháng 4 đến tháng 6, lượng mưa ở các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ có khả năng ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm. Trong tháng 2, 3 và tháng 7, lượng mưa ở Bắc Bộ đạt mức xấp xỉ hoặc thấp hơn trung bình nhiều năm. Đối với Trung Bộ, từ tháng 2 đến tháng 7, lượng mưa xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ tháng 2 đến tháng 5, lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm; từ tháng 6 và tháng 7, lượng mưa phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm.

Về nhiệt độ, chúng tôi dự báo trong 6 tháng đầu năm 2018, nền nhiệt ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Rét đậm, rét hại ở khu vực miền Bắc có khả năng tập trung trong giai đoạn cuối tháng 1 và nửa đầu tháng 2. Nhiều khả năng sẽ xuất hiện một số đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ 5 đến 7 ngày. Trong mùa hè năm 2018, nắng nóng có xu hướng không quá gay gắt, không kéo dài và xuất hiện muộn hơn so với mọi năm.

Về thủy văn, từ tháng 2, mực nước các sông khu vực Bắc Bộ tiếp tục có xu hướng giảm dần. Nguồn nước so với trung bình nhiều năm trên lưu vực sông Đà thuộc khu vực Tây Bắc có xu hướng nhiều hơn 10-20%; hạ lưu sông Thao, sông Lô thuộc khu vực Việt Bắc thiếu hụt khoảng 10-30%; hạ lưu sông Hồng ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.

PV: Ông đánh giá thế nào về chất lượng công tác dự báo thời tiết trong năm 2017?

TS Hoàng Phúc Lâm: Trong những năm gần đây, chất lượng các bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống thiên tai. Độ chính xác trong các bản tin dự báo, cảnh báo bão của Việt Nam đã dần tiệm cận với trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Về dự báo, cảnh báo mưa lớn trước 2-3 ngày, các bản tin dự báo có độ tin cậy khoảng 75%. Về dự báo, cảnh báo rét đậm, rét hại trước 2-3 ngày, các bản tin có độ tin cậy 80-90%. Về dự báo, cảnh báo các đợt nắng nóng diện rộng trước 2-3 ngày, các bản tin có độ tin cậy 70%, thời điểm kết thúc các đợt nắng nóng diện rộng có độ chính xác 80-90%…

PV: Để ứng phó với thiên tai trong năm 2018, ông có khuyến cáo gì, thưa ông?

TS Hoàng Phúc Lâm: Không riêng Việt Nam mà ngay cả các quốc gia có trình độ, công nghệ hiện đại cũng không thể dự báo chính xác tuyệt đối các loại hình thiên tai. Thời gian dự báo càng ngắn, độ chính xác càng cao và ngược lại. Do vậy, để chủ động phòng ngừa, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, chúng tôi đề nghị các địa phương thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn để xây dựng, bổ sung kế hoạch, phương án ứng phó với các loại hình thiên tai.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!