Từ vụ vỡ đập chứa bùn thiếc ở Nghệ An: Lộ ra không ai chịu trách nhiệm

ThienNhien.Net – Sau sự cố vỡ đập chứa bùn thiếc của Cty CP kim loại màu Nghệ Tĩnh (thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An), cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện Cty này chưa xây dựng công trình bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt dù đã khai thác quặng thiếc gần 4 năm nay.

Mới đây, đoàn công tác Bộ TNMT còn phát hiện có thêm một bãi thải không có trong phê duyệt ĐTM của Cty này. Từ vụ vỡ đập này đã vỡ ra một thực trạng: Có rất nhiều cơ quan, cá nhân ký tên, đóng dấu vào hồ sơ khai thác khoáng sản, nhưng khi xảy ra sự cố, hậu quả thì không biết trách nhiệm thuộc về ai.

Một bể chứa bùn thiếc trên khu vực bể chứa bùn thiếc của Cty kim loại màu Nghệ Tĩnh vừa bị vỡ có dấu hiệu chỉ đắp bằng đất, không đảm bảo an toàn (Ảnh: Trần Tuấn)

Thanh tra cho có

Ngày 17.3, làm việc với PV Báo Lao Động, ông Lê Văn Hòa – Phó Chánh Thanh tra Sở TNMT tỉnh Nghệ An cho biết, tháng 6.2016, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp khai thác đá, quặng thiếc trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian 60 ngày do ông làm trưởng đoàn. Đoàn đã kiểm tra 100 điểm mỏ của 92 tổ chức trong toàn tỉnh, trong đó riêng huyện Quỳ Hợp có 47 mỏ. Qua kiểm tra, phát hiện nhiều vi phạm. Riêng về hoạt động bảo vệ môi trường, đoàn đã kết luận: “Đa số các tổ chức đã đi vào hoạt động khai thác nhưng chưa có giấy xác nhận các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của cấp có thẩm quyền… Đa số các tổ chức chưa bố trí hoặc bố trí khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và chưa có hợp đồng với đơn vị đủ năng lực để vận chuyển, xử lý theo quy định”.

Sau khi hoàn thành kiểm tra, ngày 1.12.2016, đoàn đã có báo cáo và kiến nghị xử lý các đơn vị vi phạm trình UBND tỉnh. Ngày 6.2.2017, UBND tỉnh đã có công văn đồng ý với kiến nghị xử lý của đoàn kiểm tra liên ngành, giao các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương khẩn trương thực hiện nghiêm túc các nội dung kiến nghị của đoàn liên ngành. Tuy nhiên, công văn không giao cụ thể thời gian hoàn thành xử lý và cũng không yêu cầu báo cáo kết quả xử lý cho ai. Trả lời câu hỏi của PV, vậy thời điểm này có nắm được kết quả xử lý, khắc phục sau kiến nghị của đoàn kiểm tra liên ngành không? Ông Hòa thừa nhận không nắm được vì đoàn liên ngành đã giải tán, cá nhân ông cũng không nhận được báo cáo kết quả. Về nguyên nhân nhiều đơn vị vi phạm như thế, ông Hòa cho rằng, chủ yếu do doanh nghiệp cố tình vi phạm vì chi phí xây dựng công trình bảo vệ môi trường cũng tốn kém.

Trách nhiệm tập thể, nhiều cơ quan cùng chịu

Ngày 9.3, đập chứa bùn thải từ khai thác thiếc của Cty kim loại màu Nghệ Tĩnh bị vỡ. Kiểm tra hiện trường, cơ quan chức năng xác định đơn vị này chưa có xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường nhưng đã tiến hành khai thác từ lâu. Theo ĐTM được duyệt, đập tràn chứa bùn thiếc vừa bị vỡ phải xây bằng đá và vữa ximăng thì doanh nghiệp chỉ đắp bằng đất. Ngày 17.3, ông Nguyễn Thượng Hiền – Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường – Tổng cục Môi trường, Trưởng đoàn công tác Bộ TNMT – cho biết, tại khu vực đập chứa bùn thiếc bị vỡ, đoàn phát hiện trong ĐTM được phê duyệt chỉ có một bãi thải, thế nhưng ở hiện trường thì thấy có hai bãi. Trước đó, sau khi kiểm tra thực tế hiện trường, ông Tô Xuân Bảo – Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) cũng thông tin, đoàn phát hiện một số bể chứa bùn thiếc khác ngoài đập đã bị vỡ cũng chỉ đắp bằng đất, không thấy xây kè bằng đá và vữa ximăng.

Trả lời PV Báo Lao Động về các vi phạm trên vừa được cơ quan chức năng phát hiện, ông Hồ Sỹ Dũng – Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TNMT Nghệ An), nói: “Cái đó nói thật ra các hồ sơ của mỏ khai thác thiếc ở khu vực đó thì họ chưa đề nghị xác nhận sau quyết định phê duyệt. Việc này huyện và xã cũng chưa có thông tin báo cáo để phối hợp”. Ông Dũng cũng thừa nhận đối với vi phạm của Cty kim loại màu Nghệ Tĩnh dù chưa có xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường đã khai thác tài nguyên là chi cục không nắm được. “Về trách nhiệm thì chúng tôi chưa có được sự giám sát chặt chẽ, đôn đốc doanh nghiệp. Về góc độ quản lý nhà nước thì chúng tôi cũng không thể quanh co chối được việc ấy. Chúng tôi cũng nói thật như thế.” – ông Dũng thừa nhận.

Theo ông Dũng, về trách nhiệm thanh, kiểm tra, hiện nay cơ chế đối với khai thác khoáng sản là phải kiểm tra liên ngành nên cũng có cái khó. Chỉ thị chung lâu nay là một năm không được quá một lần. Mà khi thanh tra sở đã vào rồi thì chi cục không được vào. Ông Dũng cũng cho rằng, chính quyền cũng có trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn của mình. Tuy nhiên, trước đó trả lời báo Lao Động về việc Cty kim loại màu Nghệ Tĩnh chưa có xác nhận bảo vệ môi trường đã khai thác khoáng sản gần 4 năm nay nhưng không được phát hiện, xử lý, một lãnh đạo UBND huyện Quỳ Hợp cho rằng, do ĐTM của dự án được tỉnh duyệt nên huyện không nắm được, cứ nghĩ doanh nghiệp đã hoàn thiện thủ tục rồi mới khai thác.