Chống thất thoát, lãng phí để bảo đảm an ninh lương thực

ThienNhien.Net – Một trong những vấn đề mà nhiều nước trên thế giới đang lo ngại, đó là an ninh lương thực (ANLT). Cùng với những tác động từ sự gia tăng dân số, biến đổi khí hậu thì thất thoát, lãng phí là nguyên nhân không nhỏ làm cho ANLT trở thành vấn đề nóng, tác động trực tiếp đến các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Làm gì để chống thất thoát, lãng phí lương thực là vấn đề được các chuyên gia, nhà khoa học và chính quyền các cấp quan tâm…

Thất thoát, lãng phí lương thực, do đâu?

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) ước tính, hiện nay thế giới vẫn còn khoảng 800 triệu người thiếu đói; trong đó, khu vực châu Á-Thái Bình Dương có số người thiếu đói lớn nhất, khoảng 500 triệu người. Theo thống kê của FAO, mỗi năm có 1/3 số lương thực sản xuất ra bị mất đi hoặc lãng phí, tương đương 1,3 tỷ tấn, trị giá gần 750 tỷ USD. Nếu loại bỏ được hoàn toàn tình trạng thất thoát, lãng phí thì số lương thực đó đủ để nuôi sống 2 tỷ người. Hậu quả của thất thoát lương thực không chỉ làm tăng đói nghèo mà còn tác động tiêu cực tới môi trường do rác thải thực phẩm; tiêu hao công sức, tiền của, năng lượng, nước, phân bón và làm mất một phần diện tích đất để sản xuất.


Nông dân huyện Phong Điền, TP Cần Thơ lựa chọn những quả dưa to, đẹp để bán còn lại thì vứt bỏ.

Ở nước ta, theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT): Phần lớn lương thực thất thoát xảy ra trong quá trình thu hoạch, vận chuyển và bảo quản, có liên quan đến cơ sở hạ tầng chất lượng thấp, công nghệ lạc hậu và đầu tư cho sản xuất lương thực chưa cao; cùng với đó là những hạn chế trong công tác quản lý của cơ quan chức năng và ý thức của chính người sản xuất, thu hoạch, tiêu dùng chưa thực hành tiết kiệm.

Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lúa mấy năm gần đây lên tới hơn 10%. Nguyên nhân chủ yếu là do phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Lúa được trải ra phơi trên tấm bạt, sân xi măng hay nền bê tông. Vào những ngày nắng gắt, nhiệt độ sân phơi có thể vượt quá 50oC, gây rạn nứt hạt lúa. Khi đưa vào xay xát, gạo sẽ tiếp tục bị thất thoát, vỡ mảnh và chất lượng hạt gạo cũng bị ảnh hưởng.

Theo TS Võ Thái Dân, Trưởng khoa Nông học (Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh), hoạt động sản xuất nông nghiệp ở nước ta hầu hết là sản xuất nhỏ lẻ nên việc ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch gặp nhiều khó khăn. Tình trạng thất thoát, lãng phí lương thực, thực phẩm còn do tâm lý, thói quen thích hình thức của nhà phân phối và người tiêu dùng. Họ vứt bỏ các loại lương thực vẫn còn khả năng sử dụng chỉ vì củ khoai lang bị thắt ngẫng, hạt đậu không mẩy… Trong khi đó, nhiều người dân ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa không đủ lương thực để ăn.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho rằng: Ở các nền kinh tế đang phát triển, tác động của biến đổi khí hậu và những hạn chế về cơ sở vật chất là yếu tố chính gây thất thoát, lãng phí lương thực. Sự thất thường của thời tiết, khí hậu, mưa lũ, hạn hán… làm hư hại, rơi rụng nhiều củ, quả, hạt. Thêm vào đó là một khối lượng lớn lương thực chứa trong kho nhưng bị ẩm mốc, phải tiêu hủy, thanh lý; hoặc bảo quản không tốt dẫn tới mối mọt, hư hao… gây nên những tác hại cho ANLT quốc gia.

Làm gì để hạn chế thất thoát lương thực?

Nông sản nước ta, mà chủ yếu là lúa gạo đang đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến đất sản xuất, biến đổi khí hậu, yêu cầu chất lượng sản phẩm, sự cạnh tranh gay gắt về phân khúc thị trường và thất thoát, lãng phí. Từ việc phân tích nguyên nhân thất thoát lương thực trên thế giới và Việt Nam, ở tầm vĩ mô, ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), đề xuất: Cần kết hợp các nguồn lực công-tư sẵn có để tìm ra cách thức phù hợp kéo giảm tổn thất, lãng phí lương thực trong chu trình khép kín, từ sản xuất đến tiêu dùng. Mỗi quốc gia cần xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ trong chuỗi sản xuất nông sản và huy động sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân cũng như người tiêu dùng để giảm thiểu thất thoát, lãng phí.

Thực tế cho thấy, thất thoát lương thực không chỉ do con người mà còn do thiên nhiên. Bởi vậy, để hạn chế tối đa thất thoát, bảo đảm ANLT và vẫn giữ được kim ngạch xuất khẩu lúa gạo, theo các chuyên gia kinh tế, không nên quá tập trung vào sản xuất số lượng lúa gạo mà cần đẩy mạnh chất lượng, chủng loại. Vấn đề quan trọng là ứng dụng khoa học kỹ thuật, tìm ra nhiều giống lúa chất lượng cao, thích hợp với thời tiết, khí hậu để hạn chế thấp nhất hư hại, giảm thất thoát do tác động từ bên ngoài. Cùng với nghiên cứu giống lúa mới, giống cây trồng có chất lượng cao, ngay từ khâu sản xuất cũng phải tính đến khả năng thu hoạch, sử dụng cao nhất, tránh xuống giống ồ ạt, chạy theo thời vụ dẫn đến tình trạng “được mùa rớt giá”, hoặc phải đổ bỏ như các loại nông sản: Chuối già hương ở Đồng Nai, dưa hấu ở Quảng Ngãi, thanh long ở Bình Thuận… Đây cũng là một kiểu thất thoát, lãng phí lương thực do hạn chế về tư duy quản lý, điều hành sản xuất tại một số địa phương.

Ông Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ nhận định: “Đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, máy móc để bảo quản lương thực sau thu hoạch là việc nên làm. Trường Đại học Cần Thơ có đủ điều kiện trao đổi, hợp tác với các tổ chức quốc tế để thành lập Trung tâm Khoa học và Công nghệ nhằm nghiên cứu, thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật giảm thất thoát, lãng phí lương thực, cũng như tăng cường liên kết, chia sẻ thông tin giữa các đối tác, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, nhà quản lý và hoạch định chính sách vì mục tiêu ngăn chặn thất thoát lương thực cả do yếu tố chủ quan lẫn khách quan”.

Về góc độ quản lý, nhiều chuyên gia cho rằng, đội ngũ cán bộ chuyên môn phải có trình độ thẩm định, rà soát, dự báo mức độ thất thoát; đổi mới phương pháp đo lường tổn thất lương thực, lãng phí chuỗi giá trị sản phẩm; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, đề cao trách nhiệm của mọi cá nhân, tổ chức trong việc ngăn chặn thất thoát, lãng phí lương thực, góp phần bảo đảm ANLT quốc gia.