Mô hình tôm – lúa phải chăng đã hết thời?

ThienNhien.Net – Mô hình tôm – lúa ở Sóc Trăng, tập trung chủ yếu ở huyện Mỹ Xuyên sau nhiều năm được cho là bền vững thì nay đang được tỉnh, huyện xem xét lại do mấy vụ tôm gần đây đạt hiệu quả không cao, có vụ tỷ lệ tôm bị chết lên đến 50 – 70% diện tích thả giống, khiến nhiều hộ khó khăn càng khó khăn hơn. Với những hộ không bị thiệt hại nhưng giá tôm sú ngày càng giảm, trong khi chi phí sản xuất tăng cao nên lợi nhuận thu được cũng không bao nhiêu sau khi trừ mọi chi phí.
Có người cho rằng con tôm sú ở Mỹ Xuyên “đã hết thời”, không còn hiệu quả. Sau hơn 10 năm phát triển mô hình tôm – lúa, nhà nước đã đầu tư vào đây hệ thống cơ sở hạ tầng, kênh tạo nguồn với tổng trị giá hàng trăm tỷ đồng. Ngân hàng cũng đầu tư mỗi năm vài trăm tỷ đồng cho bà con nơi đây vay để nuôi tôm, nhờ vậy, hiện nay vùng nuôi tôm – lúa gồm các xã vùng trũng của huyện Mỹ Xuyên đã có hệ thống cơ sở hạ tầng khá phát triển.

Những năm đầu mới phát triển mô hình tôm – lúa, các nhà khoa học đều cho đây là mô hình sinh thái bền vững vì tỷ lệ tôm nuôi bị thiệt hại không cao; sau khi thu hoạch tôm, các chất hữu cơ chưa phân huỷ sẽ giúp cho cây lúa hấp thụ, phát triển tốt hơn.

Ngược lại, cây lúa sẽ cải tạo ao vuông nuôi tôm do phân huỷ những độc tố giúp cho môi trường nước tốt cho con tôm phát triển… Nhiều hộ nhờ con tôm phất lên nhanh chóng, thu lãi có khi vài trăm triệu đồng sau mỗi mùa vụ. Nhưng đó là chuyện của 5- 7 năm về trước.

Còn vụ tôm năm nay, với gần 15.000 ha tôm thả nuôi ở vùng tôm – lúa Mỹ Xuyên thì có khoảng 9.000 ha bị thiệt hại hoàn toàn, phải thả lại hoặc chuyển sang trồng lúa, nuôi cá. Đây là tỷ lệ khá cao so với những năm trước. Còn theo thống kê sơ bộ, với khoảng 8.000 ha tôm nuôi ở vùng tôm – lúa đã thu hoạch thì chỉ có khoảng trên dưới 40% hộ nuôi có lãi mà lãi không cao, còn lại là hoà và lỗ vốn. Nguyên nhân chủ yếu do giá tôm thấp, diện tích tôm bị thiệt hại nhiều, môi trường nước không đảm bảo, chi phí nuôi tôm tăng cao…

Bây giờ về vùng tôm- lúa, sẽ dễ dàng bắt gặp những con đường đẹp, những ngôi nhà được xây dựng khang trang. Nhưng có những hộ lại nợ ngân hàng từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng mà không biết lấy gì trả nếu vụ tôm lại thất bát.

Qua điều tra mới đây cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở 6 xã vùng tôm lúa này là Gia Hoà 1, Gia Hoà 2, Hoà Tú 1, Hoà Tú 2, Ngọc Tố, Ngọc Đông đã không có chuyển biến tích cực so với những năm trước; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn cao hơn trung bình cả tỉnh; một số hộ lâm vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nợ nần chồng chất phải cầm cố ruộng đất.

Thế nhưng nghèo, khó mà đổ cho việc nuôi tôm thì chưa hẳn. Theo ông Lương Minh Quyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên thì không thể nói mô hình tôm – lúa là không hiệu quả vì sau những vụ tôm thắng lợi, bà con đầu tư xây dựng nhà cửa, mua máy móc, chi xài nhiều…

Nếu không có con tôm ở vùng này thì làm sao có những ngôi nhà to đẹp khang trang mọc lên giữa vùng sâu vùng xa này. Bộ mặt nông thôn thay đổi rất nhiều cũng nhờ con tôm sú… Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu không phải nuôi tôm, không được vay nhiều vốn từ ngân hàng nhưng vẫn được đầu tư lớn từ nhà nước thì bộ mặt nông thôn vẫn thay đổi, người dân sẽ không bị nợ nhiều như bây giờ mặc dù ngôi nhà của họ không to đẹp lắm.

Theo báo cáo của ngành ngân hàng tỉnh, trong 9 tháng của năm 2008 này, nợ xấu của hệ thống ngân hàng tỉnh chiếm tới 7,66%, trong đó chủ yếu là vùng nuôi tôm sú. Ở các xã vùng tôm – lúa Mỹ Xuyên thì trung bình một xã vay vài chục tỷ đồng mỗi vụ tôm là bình thường và nợ xấu ở đây có khi cao gấp 2-3 lần con số gần 8% nợ xấu của hệ thống ngân.

Trước tình hình vụ tôm sú năm nay không có hiệu quả, huyện Mỹ Xuyên đã định hướng một số giải pháp khắc phục cho những năm tiếp theo là phải nâng cấp bờ bao cho 18.000 ha nuôi thuỷ sản; thực hiện mô hình thả thưa, với những diện tích tôm nuôi không hiệu quả thì lấp lại trồng lúa. Dành 1/3 diện tích nuôi chuyên tôm, phần còn lại là thuỷ sản khác như thả cá đồng, cá kèo hoặc bắt tép mùa.

Với những hộ nghèo, cận nghèo thì không nên nuôi tôm vì nuôi tôm rủi ro cao, lại cần vốn lớn. Đối với tôm thẻ chân trắng nên cho một số bà con có điều kiện nuôi thử nghiệm để phát triển đa dạng. Riêng vùng 6 xã trước đây áp dụng mô hình tôm – lúa nay phải nghiên cứu lại, có thể không phải tôm – lúa bình thường mà cần phát triển các mô hình tổng hợp như lúa – cá, tôm-cá, lúa- màu… để hướng tới yếu tố thị trường.

Chưa thể khẳng định mô hình tôm – lúa ở Mỹ Xuyên là hiệu quả hay không hiệu quả, tuy nhiên việc nghiên cứu để quyết định có nên tiếp tục áp dụng mô hình này không là rất cần thiết.