Phá rừng phi lao ven biển có tuổi đời hàng chục năm để trồng… rau!

ThienNhien.Net – Chỉ trong thời gian ngắn, một diện tích rừng phi lao rộng lớn ven biển xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) đã bị triệt hạ để “biến” thành vùng sản xuất rau an toàn. Đứng nhìn cảnh từng cây phi lao hàng chục năm tuổi bị đốn hạ, chặt khúc… nằm la liệt, ai cũng phải xót xa, tiếc nuối.

Cây phi lao có sức sống quật cường, được mệnh danh là “lá chắn thép” chống bão, chống cát bay. Góp phần cải tạo đất, đem lại màu xanh cho bao vùng đất có nguy cơ bị hoang mạc, sa mạc hóa… Và nhờ những tính năng đó, bao đời nay, người dân ở ven biển xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức luôn nâng niu gìn giữ. Thế nhưng, thời gian gần đây, UBND xã đã cho người vào đốn hạ không thương tiếc.

Từ một cánh rừng xanh mướt bây giờ trở thành bãi đất trống hoang tàn. Ảnh: T.H

Chiều 31.8, PV có mặt tại địa điểm người dân phản ánh, việc đốn hạ vẫn đang diễn ra rầm rộ, tiếng máy cưa gầm rú vang dội cả một vùng. Trên bãi đất trống, hàng trăm mét khối gỗ nằm la liệt, thân cây còn rỉ mủ.

Một người đàn ông đến ngăn cản PV chụp hình. Ảnh: T.H

Gắn bó gần cả đời người với những cánh rừng phi lao ven biển, nay đột nhiên bị đốn hạ, bà L.T.L (trú thôn 4, xã Đức Chánh) khẳng định, việc phá hoại rừng phi lao sẽ ảnh hưởng đến hoa màu, lúa của người dân vào mùa mưa bão. Nếu tổ chức họp thì người dân không bao giờ đồng ý.

Trái ngược với ý kiến của người dân, ông Đoàn Văn Bảy – Bí thư Đảng ủy xã Đức Chánh – lại cho rằng, để thực hiện được dự án trồng rau an toàn, chính quyền địa phương đã tiến hành họp dân, khi người dân đồng tình HĐND xã mới ban hành nghị quyết. Các bước đều theo đúng trình tự. Tuy nhiên, khi PV yêu cầu được xem biên bản họp dân thì ông Đoàn Văn Bảy từ tối, và hẹn ngày hôm sau sẽ cung cấp.

Việc đốn hạ vẫn đang diễn ra rầm rộ. Ảnh: T.H

Được biết, hơn 4ha rừng phi lao đang bị tàn phá để quy hoạch làm vùng sản xuất rau sạch thuộc rừng sản xuất (trước là rừng phòng hộ). Tổng diện tích rừng phòng hộ của xã có 64ha, hiện tại bây giờ còn 47,5ha. Trong 47,5ha có 31ha rừng phòng hộ đã chuyển sang rừng sản xuất, nhưng sau đó lại chuyển ngược sang lại rừng phòng hộ 14,7 ha. Năm 2000, việc nuôi tôm đã phá 12ha rừng để nuôi tôm, nay phá thêm 4ha để trồng rau an toàn.

“Việc người dân lo ngại về ảnh hưởng đến sản xuất đó là một vấn đề, nhưng mình thấy cái gì có hiệu quả, đảm bảo được các lợi ích thì chúng ta thực hiện thôi. Nếu diện tích rừng trên có bị phá cũng không ảnh hưởng gì đến ô nhiễm môi trường” – ông Bảy khẳng định.

Đường vận chuyển gỗ. Ảnh: T.H

 

Gỗ được tập kết sát đường. Ảnh: T.H