Giao rừng để rồi… mất rừng

ThienNhien.Net – Thực hiện chủ trương giao rừng cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc để trồng rừng, quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng, sau một thời gian những cánh rừng ở đây không cánh mà bay hoặc sử dụng sai mục đích.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Đắc Lắc cho biết: Chủ trương giao rừng cho các doanh nghiệp để trồng rừng, quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng được thực hiện từ năm 2009. Hiện nay diện tích rừng giao cho các doanh nghiệp là 39.308.000 ha, số doanh nghiệp được giao rừng là 52 doanh nghiệp. Ban đầu các doanh nghiệp này đều được đánh giá các chỉ số để so sánh năng lực như: tài chính, nguồn nhân lực, các dự án triển khai khi nhận rừng…

Theo dự án này cây trồng là keo nhưng kiểm tra thì lại cao su. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Theo dự án này cây trồng là keo nhưng kiểm tra thì lại cao su. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Sau vài năm hoạt động, đến năm 2015 bên cạnh những doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc các điều khoản về trồng rừng, quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng thì cũng không ít doanh nghiệp cố tình làm trái quy định, hay thiếu trách nhiệm, thiếu năng lực dẫn đến tài nguyên rừng bị xâm hại một cách nghiêm trọng. Ông Hưng nói về một trường hợp đặc biệt, đúng ra khi nhận rừng thì công ty này phải thực hiện theo dự án đã đề ra là trồng rừng, cải tạo và bảo vệ rừng mà cây được chọn là keo (tràm), nhưng khi kiểm tra thì phát hiện lại trồng sắn.

Đó là trường hợp Công ty Cổ phần Địa ốc Thái Bình Phát, lập đề án cải tạo, bảo vệ rừng tại xã Ea Bung (H. Ea Súp) nhưng khi đến thì phát hiện trồng 40 ha sắn, chỉ 10 ha rừng (keo) nhưng còi cọc, chậm phát triển. Đối với trường hợp này, Chi cục Lâm nghiệp đã có kế hoạch thu hồi rừng và đang trình UBND tỉnh phê duyệt. Cũng trong đợt này, một số doanh nghiệp vi phạm về quản lý, bảo vệ, cải tạo hay chậm tiến độ các dự án (thời hạn 24 tháng) cũng nằm trong đề xuất thu hồi rừng như: Cty TNHH Anh Quốc, Cty TNHH Hoàng Nguyễn, Cty CP Địa Ốc Thái Bình Phát, Cty CP ĐTXD Tân Phú Hưng, Cty TNHH Hữu Bích…

Đáng kể hơn, sau khi tận thu gỗ rừng, nhiều công ty, doanh nghiệp còn biến dự án trồng rừng bằng keo lai thành những vùng trồng cà-phê, cao su hay điều. Cty TNHH 27/7 khi “bứng” hết gỗ rừng 38 ha (xã Ea Bung, H. Ea Súp) đã trồng vào đây cao su và điều, đáng ra theo dự án thì phải trồng keo. Một số công ty còn tự tiện san lấp mặt bằng để đưa rừng vào mục đích sử dụng khác như vụ việc Cty CP Bảo Ngọc san ủi trái phép hơn 7 ha và theo đoàn thanh tra liên ngành Đắc Lắc phát hiện dấu hiệu Cty này hợp thức hóa gỗ lậu đưa từ nơi khác đến. Hiện vụ việc đang trong quá trình điều tra của cơ quan chức năng tỉnh Đắc Lắc. Một số khác cũng trồng rừng theo đúng dự án đề ra nhưng chỉ trồng một cách đối phó như Cty CPĐTXD Tân Phú Hưng chỉ trồng được 26 ha cao su (7%) mà trong thực tế diện tích này phải là 372 ha (xã Ea Sol, H. Ea H’leo) phần lớn diện tích còn lại là cỏ dại và dây leo.

Thiếu trách nhiệm, cố tình làm sai lệch dẫn đến hậu họa những cánh rừng giờ bị triệt hạ như thế này đây. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Thiếu trách nhiệm, cố tình làm sai lệch dẫn đến hậu họa những cánh rừng giờ bị triệt hạ như thế này đây. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoài Dương cho biết: “Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp, công ty thực hiện tốt nhưng cũng khá nhiều nơi sai phạm. Về nguyên nhân chủ quan là do năng lực của công ty, doanh nghiệp chưa đủ, buông lỏng trong công tác quản lý, thiếu trách nhiệm với tài nguyên rừng… Về khách quan do chưa có những quy định cụ thể trong việc này, ví dụ như quyền hạn của doanh nghiệp, công ty để xử lý những trường hợp xâm phạm rừng, vấn đề di dân tự do làm rừng bị xâm lấn nghiêm trọng. Như vậy, phải nói một điều rằng chủ rừng là các công ty, doanh nghiệp cũng bị áp lực từ vô số vấn đề bên ngoài”.

Ông Dương cũng bày tỏ rằng vấn đề cấp bách là phải có cơ chế, chế tài phù hợp để xử lý những trường hợp cố tình vi phạm, hay sơ suất dẫn đến tài nguyên rừng bị xâm phạm nghiêm trọng mà ở đây chủ rừng là các doanh nghiệp, công ty. Cũng có thể đưa ra truy tố hình sự đối với những trường hợp để rừng bị tàn phá nhằm răn đe, quy trách nhiệm rõ ràng. Một thực trạng rõ mồn một tại các dự án giao rừng cho các Cty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc mà ai cũng thấy là đến kiểm tra nơi đâu, xuất hiện sai phạm nơi đó. Cá biệt nhiều nơi còn sai phạm nghiêm trọng, cố tình làm sai lệch dự án mà mình đã đề ra trước đó. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng, ban ngành tỉnh Đắc Lắc nên vào cuộc mạnh tay để giao rừng… khỏi phải mất rừng.