Nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững

ThienNhien.Net – Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức diễn đàn Khuyến nông và nông nghiệp với chủ đề “Phát trền nuôi trồng thủy sản bền vững tại các tỉnh ven biển miền Trung”.

Diễn đàn có sự tham gia của đại diện Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), Sở NN-PTNT và nông dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, TT-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP Đà Nẵng.

Niềm vui được mùa tôm (Ảnh: Văn Dũng)

Báo cáo của Vụ Nuôi trồng thủy sản cho hay, những năm gần đây nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có bước phát triển mạnh, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ. Năm 2016 diện tích nuôi mặn, lợ của các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đạt 15.608ha, sản lượng đạt 38.911 tấn; diện tích nuôi nước ngọt đạt 19.443ha sản lượng 32.675 tấn.

Bên cạnh đó, việc NTTS ở 7 tỉnh ven biển miền Trung còn gặp nhiều khó khăn và thách thức như điều khiện khí hậu khắc nghiệt nhất trong cả nước, hàng năm thường xuyên xảy ra thiên tai bão lũ, gió Lào, hạn hán… Biến đổi khí hậu, suy thoái và ô nhiễm môi trường, dịch bệnh trên tôm ngày càng diễn ra phức tạp, gây rủi ro lớn cho người NTTS. Cơ sở hạ tầng nuôi thâm canh chưa đảm bảo, nhiều chính sách về NTTS chưa phù hợp. Công tác quan trắc và cảnh báo dịch bệnh phục vụ NTTS cho các đối tượng chủ lực vùng trọng điểm chưa được đầu tư…

Định hướng và giải pháp trong thời gian tới là, tiếp tục tập trung thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tổ chức lại sản xuất, hướng dẫn xây dựng các mô hình liên kết chuỗi giá trị ngang và dọc (HTX, tổ hợp tác, người nuôi liên kết với doanh nghiệp), đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ sản xuất giống tôm, cá biển, ban hành hướng dẫn khung lịch mùa vụ phù hợp với sự biến đổi khí hậu, đổi mới phương thức thực hiện xúc tiến thương mại và phát triển thị trường…

Tại diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của bà con NTTS của 7 tỉnh, trong đó có nhiều mô hình thành công cần được nhân rộng như nuôi tôm thẻ chân trắng VietGAP, nuôi tôm công nghệ Biofloc, nuôi luân canh tôm sú – rong rêu, nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học không sử dụng hóa chất, kháng sinh…

Độc đáo phải kể đến mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng VietGAP với cấu trúc nuôi: Ao nuôi thiết kế gồm lót bạt đáy, lót bạt bờ. Nguồn nước được lấy qua giếng khoan ngoài khơi và ao chứa lắng, kết hợp nước ngọt. Mật độ 80 con/m2, cỡ P12. Trong quá trình nuôi không sử dụng hóa chất mà định kỳ dùng chế phẩm sinh học EM, Super VS để xử lý.

Việc tổ chức diễn đàn được đánh giá là thiết thực, bổ ích đối với người NTTS ở miền Trung. Qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nuôi trồng, giảm rủi ro dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế và bền vững. Diễn đàn cũng đã thu hút sự quan tâm của ngành nông nghiệp và bà con, đặc biệt trong điều kiện NTTS gặp nhiều khó khăn trước tình hình biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay.

Đại diện những hộ thành công mô hình nuôi ghép tôm sú, cá dìa, rong câu đạt hiệu quả kinh tế, ông Nguyễn Khoai ở xã Vinh Giang, huyện Phú Lộc, TT – Huế trình bày, trước những khó khăn ở vùng đầm phá Vinh Giang, nhiều hộ trong đó có gia đình ông đã tìm hiểu thông qua mô hình của Trung tâm Khuyến nông tỉnh để nuôi xen ghép. Lấy tôm sú làm đối tượng chính và ghép với dìa, rong câu, cua xanh.

“Sau 1 vụ khoảng 4 – 5 tháng sản lượng thu được 6 – 8 tạ/ha, lợi nhuận bình quân mỗi năm 30 – 50 triệu đồng/ha. Qua 3 năm thực hiện hình thức nuôi xen ghép tôi thấy, hình thức nuôi này dễ, ít dịch bệnh, chi phí thấp, trong khi đó lại tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương (rong câu, cá tạp…) và tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng” ông Khoai hồ hởi chia sẻ.

Bên cạnh đó mô hình nuôi xen canh tôm thẻ chân trắng – cá dìa ở xã Vinh Mỹ của hộ nông dân Phạm Thanh Kiều, với gần 2ha mang lại lợi nhuận cho gia đình hơn 3 tỷ đồng/năm. Mô hình được nhiều hộ nông dân ở tỉnh TT-Huế nhân rộng đến hơn 7ha.

Tại diễn đàn đã diễn ra sự trao đổi kinh nghiệm và tương tác rất sôi nổi giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia đầu ngành với người NTTS. Các câu hỏi  tập trung vào các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng nuôi tôm, cá như cách nhận biết và hiệu quả sử dụng các chế phẩm sinh học, giải pháp ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, kỹ thuật lựa chọn tôm giống, cách phòng trị bệnh gan tụy cấp ở tôm sú…