Thanh Hóa: Đất tặc lộng hành, chính quyền bất lực?

ThienNhien.Net – Thời gian qua, tại xóm Cầu Hòa, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa người dân vô cùng bức xúc trước tình trạng khai thác đất trái phép tràn lan, thất thoát tài nguyên khoáng sản, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thế nhưng, chính quyền sở tại lại“bất lực” hoặc “làm ngơ” để cho đất tặc lộng hành.

Đất tặc ngang nhiên khai thác giữa ban ngày, thế nhưng không hề bị kiểm tra, xử lý (Ảnh: Văn Thanh)

Khai thác đất trộm giữa ban ngày

Theo thông tin phản ánh, chúng tôi tìm về thôn Cầu Hòa, xã Cầu Lộc, rồi len lỏi qua con đường nhỏ hẹp để vào được các điểm khai thác đất trái phép ở đây. Mặc dù đang là ban ngày, thế nhưng những chiếc xe ô tô, công nông vẫn ngang nhiên ra vào chở đất, nổ máy inh ỏi vận chuyển đất từ khu vực núi Miễu, thuộc rừng 327 (nay là 661) đưa đi tiêu thụ mà không hề bị cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý.

Theo ông Đỗ Văn Tám, Chủ tịch xã Cầu Lộc, tình trạng khai thác đất đã diễn ra trong một thời gian dài. (Ảnh: Văn Thanh)

Theo tìm hiểu, “đất tặc” ở đây là các hộ dân được giao đất để trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, thế nhưng lợi dụng vào việc bán tài nguyên khoáng sản, các hộ dân này tự ý mua máy múc về phá núi bán lấy tiền.

“Chẳng hiểu chính quyền ở đâu mà để người dân tự do khai thác đất vô tội vạ. Việc khai thác này đã diễn ra trong thời gian dài, phá nát núi đồi, ô tô, công nông đi lại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thất thoát tài nguyên khoáng sản của Nhà nước, thế nhưng cơ quan chức năng từ tỉnh, đến huyện, xã vẫn làm ngơ, không xử lý triệt để, gây bức xúc trong dư luận”, một người dân thôn Cầu Hòa bức xúc.

Chính quyền địa phương bất lực

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra về vụ việc, ông Đỗ Văn Tám, Chủ tịch UBND xã Cầu Lộc thừa nhận: Việc khai thác đất trái phép ở thôn Cầu Hòa là có thật. Khu vực này chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép tận thu hay khai thác mỏ cho đơn vị nào. Việc khai thác đất ở đây là do các hộ gia đình ông Nguyễn Trọng Sơn; Phạm Viết Bình và bà Nguyễn Thị Lý. Họ múc đất đi bán đã diễn ra trong một thời gian dài, có lần xã đã chỉ đạo Công an xuống lập biên bản, xử phạt, nhưng sau đó mọi việc đâu lại vào đấy. Có lần họp ở huyện, ông cũng đã đưa vấn đề này ra và được huyện phối hợp xuống bắt đưa cả máy múc về huyện lập biên bản xử lý. Nhưng tất cả chỉ được một thời gian, cứ khi nào không có người canh gác thì mọi việc khai thác đất trái phép lại diễn ra. “Việc ngăn chặn cứ như “bắt cóc bỏ đĩa”, chính quyền sở tại chúng tôi cũng bất lực”, ông Tám nói.

Chủ tịch UBND xã Cầu Lộc (trái ảnh) thừa nhận với phóng viên là chính quyền bất lực với đất tặc. (Ảnh: Văn Thanh)

Còn ông Hoàng Đình Hùng, Trưởng Công an xã Cầu Lộc cho hay: Mấy lần trước Công an xã xử phạt các đối tượng khai thác đất không đúng quy trình, nên cấp trên lại hướng dẫn khi phát hiện thì lập biên bản rồi thông báo cho cấp trên về xử lý. Có lần xử phạt các đối tượng khai thác đất trái phép cao nhất là 5 triệu đồng. Trên địa bàn có 3 máy múc, khai thác ở 3 điểm nên quản lý rất khó khăn. “Tỉnh, huyện cần phải có biện pháp gì xử lý, chứ để tình trạng đất tặc lộng hành thế này thì khó lắm”, ông Hùng kiến nghị.

Với sự việc nêu trên, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa sớm chỉ đạo các ban, ngành chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm, tránh tình trạng tiếp tục chảy máu tài nguyên khoáng sản, trấn an dư luận.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục theo dõi thông tin đến bạn đọc.