Cao Bằng: Máu rừng chảy sang biên giới

ThienNhien.Net – Mấy năm trở lại đây, nhiều người dân xã Mỹ Hưng, huyện Phục Hòa tỉnh Cao Bằng không còn tha thiết với ruộng đồng, họ kéo nhau vào rừng chặt phá, lấy đi những cây gỗ to nhất, đẹp nhất rồi dùng ngựa thồ vận chuyển qua biên giới bán sang Trung Quốc. Lâm tặc đang xâm hại nghiêm trọng những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn của huyện Phục Hòa và Thạch An tỉnh Cao Bằng.

Gỗ rừng tấp nập “xuất ngoại”

Một buổi chiều đầu tháng 7/2010, khi những lão nông lùa trâu về chuồng, từ cánh rừng sau núi của xóm Nà Thắm, xã Mỹ Hưng, huyện Phục Hòa xuất hiện những con ngựa trên lưng oằn nặng gỗ rừng. Đàn ngựa về đến chân núi đầu xóm, những người dắt ngựa – chủ yếu là phụ nữ – tháo dây buộc, vần những khúc gỗ to nặng giấu vào những đám cỏ dại, chờ đêm xuống để đưa sang biên giới bán.

Mỗi đêm, ở khu vực mốc 23, xóm Nà Thắm, Nà Quang, xã Mỹ Hưng có hàng trăm con ngựa thồ gỗ sang bên kia biên giới. Lúc cao điểm có tới 200 con ngựa thồ, 50 xe máy hoạt động liên tục không kể ngày đêm, ngang nhiên vận chuyển gỗ qua biên giới. Lâm tặc chặt phá mọi loại cây rừng, từ gỗ quý cho đến gỗ tạp chỉ cần có đường kính 10 cm trở lên, từ những khúc ngắn 1m cho đến khúc dài hơn 2m.

Rừng bị chặt phá chủ yếu thuộc địa bàn xã Mỹ Hưng, xã Tiên Thành huyện Phục Hòa và xã Thụy Hùng huyện Thạch An. Lâm tặc chủ yếu là người dân xã Mỹ Hưng và một số người không được giao đất giao rừng, chuyên đi chặt phá các khu rừng đã được giao cho người khác quản lý, chăm sóc.

 

 Từng đống gỗ lớn nằm ngổn ngang dưới chân rừng (Ảnh: Quốc Đạt)

Tại địa phận giáp ranh giữa xã Mỹ Hưng (Phục Hòa) và xã Thụy Hùng (Thạch An), ngay dưới lề đường của Tỉnh lộ 208, thuộc địa phận xóm Nà Bó gần bờ suối, những khúc gỗ lớn dài chừng 2 – 3m, đường kính khoảng 30 cm nằm la liệt ngổn ngang. Nhìn lên cánh rừng phía trước, giữa màu xanh của đồi rừng, từng rãnh đất đỏ quạch người ta dùng để lăn gỗ, kéo gỗ từ trên rừng xuống chạy thẳng từ đỉnh đồi đến bờ suối. Lần theo dấu vết ”lâm tặc”, đi sâu vào cánh rừng phòng hộ đầu nguồn, cảnh tượng xót xa đập vào mắt người chứng kiến. Những gốc cây to nhất, đẹp nhất đã bị đốn hạ, mang đi từ lúc nào, chỉ còn trơ lại những cành khô và gốc cây chảy nhựa đỏ ối.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Phục Hòa có hơn 140 ha rừng phòng hộ đầu nguồn đang bị lâm tặc xâm hại. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do thời gian gần đây, quy định mới về giao đất giao rừng có nhiều bất cập, việc giao đất giao rừng không phân định rõ ràng, cụ thể cho từng hộ dân, có những diện tích giao cho nhiều hộ cùng quản lý. Những diện tích rừng trước đây một số hộ vẫn quản lý nay phải gộp lại, nhiều hộ chung nhau một sổ đăng ký (bìa đỏ) nên người dân cho rằng đó không phải rừng của mình nữa và họ kéo nhau đi chặt phá rừng không thương tiếc.

Lâm tặc hung hăng, cơ quan chức năng bất lực

Vì lợi nhuận cao, mỗi ngày có thể kiếm được 300 – 400 nghìn đồng nên nhiều người dân bất chấp pháp luật kéo nhau vào rừng chặt gỗ. UBND xã Mỹ Hưng đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm huyện tiến hành ngăn chặn nhưng do lực lượng quá mỏng nên không hiệu quả (Theo báo cáo của UBND xã Mỹ Hưng gửi UBND huyện Phục Hòa).

Người dân xã Thụy Hùng, huyện Thạch An cho biết, nhiều lần họ bắt gặp kẻ chặt phá rừng của mình, nhưng không dám làm gì vì bọn chúng đông nguời, có vũ khí và đe dọa tấn công cả chủ rừng.

Ngày 5/6 vừa rồi 5 cán bộ xã Thụy Hùng và 4 cán bộ kiểm lâm huyện đi kiểm tra và phát hiện 3 nhóm gồm 22 người, 22 ngựa đang phá rừng. Lâm tặc chống trả quyết liệt, 1 lâm tặc dùng búa tấn công cán bộ kiểm lâm để đánh tháo cho đồng bọn. Kiểm lâm phải nổ súng cảnh cáo, nhưng chúng vẫn chống trả quyết liệt, chặt đứt dây cương đánh tháo ngựa. Tổ kiểm lâm bắt được 2 con ngựa, nhưng trên đường giải ngựa về ủy ban xã, lâm tặc lại phục kính, tấn công đánh tháo nốt 2 con ngựa.

 

 Lâm tặc dùng ngựa thồ gỗ qua biên giới (Ảnh: Quốc Đạt)

Ông Hoàng Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phục Hòa cho biết: Tình trạng phá rừng bừa bãi đã diễn ra từ 2, 3 năm nay nhưng huyện vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Thậm chí từ tháng 3/2010, tình hình còn diễn biến phức tạp hơn. Các đối tượng thường vào rừng chặt gỗ, giả vờ mang về làm nhà, làm củi, đêm xuống, lợi dụng lực lượng kiểm soát mỏng, đưa gỗ sang biên giới bán.

Ngày 23/6/2010, UBND huyện Phục Hòa đã ra Quyết định số 745/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác ngăn chặn việc vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép trên địa bàn xã Mỹ Hưng, gồm 9 thành viên, với các lực lượng: kiểm lâm, công an, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường. Cũng trong ngày 23/6/2010, UBND huyện Phục Hòa ra Chỉ thị số 06 về việc thực hiện tăng cường các biện pháp cấp bách trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; yêu cầu chính quyền các xã, thị trấn và các lực lượng chức năng tập trung tuyên truyền vận động nhân dân bảo vệ rừng, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Tuy nhiên, ngày 2/7/2010, 9 ngày khi huyện thành lập Tổ công tác và ra Chỉ thị số 06, có mặt tại Phục Hòa, chúng tôi được chứng kiến tình hình chặt phá, vận chuyển gỗ trái phép sang biên giới vẫn diễn biến phức tạp. 21 giờ cùng ngày, khi xe chúng tôi quay về tỉnh, cảnh vận chuyển gỗ trái phép vẫn diễn ra. Trên đỉnh đèo Khau Chỉa, hai người đàn ông đang vần những khúc gỗ mới đốn từ trên rừng xuống đường, chuẩn bị buộc lên xe máy chở đi. Thấy xe ô tô biển số màu xanh, họ vứt gỗ, nhảy lên xe máy, phóng mất dạng.

Bao giờ tình trạng chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn ở Cao Bằng chấm dứt? Câu trả lời hẳn phụ thuộc vào sự kiên quyết của chính quyền địa phương.