Thái Nguyên: Dùng nước sạch của nhà máy gây… ngứa ngáy, lở loét

ThienNhien.Net – Người dân tổ 14 (thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, khi sử dụng nguồn nước của nhà máy nước sạch tại đây thì thấy có mùi, dùng tắm có cảm giác nhớt trên cơ thể và có người bị ngứa ngáy, lở loét khi dùng nước.

Theo nội dung đơn thư của người dân tổ 14 (thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) gửi tới VnMedia: Thời gian qua người dân dùng nước máy của xí nghiệp nước máy Trại Cau do Công ty cổ phần nước sạch Thái Nguyên quản lý, đang được bán với giá trên 8 nghìn đồng/m3. Khi sử dụng nguồn nước thì có mùi, tắm giửa có cảm giác nhớt trên cơ thể và có người bị ngứa ngáy, lở loét khi dùng nước.

Hàng loạt người bị ngứa

Bà Trần Thị Xuân (54 tuổi), cho biết: “Gia đình tôi đã sử dụng nước máy từ năm 2009 đến nay. Tuy nhiên cũng từ thời điểm đó thì 2 bàn chân tôi thường xuyên bị ngứa ngáy, có những lúc lở loét cả dưới gan bàn chân. Tôi cũng đã điều trị thuốc tây, thuốc nam đủ cả mà vẫn không khỏi”.

Nói rồi bà Xuân đưa bàn chân của mình lên như để minh chứng với phóng viên. Qua câu chuyện được biết thời gian trước đó gia đình bà dùng nước khai thác từ giếng khoan nhưng chất lượng rất tốt và cả gia đình không ai bị ngứa ngáy gì cả. Cũng từ khi sử dụng nguồn nước từ nước máy thì hàng loạt vấn đề phát sinh như nước có mùi, khi tắm cảm giác nhớt trên cơ thể, gây ngứa ngáy…

Người dân tố giác nước của nhà máy gây ra bệnh ngoài da

Ông Vũ Tất Minh chồng bà Xuân cũng cho biết thêm: “Hiện tại cả khu có 35 hộ thì đều gặp tình trạng tương tự như vậy, chúng tôi cũng nhiều lần ý kiến nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời nào từ xí nghiệp nước cũng như chính quyền địa phương. Mỗi tháng gia đình tôi dùng cũng không phải là ít từ 20-30 khối nước tính ra cũng cả vài trăm nghìn đồng”.

Cụ Nguyễn Văn Thanh (80 tuổi) cũng cho biết thêm: “Chúng tôi chỉ lo cho các cháu nhỏ khi sử dụng nguồn nước không đảm bảo này, ảnh hưởng tới sức khoẻ. Mong cơ quan báo chí vào cuộc làm rõ xem nguyên nhân từ đâu để người dân được biết”.

Cùng chung suy nghĩ cụ Đinh Thị Nhuận (78 tuổi) tỏ ra rất lo lắng khi con cháu cụ phải thường xuyên sử dụng nước từ xí nghiệp nước Trại Cau: “Rất nhiều người dân bị ngứa, mùi khó chịu lắm không như nước trước đây”.. Khi biết chúng tôi là phóng viên về tìm hiểu thông tin dọc trên đường đi người dân nào gặp cũng tố  những thông tin như vậy.

Qua tìm hiểu được biết xí nghiệp nước sạch Trại Cau được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2009. Nguồn nước được khai thác từ nước ngầm. Tuy nhiên ngay bên cạnh đó là khu khai thác khoáng sản, nhiều hố nước sử dụng hoá chất, dầu mỡ, thuốc nổ …

Cơ quan chức năng nói gì?

Trao đổi với ông Hoàng Văn Tuệ – Giám đốc xí nghiệp nước Trại Cau về vấn đề này ông Tuệ cho biết: “Sau khi nhận được thông tin, phòng kinh doanh, phòng kỹ thuật của Công ty cùng tổ trưởng dân phố, phó chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau đi kiểm tra, xác minh việc người dân bị ngứa là có. Nguyên nhân đến nay chưa xác định cụ thể nhưng có thể người dân sử dụng từ nguồn nước moong mỏ được bơm lên chứa ở bể bơm lên nó có thuốc nổ, có dầu mỡ. Chúng tôi tìm hiểu rồi cái bể chứa này ngày xưa nó ngâm tà vẹt bằng gỗ đường tầu để chống mối chống mọt. Thì liệu lượng hoá chất đó có trôi xuống không, ảnh hưởng đến người dân hay không. Cũng có thể môi trường không khí ô nhiễm…”.

Ông Hoàng Văn Tuệ làm việc với PV

Ông Tuệ cho biết thêm: “Chúng tôi đang đề xuất dừng không được bơm nước từ moong mỏ lên, dừng khai thác để nó khỏi ô nhiễm nguồn nước ngầm. Chúng tôi kiến nghị đến chính quyền huyện Đồng Hỷ và các đơn vị khai thác khoáng sản không làm ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm”.

Sau đó, ông Tuệ dẫn chúng tôi đi đến nơi mà xí nghiệp nước đang khai thác. Theo quan sát của phóng viên địa điểm khai thác nước ngay gần khu khai thác khoáng sản. Hiện nguồn nước đang được xí nghiệp khai thác với độ sâu khoảng 20 mét và các hố sâu moong mỏ ở trong có độ sâu từ 30-35 mét… Việc khai thác khoáng sản đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước ngầm. Bởi theo người dân thì hiện tại tất cả các giếng trước đây người dân vẫn dùng lấy nước sinh hoạt đã không còn nước.

Sau nhiều lần kiến nghị khu mỏ đã cho dẫn đường ống từ trong bể chứa hoá chất, tà vẹt… bơm cho dân tưới cây. Qua quá trình thẩm thấu nhiều gia đình đã sử dụng cả nước giếng nhưng không nhiều. Nếu nói như ông Tuệ thì rất có thể đây là nguyên nhân chính. Tuy nhiên, cũng trong khu vực thì việc nguồn nước ngầm mà xí nghiệp đang khai thác liệu có đảm bảo hay không?

Phiếu xét nghiệm nước sạch

Trong quá trình làm việc xí nghiệp nước Trại Cau đã không cung cấp được hồ sơ theo dõi, quản lý chất lượng nước theo quy định tại Thông tư 50/TT-BYT và hàng loạt các giấy tờ liên quan đến việc kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng nước. Điều này được ông Tuệ lý giải: “Ông chỉ là điều hành việc sản xuất, còn các vấn đề trên đều do phòng kỹ thuật trên công ty đảm nhiệm”.

Tuy nhiên ông Tuệ cũng thừa nhận trước đó khi làm bên xí nghiệp Sông Công đều thực hiện vấn đề này nhưng từ khi chuyển về Trại Cau khoảng 2 năm nay thì ông không được nhận bàn giao hay bất cứ tài liệu, hồ sơ nào liên quan đến chất lượng nước và cũng chưa một lần có đoàn nào kiểm tra, thanh tra…

Cũng theo phiếu xét nghiệm nước tháng 1 và tháng 4/2017 của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, do Công ty cổ phần nước sạch Thái Nguyên cung cấp cho chúng tôi thì trong cả 2 mẫu xét nghiệm tháng, chỉ số clo dư đều vượt ngưỡng cho phép là 0,58 và 0,63 so với chuẩn là từ (0,3-0,5).

Qua quá trình tìm hiểu của phóng viên cho thấy, các quy trình, kiểm nghiệm, xét nghiệm thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu nước của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cũng như cách quản lý của Công ty nước sạch Thái Nguyên xuất hiện nhiều vấn đề. Câu hỏi đặt ra liệu chất lượng nước sinh hoạt của tỉnh Thái Nguyên có được đảm bảo theo quy định của nhà nước hay không?

VnMedia sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này!