Bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành tài nguyên và môi trường

ThienNhien.Net – Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Thông tư quy định công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành tài nguyên và môi trường.

Theo dự thảo, công chức, viên chức làm công tác liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước của ngành tài nguyên và môi trường phải có phẩm chất tốt, có tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức cảnh giác giữ gìn bí mật nhà nước; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm bố trí công chức, viên chức làm công tác liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước tại đơn vị; công chức, viên chức làm công tác liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước phải ký văn bản cam kết bảo vệ bí mật nhà nước; văn bản cam kết được lưu trong hồ sơ cán bộ của đơn vị.

Theo dự thảo, mọi trường hợp giao, nhận tài liệu, vật mang bí mật nhà nước phải vào “Sổ chuyển giao văn bản mật” và có ký nhận của người giao và người nhận tài liệu; đối với tài liệu, vật mang bí mật nhà nước có đóng dấu “Tuyệt mật” thì không được ghi trích yếu nội dung vào “Sổ chuyển giao văn bản mật” trừ trường hợp được phép của người có thẩm quyền; mẫu “Sổ chuyển giao văn bản mật” được quy định tại phụ lục Thông tư số 07/2012/TT-BNV ngày 22/11/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn quản lý văn bản, lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan.

Việc giao, nhận tài liệu, vật mang bí mật nhà nước phải được thực hiện trực tiếp tại nơi làm việc, bảo đảm an toàn theo quy định của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có tài liệu mật. Bên giao, nhận tài liệu, vật mang bí mật nhà nước phải tổ chức kiểm tra, đối chiếu nhằm phát hiện những sai sót, mất mát để xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

Việc vận chuyển tài liệu, vật mang bí mật nhà nước do công chức làm công tác bảo vệ bí mật nhà nước hoặc công chức phụ trách công tác văn thư của cơ quan, đơn vị thực hiện. Khi vận chuyển tài liệu, vật mang bí mật nhà nước phải có đủ phương tiện đáp ứng việc bảo quản, mang, giữ; trong mọi trường hợp phải cử người có trách nhiệm coi giữ cẩn thận, bảo đảm an toàn tuyệt đối các loại tài liệu, vật mang bí mật nhà nước; nếu vận chuyển, giao nhận theo đường bưu điện phải thực hiện theo quy định riêng của ngành bưu điện.

Những hành vi bị nghiêm cấm

Dự thảo nêu rõ những hành vi sau bị nghiêm cấm:

1. Sử dụng máy tính hoặc các thiết bị khác có kết nối mạng (internet, mạng diện rộng, mạng nội bộ) để soạn thảo, đánh máy, lưu giữ thông tin, tài liệu, vật mang bí mật nhà nước; cắm thiết bị lưu giữ bí mật nhà nước vào máy tính có kết nối mạng.

2. Thu thập, cung cấp, làm lộ, làm mất, chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tiêu hủy trái phép tài liệu, vật mang bí mật nhà nước.

3. Truyền tin mang nội dung bí mật nhà nước qua máy điện thoại, máy phát sóng, điện báo, máy fax, mạng máy tính, internet hoặc các phương tiện truyền tin khác khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép; đăng tin có nội dung bí mật nhà nước trên mạng xã hội, trên trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử.

4. Trao đổi, cung cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tài liệu, vật mang bí mật nhà nước hoặc mang tài liệu, vật mang bí mật nhà nước ra nước ngoài khi chưa được phép của người có thẩm quyền.

5. Sao, chụp tài liệu mật; ghi âm, ghi hình thông tin, hình ảnh mang nội dung bí mật nhà nước khi chưa được phép của người có thẩm quyền; sử dụng điện thoại di động, micro vô tuyến, các thiết bị có tính năng ghi âm, ghi hình, thu phát tín hiệu trong các cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước khi chưa được người chủ trì cuộc họp cho phép.

6. Thuê, nhờ người ngoài cơ quan, người không có thẩm quyền đánh máy, in, sao, chụp tài liệu mật.

7. Lợi dụng bảo vệ bí mật nhà nước để che giấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.