Thí điểm xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt cho 700 hộ nghèo

ThienNhien.Net – Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sẽ triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung để rút kinh nghiệm trước khi triển khai trên diện rộng.

Theo đó, sẽ triển khai thí điểm xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt cho 700 hộ nghèo tại 14 xã bị ảnh hưởng nặng bởi lũ, lụt thuộc 7 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên (mỗi tỉnh 2 xã, mỗi xã 50 hộ nghèo do địa phương lựa chọn).

Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng được chòi phòng tránh lũ, lụt có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 – 3,6 m tại vị trí xây dựng, diện tích xây dựng sàn vượt lũ tối thiểu 10m2; các kết cấu chính như móng, khung, sàn tương đương kết cấu của gian nhà ở xây dựng kiên cố; giá thành xây dựng tối thiểu 30 triệu đồng/chòi phòng tránh lũ, lụt.

Một trong những nguyên tắc hỗ trợ là hỗ trợ trực tiếp đến hộ gia đình thuộc diện đối tượng quy định.

Đối tượng hỗ trợ phải đáp ứng 2 điều kiện

Quyết định nêu rõ, hộ gia đình được hỗ trợ theo quy định phải có đủ 2 điều kiện:

1- Là hộ nghèo theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 – 2015 và là hộ độc lập có thời gian tối thiểu 01 năm tính từ thời điểm tách hộ đến khi Quyết định có hiệu lực thi hành, được cấp có thẩm quyền công nhận; bao gồm những hộ đã có nhà ở và những hộ thuộc diện được hỗ trợ theo chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở khác của Nhà nước, địa phương và các tổ chức, đoàn thể.

2- Chưa có nhà ở kiên cố có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 – 3,6 m tính từ nền nhà (Những hộ cư trú tại những nơi có mức ngập sâu trên 3,6m tính tại vị trí xây dựng nhà ở thì thực hiện di dời đến nơi an toàn theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ).

Trường hợp xã được chọn để triển khai thí điểm có số hộ nghèo thuộc diện đối tượng nhiều hơn 50 hộ thì tiến hành lựa chọn số hộ thuộc diện đối tượng để hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên sau: Hộ gia đình có công với cách mạng; hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số; hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật…); hộ gia đình đang sinh sống trong thôn, bản đặc biệt khó khăn; các hộ gia đình còn lại.

Mức hỗ trợ, mức vay và phương thức cho vay

Đối với những hộ thuộc diện đối tượng nêu trên được ngân sách Trung ương hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ để thực hiện.

Nếu những hộ thuộc diện đối tượng nêu trên có nhu cầu, được vay với mức tối đa 10 triệu đồng/hộ để thực hiện. Lãi suất vay 3%/năm. Thời hạn vay 10 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm, thời gian trả nợ là 5 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 20% tổng số vốn đã vay.

Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện phương thức ủy thác cho vay từng phần qua các tổ chức chính trị – xã hội hoặc trực tiếp cho vay. Đối với phương thức cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị – xã hội, việc quản lý vốn bằng tiền, ghi chép kế toán và tổ chức giải ngân đến người cho vay do Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện.

Đóng góp của hộ gia đình và huy động các nguồn vốn khác từ cộng đồng để thực hiện với mức tối thiểu 10 triệu đồng/hộ.

Tiến độ thực hiện

Theo kế hoạch, từ tháng 7 – 9/2012, thực hiện thiết kế mẫu chòi phòng tránh lũ, lụt; lựa chọn xã để triển khai thí điểm; lựa chọn và phê duyệt danh sách hộ nghèo để hỗ trợ thí điểm.

Từ tháng 10/2012 đến tháng 3/2013, triển khai thực hiện thí điểm.

Từ tháng 4 – 6/2013, tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai thí điểm và đề xuất giải pháp triển khai trên diện rộng.