Quảng Trị: Biến luồng gió “chướng” thành nguồn điện năng

ThienNhien.Net – Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là một miền quê quanh năm đầy gió “chướng”. Bởi lẽ đó mà mảnh đất Hướng Linh được nhiều người gọi bằng cái tên “Miền gió chướng”. Cũng lẽ đó mà khi đặt chân đến đây, Cty CP TCty Tân Hoàn Cầu đã chinh phục được luồng gió “chướng” tạo ra nguồn điện năng sạch, phát huy một thế mạnh mới trên miền tây Quảng Trị.

Cốt thép móng trụ tua-bin.

Cách đây hơn 5 năm về trước, trong một lần đến thăm Nhà máy Thủy điện Đakrông 3, ông Mai Văn Huế – Chủ tịch HĐQT Cty CP TCty Tân Hoàn Cầu nói với tôi “Vùng miền tây Quảng Trị có tiềm năng phát triển điện gió khả thi lắm”. Từ nhận định đó, sau bao nhiêu năm lăn lóc trên vùng núi rừng Hướng Hóa, ông Huế cùng với cộng sự của mình tập trung nghiên cứu tiềm năng, sản lượng gió ở đây và đi đến quyết định trình UBND tỉnh Quảng Trị dự án đầu tư Nhà máy Điện gió Hướng Linh 1 và Hướng Linh 2, tại xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa.

Sau khi được Bộ Công Thương phê duyệt, tỉnh Quảng Trị đã đồng ý chủ trương đầu tư, chấp nhận nhà đầu tư Tân Hoàn Cầu. Cụ thể, dự án Nhà máy Điện gió Hướng Linh 2 đã được đồng ý chủ trương đầu tư cho Tân Hoàn Cầu từ tháng 7/2015 với tổng vốn đầu tư lên đến 1.420 tỷ đồng, do BIDV bảo trợ vốn. Dự án Nhà máy Điện gió Hướng Linh 1 cũng được giao cho DN này từ tháng 12/2015 với tổng vốn đầu tư gần 1.660 tỷ đồng. Mục tiêu dự án nhằm góp phần ổn định nguồn cung năng lượng điện quốc gia, đồng thời tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng của nhân dân trên địa bàn tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế – xã hội của huyện Hướng Hóa nói riêng, tỉnh Quảng Trị nói chung. Quy mô Nhà máy Điện gió Hướng Linh 1 (thôn Xa Bai) và Hướng Linh 2 (thôn Hoong Cóc) đều có tổng công suất 30 MW/nhà máy, đầu tư mỗi nhà máy 15 tua-bin gió theo công nghệ tiên tiến nhất thế giới (Tập đoàn Vestas – Đan Mạch, theo công nghệ CHLB Đức), công suất mỗi tua-bin gió là 2MW, diện tích đất sử dụng 12 ha/nhà máy. Tổng vốn đầu tư của cả 2 dự án hơn 3.000 tỷ đồng với thời hạn hoạt động của dự án 50 năm.

Tại Nhà máy Điện gió Hướng Linh 1, đến nay các hạng mục phụ trợ, đường dây 22KV cấp điện phục vụ thi công, nhà điều hành tạm thời đã hoàn thành. Thời gian tới, các hạng mục chính như xây dựng lắp đặt tua-bin và đường dây vận hành, đường dây 110KV đấu nối đường dây 22KV, trạm nâng áp 0,69/22KV, trạm nâng áp 22/110KV, thiết bị nhà máy, thiết bị tuabin gió… sẽ được đồng loạt triển khai. Sự nỗ lực đó nhằm quyết tâm thực hiện dự án với tiến độ nhanh nhất, đưa dự án hòa lưới điện quốc gia theo đúng chủ trương của UBND tỉnh Quảng Trị đề ra.

Nhà máy Điện gió Hướng Linh 2 được thi công trước Nhà máy Điện gió Hướng Linh 1 và đến nay cũng đã cơ bản hoàn thành các hạng mục quan trọng nhất. Dự kiến giữa năm 2017 sẽ tiến hành hòa vào điện lưới quốc gia như kế hoạch đã đề ra.

Được biết, mới đây Bộ Công Thương có Quyết định số 6185/QĐ-BCT phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Quảng Trị giai đoạn đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, Quảng Trị sẽ có 3 vùng quy hoạch điện gió với diện tích 6.707ha, bao gồm: Vùng 1 thuộc các xã Hướng Sơn, Hướng Lập, Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa) với diện tích 2.789ha; Vùng 2 thuộc các xã Hướng Linh, Hướng Lập, Hướng Hiệp (huyện Hướng Hóa) với diện tích 2.882ha; Vùng 3 thuộc các xã Gio Việt, Gio Hải, Gio Thành (huyện Gio Linh), xã Vĩnh Tân và khu vực mặt nước ven biển huyện Vĩnh Linh và huyện đảo Cồn Cỏ với 1.036ha. Từ quy hoạch này, Bộ Công Thương đưa ra danh mục gồm 4 dự án dự kiến sẽ phát triển đến năm 2020 gồm: Nhà máy Điện gió Hướng Phùng 1 công suất 30MW; Nhà máy Điện gió Hướng Phùng 2 công suất 20MW; Nhà máy Điện gió Hướng Linh 1 và Nhà máy Điện gió Hướng Linh với cùng công suất 30MW. Mục tiêu quy hoạch là đến năm 2020, công suất lắp đặt tích luỹ đạt khoảng 110MW và sản lượng điện gió tương ứng là 287 triệu KWh.

Không còn bao lâu nữa các dự án điện gió của Tân Hoàn Cầu tại Hướng Linh đi vào vận hành hòa vào lưới điện quốc gia, góp phần ổn định nguồn điện năng chung, tạo việc làm cho hàng chục lao động là con em ở miền núi, đóng góp một nguồn ngân sách nhất định cho địa phương…