Nhiều ý kiến bức xúc về dự án thủy điện Đắk Bla 3

Sông Đắk Bla dài 139km, chảy từ Đông sang Tây, nên được gọi là “dòng sông chảy ngược”. Sông nhỏ và ngắn, lưu vực chỉ nằm gọn trong địa phận tỉnh Kon Tum, nhưng lượng phù sa do dòng sông bồi đắp qua hàng ngàn năm đã hình thành nên thung lũng Kon Tum, biến trung tâm thành phố này thành vùng cát trắng độc nhất giữa miền Tây Nguyên đất đỏ bazan.

Tuy nhiên, con sông này đang đứng trước nguy cơ bị chặn dòng để làm thủy điện. Nếu dự này triển khai, thì những huyền tích, gắn với dòng sông này sẽ bị xóa sổ, nên người dân địa phương đang rất bất bình.

Chị Y Thủy bức xúc vì Dự án có thể làm ảnh hưởng đến đời sống của bà con trong làng

Huyền tích về dòng sông

Trải qua hàng ngàn năm, Đăk Bla đã trở thành dòng sông huyền thoại, gắn liền với vô số tích truyện của đồng bào DTTS nơi đây.

Theo Nhà văn Tạ Văn Sỹ, người đã có nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm về địa lý, văn hóa Tây Nguyên,đặc biệt là tỉnh Kon Tum thì, những người đầu tiên đến bên dòng Đăk Bla dựng buôn, lập làng, là người Gia Rai và Ba Na. Chuyện xưa kể rằng,người Gia Rai lập làng bên hữu ngạn, phía thượng lưu. Người Ba Na lập làng bên tả ngạn hạ lưu. Tuy khác bộ tộc, nhưng hai buôn làng vẫn sống chan hòa, yêu thương nhau giữa núi rừng hùng vĩ.

Có một một ngày, chiến tranh nổ ra khắp vùng Tây Nguyên, các buôn làng, bộ tộc không còn sống chan hòa với nhau nữa. Thậm chí, hai ngôi làng người Gia Rai và Ba Na cũng trở nên thù địch. Oái oăm thay, một chàng trai người Gia Rai lại đem lòng yêu thương cô gái người Ba Na ở phía bên kia sông. Họ yêu nhau say đắm, dù biết là cuộc tình này chắc chắn không được buôn làng chấp nhận. Tuyệt vọng, họ hẹn nhau một đêm sáng trăng sẽ ra sông Đăk Bla tự vẫn để được chết bên nhau, qua đó hóa giải thù hận giữa hai buôn làng.

Đúng ngày, đôi trai gái tự đâm vào cổ rồi lao xuống dòng nước đang cuồn cuộn chảy. Dòng máu chàng trai xuôi theo dòng nước về phía hạ nguồn để tìm đến nơi cô gái ở. Còn dòng máu cô gái lại ngược dòng tìm về phía ngôi làng mà chàng trai sinh sống. Đến giữa sông thì cả 2 dòng máu gặp nhau, rồi như tuân theo luật tục mẫu hệ của người đồng bào dân tộc ở đây, máu chàng trai quyện vào dòng máu cô gái rồi chảy ngược dòng về phía thượng nguồn.

Máu của hai người hòa vào làn nước vốn trong xanh của sông Đăk Bla làm đỏ cả dòng sông, kéo luôn dòng nước trôi ngược về hướng Tây. Không chỉ vậy, dòng sông cũng uốn khúc, quanh co chứ không còn thẳng tắp như sự minh chứng cho chuyện tình đau đớn, trắc trở.

Sáng hôm sau, khi người của cả hai làng ra sông lấy nước, vô cùng sửng sốt khi thấy con sông thân thuộc bỗng đỏ ngầu, lại chảy ngược hướng trước kia. Họ vội chạy về báo cho những người trong làng biết. Đến lúc biết sự thật, hai làng đều hối hận vì sự thù hận đã khiến cho đôi uyên ương phải chết tức tưởi.

Cảm động trước tình yêu này, hai làng quyết định gạt bỏ quá khứ, kết nghĩa anh em, sống lại những ngày tháng chan hòa, yên lành. Nhưng dòng sông từ đấy cũng không đổi dòng được nữa, cứ chảy ngược về hướng Tây và mang theo màu đỏ quanh năm đến tận bây giờ.

Dòng Đắk Bla huyền thoại đang đứng trước nguy cơ chặn dòng để làm thủy điện

Chặn dòng để làm thủy điện

Đó là t được người dân lưu truyền lý giải cho sự khác thường của dòng sông. Cũng chính nguồn gốc nhuốm màu huyền thoại này, mà họ luôn ra sức bảo vệ dòng sông. Vì thế, khi hay tin dòng sông này sẽ bị chặn dòng để xây dựng thủy điện, người dân tỏ ra bức xúc, lo lắng và phản đối dự án này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Thủy điện Đắk Bla 3 được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung Quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc tại tỉnh Kon Tum năm 2020. Vị trí xây dựng nằm trên sông Đắk Bla đoạn qua xã Đắk Blà và Đắk Rơ Wa (TP. Kon Tum). Dự án Thủy điện Đắk Bla 3 do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Chiến Thắng (trụ sở tại Khu công nghiệp Hòa Bình, phường Lê Lợi, TP. Kon Tum) làm chủ đầu tư.

Công trình có công suất 8,6 MW; diện tích đất, mặt nước, mặt bằng dự kiến được sử dụng là hơn 84 ha. Đây là công trình cấp III, gồm: Đập dâng kết hợp xả lũ và tuyến năng lượng. Trong đó, đập dâng và đập tràn nằm trên sông Đắk Bla, tổng vốn đầu tư dự án khoảng 300 tỷ đồng.

Ông A Đưn, Trưởng thôn Kon K’Tu, xã Đắk Rơ Wa, TP. Kon Tum cho biết: Sông Đắk Bla đã gắn bó với bà con từ bao đời nay, và có vai trò rất quan trọng trong việc thu hút khách du lịch. Khách đến làng, họ thích nhất là thăm dòng sông Đắk Bla, được đi trên bãi cát và ngồi trên thuyền độc mộc, cũng như chụp hình ở sông suối. Bà con lo sợ thủy điện xây dựng sẽ ảnh hưởng môi trường nước, thay đổi dòng chảy. Trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 10/1, tôi đã có ý kiến về việc bà con không thống nhất với đồ án quy hoạch xây dựng thủy điện ở làng.

Còn chị Y Thủy, người dân làng Kon K’Tu chia sẻ: Từ đời cha ông chúng tôi, dòng sông này như máu thịt là cội nguồn để nuôi sống bà con. Dân làng chúng tôi sinh sống dọc hai bên bờ sông, con sông là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt, con sông còn là nguồn cung cấp cá tôm cho dân làng chúng tôi. Nên chúng tôi không đồng ý xây dựng thủy điện.

Trong khi đó, theo ông A Nhum cũng ở làng Kon K’Tu, dòng sông Đắk Bla là một biểu tượng cho sự hài hòa, nơi đây gắn bó với chúng tôi từ bé, nhưng nay dòng sông này đang bị ảnh hưởng quá nhiều bởi các công trình, dự án, dân chúng tôi thì “thấp cổ bé họng” nên dù có ý kiến cũng không thể làm gì được. Làng chúng tôi nguồn sống chủ yếu là lúa nước, bây giờ nếu ngăn dòng làm thủy điện ngập hết các ruộng lúa, thì chúng tôi sống bằng nguồn gì đây.

Việc xây dựng Thủy điện Đăk Bla 3, không chỉ vấp phải sự phản đối của người dân, mà lãnh đạo TP. Kon Tum cũng không đồng tình. Ông Nguyễn Thanh Mân, Chủ tịch UBND TP. Kon Tum, nói: Trên địa bàn TP. Kon Tum hiện đã có 1 thủy điện là Đăk Bla, chắc chắn không có thêm thủy điện nào ở khu vực này nữa, vì khu vực này chỉ là một đoạn sông ngắn.

“Đến nay, mọi việc vẫn chưa rõ ràng, nhưng nếu có đơn vị nào làm, thì thành phố cũng ngăn cản, phản biện là không đồng ý, vì đang phát triển làng du lịch ở đó thì không nên xây dựng thủy điện”, ông Mân khẳng định.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc và thông tin đến bạn đọc.