Hà Nội đề xuất hạ cốt đê sông Hồng: Bộ Nông nghiệp nói gì?

ThienNhien.Net – Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) đây là tuyến đê cấp đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an toàn chống lũ cho khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội.

Như VietNamNet đã đưa tin, vừa qua UBND thành phố Hà Nội có văn bản đề xuất với Bộ NN&PTNT về việc hạ độ cao một đoạn đê sông Hồng đến dương 12,4m, kéo dài từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương. Liên quan đến vấn đề trên, Bộ NN&PTNT đã có văn bản trả lời về việc này.

Theo văn bản 10309/BNN-TCTL do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng ký trả lời công văn của UBND TP Hà Nội ngày 31/10/2016, Bộ NN&PTNT thống nhất với đề nghị của UBND TP Hà Nội với các nội dung: Điều chỉnh kết cấu đê hữu Hồng đoạn từ Khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương, chiều dài 1.100m; Thay thế một phần kết cấu đê đất bằng kết cấu tường chắn bê tông cốt thép dạng chữ L, đảm bảo an toàn chống lũ, kết hợp giao thông, cải tạo cảnh quan đô thị.

Hà Nội đề xuất hạ cốt đê sông Hồng để mở rộng giao thông

Mở rộng cửa khẩu An Dương từ 2 khoang lên 3 khoang và xây dựng mới 3 cửa khẩu để thay thế các dốc lên đê hiện có (tại các ngõ 108; 276 và 310 Nghi Tàm), kích thước 2x4m. Điều chỉnh phương án thiết kế cầu vượt tại nút giao thông đường An Dương- đường Thanh Niên với bề rộng mặt cầu từ 9m lên 10m, chiều dài cầu được điều chỉnh để nối tiếp phù hợp với mặt đường giao thông trên đê thiết kế.

Theo Bộ NN&PTNT, đây là tuyến đê cấp đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an toàn chống lũ cho khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội. Vì vậy, đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện các nội dung sau:

Phương án thiết kế phải đảm bảo cao trình mặt đê đất sau khi hạ thấp không được thấp hơn mực nước lũ thiết kế tương ứng tại vị trí công trình (Hồ sơ thiết kế, tư vấn đưa ra 3 phương án có sắp xếp thứ tự ưu tiên nhưng chưa đề xuất phương án lựa chọn).

Tổ chức khảo sát địa chất công trình để tính toán, lựa chọn giải pháp gia cố phù hợp, đảm bảo an toàn chống lũ, đặc biệt là giải pháp gia cố chống thấm nền đê.

Kiểm tra rà soát việc tính toán ổn định đê, tường chắn, cửa khẩu, khả năng chịu lực của hệ thống phai, khả năng đảm bảo kín nước của khớp nối tường chắn để lựa chọn quy mô, hình thức, kết cấu đảm bảo an toàn.

Lựa chọn giải pháp kết nối phù hợp mặt cắt đê với hiện trạng dân cư và công trình hiện có; trong đó đặc biệt chú ý việc xử lý nối tiếp mặt đê, tường chắn tại vị trí đầu và cuối tuyến công trình, đảm bảo an toàn chống lũ.

Xây dựng phương án hộ đê, quản lý vận hành đảm bảo an toàn khi có lũ, đặc biệt trong trường hợp tường chắn, cửa khẩu bị sự cố.

Việc thiết kế công trình phải có sự tham gia của các đơn vị tư vấn có năng lực lực, kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực đê điều, thủy lợi, đặc biệt trong việc tính toán, lựa chọn các giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn chống lũ ngay trong giai đoạn lập dự án (Tổng cục Thủy lợi đã có ý kiến tại văn bản số 1235/TCTL-ĐĐ ngày 2/8/2016).

Tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý của Hội Thủy lợi Việt Nam, ý kiến của chuyên gia trong lĩnh vực đê điều, thủy lợi tại các Hội nghị lấy ý kiến góp ý, tư vấn thẩm tra và của Sở NN&PTNT Hà Nội để hoàn chỉnh phương án thiết kế.

Xây dựng biện pháp và tiến độ thi công phù hợp đảm bảo an toàn chống lũ và giao thông trong quá trình thi công, trong đó lưu ý phải thi công hoàn thành tường chắn phía thượng lưu đảm bảo chống lũ mới được hạ cao trình đê đất xuống cao trình thiết kế.

Công trình cầu vượt tại nút giao An Dương – đường Thanh Niên là một trong 8 công trình cấp bách, trọng điểm nhằm giảm ùn tắc giao thông của Hà Nội đã được Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế đặc thù tại Văn bản số 573/TTg-KTN ngày 5/4/2016.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội có văn bản đề xuất với Bộ NN&PTNT về việc hạ độ cao một đoạn đê sông Hồng đến dương 12,4 m, kéo dài từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.

Theo đề xuất của UBND thành phố Hà Nội, với cao độ hạ đê đất đến dương 12,4 m, mặt đường Nghi Tàm sau khi cải tạo sẽ tương ứng với cao độ đường gom dân sinh và hai bên nhà dân, rất thuận lợi cho người dân khu vực dọc tuyến đường tiếp cận ra – vào đường Nghi Tàm một cách an toàn, cũng như để tổ chức giao thông các điểm quay đầu. Đồng thời, phương án này sẽ tạo điều kiện mở rộng được mặt cắt ngang đường Nghi Tàm thêm một làn xe và bố trí tăng được bề rộng của cầu vượt trực thông.

VietNamNet tiếp tục thông tin.

Nguồn: