Tâm lý nông dân Việt “dễ dãi”, liệu nông nghiệp có bền vững?

“Tôi gieo trồng và bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy trình hướng dẫn trên bao bì. Nhưng, gạo bán ra chợ với giá rất thấp, khi trừ đi hết các chi phí, tôi thu nhập khoảng 10 triệu đồng/năm” bà Kim Anh phàn nàn.

Sở hữu 5 sào ruộng, bà Nguyễn Thị Kim Anh, thôn Thuận Tiến, xã Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội sản xuất một năm hai vụ lúa với năng suất gần 2 tạ thóc/sào, như vậy khối lượng thu hoạch khoảng 2 tấn/năm.

Song, gạo của bà Kim Anh trồng chỉ có thể bán ra chợ truyền thống cho những người buôn bán với mức giá thấp hơn rất nhiều so với gạo cùng chủng loại có chất lượng và nhãn mác bán trong các hệ thống bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện ích…).

Canh tác… tự do

Phân bón cùng với nước và giống là các yếu tố vật chất quyết định năng suất, chất lượng của sản phẩm trồng trọt. Nhưng trên thực tế, tiến sỹ Nguyễn Trí Ngọc, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, trong thời gian dài, người nông dân tập trung vào sản lượng nên sử dụng quá nhiều phân bón hóa học với các quy trình canh tác tự phát, buông lỏng và thiếu giám sát.

Với phương thức canh tác “tự do,” ông Ngọc còn chỉ ra, hiệu quả sử dụng phân bón trên đồng ruộng của nông dân Việt Nam không cao. Cụ thể, hiệu suất sử dụng đối với phân đạm chỉ đạt trung bình 45% – 50%, phân lân khoảng 25% – 35% và kali gần 60%. Tính chung hiệu suất sử dụng phân hóa học đạt 50%, như vậy mỗi năm cả nước đã lãng phí khoảng 2 tỷ USD.

“Đó là chưa kể, việc người dân sử dụng lượng phân bón quá nhu cầu của cây trồng đã làm tăng thêm các nguy cơ dịch bệnh, dẫn tới phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hơn và cứ năm sau cao hơn năm trước. Điều đáng lo ngại hơn, việc lãng phí phân bón trong canh tác còn làm giảm chất lượng nông sản, gây ô nhiễm nguồn nước và gia tăng lượng khí thải nhà kính, đặc biệt từ phân đạm, phân hữu cơ và đất rơm rạ,” tiến sỹ Nguyễn Trí Ngọc nhấn mạnh.


Thức ăn nhiễm bẩn
Quá trình lạm dụng thuốc thuốc bảo vệ thực vật của người dân trong thời gian dài còn gây ra nhiều hiểm họa khôn lường trong đời sống.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Ngọc cho biết, sau khi người dân kết thúc công việc, thuốc trừ sâu hoá học vẫn còn tồn tại trong bầu khí quyển, mặt đất, sông hồ.

Cụ thể, nhiều diện tích đất canh tác đã bị thoái hóa trầm trọng, dẫn đến khả năng không thể tái tạo dinh dưỡng. Điều này đã khiến, các vi sinh vật dần thay đổi không còn có lợi cho cây trồng như trước thêm vào đó làm gia tăng nguy cơ phát sinh sâu bệnh.

Đáng ngại hơn, dư lượng chất bảo vệ thức vật không chỉ làm suy giảm giá trị dinh dưỡng mà còn khiến cho thức ăn trên “mâm cơm người Việt” bị nhiễm bẩn.

“Kết quả kiểm tra các sản phẩm nông sản trong thời gian qua đã liên tục tìm thấy dư lượng thuốc trừ sâu trong một phần ba các sản phẩm lương thực, bao gồm táo, thức ăn trẻ em, bánh mì, các loại ngũ cốc, cá hồi tươi, chanh, rau diếp, đào, khoai tây và dâu tây… Hàng năm, có trên 5.000 trường hợp nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật phải cấp cứu tại bệnh viện và trên 300 trường hợp tử vong.” ông Ngọc chỉ ra.

Quy trình sản xuất bền vững?

Không chỉ những người nông dân như bà Kim Anh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Sơn, Gia Lâm, anh Bùi Văn Quyết cho biết, tại thời điểm này mới bắt đầu loay hoay tìm hiểu sự khác nhau giữa phân vô cơ và phân hữu cơ, cách thức sử dụng cũng như công dụng, hiệu quả kinh tế của mỗi loại phân bón vào trong sản xuất.

Điều này cho thấy, người dân còn khá mơ hồ và thiếu cập nhật thông tin trong quá trình sản xuất. Đây là thách thức lớn của ngành nông nghiệp với mục tiêu hướng tới một nền sản xuất bền vững, sạch và an toàn.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung – Giám đốcTrung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia, Cục Bảo vệ thực vật, xu hướng dân số Việt Nam tăng nhanh trong khi diện tích đất nông nghiệp không thay đổi, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang là áp lực đối với nhu cầu khai thác, sử dụng đất.

Do đó, từ năm 1995 đến nay, nhận thấy tác hại của việc lạm dụng phân bón vô cơ, một bộ phận người dân, nhà sản xuất đã quay trở lại sử dụng phân bón hữu cơ, phân chuồng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, con số thực hiện vẫn còn rất khiêm tốn. Theo kết quả điều tra từ Viện Thổ nhưỡng – Nông hóa, bình quân mỗi vụ cây trồng lượng phân bón hữu cơ sử dụng khoảng 8 tấn – 9 tấn/ha. Theo đó ước tính trên toàn quốc, khối lượng phân bón hữu cơ đang sử dụng khoảng 65 triệu – 100 triệu tấn/năm.

Người dân còn khá mơ hồ và thiếu cập nhật thông tin trong quá trình sản xuất. Đây là thách thức lớn của ngành nông nghiệp với mục tiêu hướng tới một nền sản xuất bền vững, sạch và an toàn.

“Thói quen sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học còn rất phổ biến. Điều này khiến cho việc đưa phân bón hữu cơ và phân bón vi sinh tiếp cận người nông dân gặp nhiều khó khăn. Một rào cản lớn khác xuất phát từ cả hai phía người sản xuất và tiêu dùng đó là thói quen ‘dễ dãi’ trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chất lượng thấp.” bà Dung nhấn mạnh.

Tư vấn một quy trình sản xuất, canh tác an toàn, tiến sỹ Bùi Huy Hiền – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa cho rằng, việc bón phân cần phải cân đối giữa phân hữu cơ và vô cơ cho từng loại cây trồng, theo mùa vụ và loại đất, điều này tác dụng ổn định, cải thiện độ phì nhiêu và bảo vệ đất chống rửa trôi, xói mòn.

“Quản lý dinh dưỡng cây trồng tổng hợp, bao gồm các biện pháp và kế hoạch sử dụng phân bón hợp lý, cân đối, thích hợp và phải mang tính hệ thống. Theo đó, các cơ quan chức năng và địa phương cần tổ chức hướng dẫn người dân lựa chọn phân bón đúng chất lượng, phù hợp với độ phì nhiêu của mỗi loại đất cũng như tầm quan trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái,” ông Hiền nói.


Vụ đông xuân 2017 – 2018, Hợp tác xã Hiếu Bình, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ nhờ áp dụng biện pháp sinh học, giảm tối đa lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, năng suất đạt được gần 10 tấn/ha. (Ảnh: Hồng Nhung/ TTXVN)