Chuyên gia: Hang Sơn Đoòng rất dễ tổn thương

ThienNhien.Net – Hang Sơn Đoòng hiện nằm trên 2 đứt gãy giao nhau có phương xiên chéo. Hoạt động rữa lũa của nước trên trần hang thông qua các đứt gãy này vẫn đang diễn ra liên tục và đặc biệt mạnh khi trời mưa lớn, khiến trần hang sẽ ngày càng yếu đi.

Rỗng ở bên trong nên cấu trúc mặt ngoài của hang Sơn Đoòng yếu và không ổn định (Ảnh: baoquangbinh.vn)
Rỗng ở bên trong nên cấu trúc mặt ngoài của hang Sơn Đoòng yếu và không ổn định (Ảnh: baoquangbinh.vn)

Với thông tin về báo cáo tiền khả thi của dự án cáp treo Sơn Đoòng, ông Vũ Lê Phương (Viện Địa chất và Địa vật lý biển, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam), người đã cùng đoàn nghiên cứu người Anh khám phá ra động Sơn Đoòng năm 2009, cho rằng dù cáp treo hoàn toàn đi bên trên và ngoài hang Sơn Đoòng nhưng việc thi công khoan móng ở bên cạnh cũng đủ gây ra chấn động dẫn đến sụp đổ trần hang.

“Đặc biệt, với ý định xây cáp treo từ nhà ga ở cửa sau hang Sơn Đoòng đến nhà ga ở miệng hố sụt thứ hai của hang Sơn Đoòng sẽ vô cùng nguy hiểm. Đơn giản là một quả núi bị rỗng với quy mô lớn như thế, toàn bộ cấu trúc mặt ngoài hang sẽ không ổn định, nên hoàn toàn không thể xây dựng được hệ thống cáp treo, mặc dù tải trọng thấp”, ông Phương cảnh báo.

Không chỉ quan ngại về độ an toàn, ổn định về kết cấu của hang Sơn Đoòng trong quá trình thi công, nhiều chuyên gia còn lo lắng đến những biến đổi môi trường không khí, độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ khi có quá nhiều người tham quan cùng một thời điểm sẽ ảnh hưởng đến địa chất địa mạo độc đáo của di sản này.

Quá nhiều người cùng xuất hiện với vô số âm thanh tiếng ồn, nhiệt độ thay đổi, những đụng chạm sờ mó, can thiệp thô bạo đến hiện vật như đục đẽo, khắc, thậm chí tệ hơn đi vệ sinh bừa bãi, xả rác… sẽ tàn phá những di sản, hiện vật này nhanh hơn bất kỳ tác động hủy hoại nào của thiên nhiên.

Những ví dụ được đưa ra như tại hang Đầu Gỗ, động Thiên Đường (Quảng Ninh) khách tham quan có thể thấy rất ở nhiều nhũ đá bị bẻ, bị khắc tên chằng chịt.

Nhũ đá trong các hang động ở Tam Cốc-Bích Động (Ninh Bình), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) sau một thời gian mở cửa đón du khách đã bị đen xỉn hoặc mọc rêu xanh chứ không còn màu nhũ trắng tinh khiết như lúc mới được khám phá do tác động của khí CO2, hơi người và khói.

Điều này cũng đã xảy ra ở động Phong Nha, nơi có lượng du khách đến tham quan rất đông, có những ngày lên đến 3.000 lượt người.

(Ảnh: baoquangbinh.vn)
(Ảnh: baoquangbinh.vn)

Có thể thấy, câu chuyện đưa những di sản, di tích đến với nhân loại là một bài toán cho ra nhiều câu hỏi khác nhau.

Xét về mặt giá trị nhân văn, di sản là tài sản chung của nhân loại, con người có quyền được biết, được khám phá các di sản của nhân loại và thiên nhiên. Di sản phải được đến với công chúng thì vẻ đẹp, sức sống của nó mới lan tỏa rộng rãi nhưng điều này lại thường bị giới hạn bởi đặc tính dễ bị tổn thương, phá hủy.

Còn nhớ, cuối tháng 9/2014, tại một hội nghị ở New York, Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova đã phát biểu: “Sự tàn phá di sản chính là cuộc tấn công chống lại nhân loại, chống người dân bản địa và tàn phá bản sắc văn hóa, xóa bỏ lịch sử và phá đi tương lai của họ”. Do đó, cần phải tìm ra phương cách đặc thù để tạo sự cân đối, hài hòa giữa phát triển và bảo tồn di sản.

Và Sơn Đoòng, một “báu vật” mà thiên nhiên đã ban tặng không chỉ cho Quảng Bình mà cả người dân Việt Nam rất cần sự nâng niu, khai thác để làm sao báu vật đó được trao truyền đến các thế hệ mai sau.