ThienNhien.Net – Với khoảng 12.000 ha chuyên sản xuất sắn củ, được tập trung tại huyện Văn Yên hơn 7.500 ha, huyện Yên Bình gần 4.500 ha, hằng năm cây sắn góp phần không nhỏ trong việc giúp những người nông dân tỉnh Yên Bái thoát nghèo.
Hiện Yên Bái có ba nhà máy chế biến tinh bột sắn lớn là Công ty CP Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Yên Bình, Công ty TNHH Minh Quang. Hằng năm thu mua hơn 200.000 tấn sắn củ tươi và được chế biến chủ yếu ra sản phẩm tinh bột sắn, với hơn 50.000 tấn/năm. Sản phẩm tinh bột sắn Yên Bái có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế về độ trắng, hàm lượng tinh bột, được xuất khẩu chủ yếu sang Hàn Quốc, Trung Quốc.
Yên Bái hiện nay đang có vùng nguyên liệu sắn khá tốt, nhưng năng suất bình quân chỉ đạt từ 18-22 tấn/ha, chưa có bộ giống sắn năng suất cao, chất lượng tốt, thích hợp cho các vùng trồng sắn trong tỉnh; hiện người dân trồng sắn lá tre, sắn dù, KM94 đang thoái hóa phân cành, năng suất sụt giảm mạnh, khiến bà con gặp khó khăn.
Trong quan niệm của người nông dân thì sắn là cây dễ trồng, không cần chăm sóc, đầu tư phân bón nên dần dần đã biến cây sắn thành cây phá hoại đất, xói mòn đất. Mặt khác, người nông dân chưa tiếp cận được đầy đủ các thông tin về tiến bộ kỹ thuật, giống mới, giá cả thị trường, phá rừng trồng sắn, không tuân thủ quy trình trồng và chế biến sắn, dẫn đến phá vỡ quy hoạch, ô nhiễm môi trường. Để khắc phục tận gốc tình trạng trên, năm 2016, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Cây có củ đã triển khai hợp phần của dự án: Xây dựng và nhân rộng mô hình trồng sắn mới và thâm canh bền vững tại vùng nguyên liệu của nhà máy chế biến tại xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình. Thông qua các hoạt động của dự án, nhằm nâng cao hiểu biết của người nông dân về cây sắn, tăng thêm thu nhập cho gia đình, bảo đảm cây sắn phát triển bền vững.
Qua mô hình trồng 20 ha sắn giống mới tại 30 hộ, được tổ chức đánh giá tại hội nghị sơ kết mô hình cuối tháng 12-2016, cho thấy: nhờ kỹ thuật trồng xen với các cây họ đậu lạc, đã giảm tối đa lượng đất xói mòn trên đất dốc. Sau khi thu hoạch cây trồng xen là lạc, đậu tương, đậu đen, thân lá rễ của cây họ đậu được phủ trả lại lên đất một phần dinh dưỡng. Ngoài ra, việc trồng xen cũng làm tăng lợi nhuận kinh tế trên một đơn vị diện tích so với trồng sắn thuần, do giảm được một số công lao động làm cỏ và thu hoạch lạc, đậu tương vào giữa vụ sắn, từ 8-10 triệu đồng/ha.
Các giống sắn mới Sa21-12 và BK tỏ ra khá thích hợp điều kiện đất đai, khí hậu Yên Bái, năng suất bình quân đạt 38-42 tấn/ha, thậm chí có hộ trồng sắn BK đạt hơn 45 tấn/ha. Như vậy, với giá bán sắn củ tươi hiện nay 1.000 đồng/kg (mua tại cổng nhà máy), mỗi năm người dân thu khoảng 49 triệu đồng/ha, trừ chi phí đầu tư khoảng 32 triệu đồng, lãi khoảng 17 triệu đồng/ha. Trong khi đó, với các hộ ngoài mô hình năng suất củ tươi đạt trung bình 24,5 tấn/ha, thì thu nhập khoảng 24,5 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí sản xuất chỉ lãi 7-8 triệu đồng/ha. Như ở xã Đông Cuông (Văn Yên), diện tích trồng sắn hơn 400 ha, trong đó nhờ khuyến nông “cầm tay chỉ việc”, hơn 100 ha áp dụng phương pháp canh tác bền vững với 500 hộ dân tham gia. Qua trồng đối chứng, các hộ làm sắn có trồng xen đậu, lạc thì năng suất khi thu hoạch cao hơn, đất ít xói mòn, lợi nhuận hơn hẳn các hộ trồng sắn đơn thuần.
Với giống sắn mới, kết hợp canh tác trồng xen cây họ đậu, việc áp dụng khuyến nông trong trồng sắn đất dốc cho thu nhập cao, giúp nông dân xóa nghèo bền vững, là cách làm hay cần được nhân rộng tại các địa phương khác.