Thận trọng khi quy hoạch ngành thép

ThienNhien.Net – Cách đây chưa lâu, Bộ Công thương đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan góp ý nội dung của dự thảo đề án “Điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất và phân phối thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035”. Sau khi điều chỉnh, đề án này sẽ thay thế quy hoạch ngành thép cách đây mấy năm đã bị “vỡ trận”. Các chuyên gia trong và ngoài ngành thép đều nhận định, so với quy hoạch cũ, quy hoạch mới này cơ bản không có gì mới. Sản phẩm phôi và thép xây dựng trong nước hiện dư thừa, tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua, các doanh nghiệp trong nước vẫn nhập khẩu ồ ạt phôi thép và thép xây dựng từ Trung Quốc và các nước khác do giá rẻ hơn. Nếu chỉ tính toán trên cơ sở năng lực hiện tại và mức độ nhập khẩu để lập bản dự thảo quy hoạch thép cho giai đoạn tới, tiếp tục ưu tiên các chủng loại ngành thép đang dư thừa là thiếu cơ sở.

Các quốc gia khi lập quy hoạch ngành thép phải dựa trên tốc độ tăng trưởng GDP và tính toán mức độ phát triển của các ngành liên quan, không thể chỉ tính toán đơn thuần dựa vào tốc độ nhập khẩu thép.

Mới đây nhất, Bộ Công thương tiếp tục loại khỏi quy hoạch ngành 12 dự án thép; trong đó quy mô lớn nhất là dự án mở rộng Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 3, do “năng lực chủ đầu tư kém”. Hiện giai đoạn 2 của dự án này cũng đang chậm tiến độ tám năm và đang chờ phương án xử lý từ phía cơ quan quản lý. Bộ Công thương cho biết, sẽ rà soát để bổ sung, chỉnh sửa và tiếp thu các ý kiến cho dự thảo lần 3. Tuy nhiên, khi trả lời đề nghị góp ý dự thảo đề án quy hoạch ngành thép, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã kiến nghị Bộ Công thương cần lưu ý, Luật Quy hoạch đang được trình Quốc hội xem xét, dự kiến sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2018, Nhà nước sẽ không quản lý các ngành kinh tế (trong đó có ngành thép) bằng quy hoạch, mà bằng các luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư,… Vì vậy, quy hoạch này chỉ có tính tham khảo với doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư. Còn việc cấp phép đầu tư, sẽ phải có ý kiến của các bộ, ngành liên quan, chứ không riêng Bộ Công thương. Do đó, nhiều chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, quy hoạch ngành này cần chờ tới khi Luật Quy hoạch có hiệu lực để có thể điều chỉnh chính xác, phù hợp hơn.

Trong thời gian qua, việc cấp phép tràn lan nhiều dự án thép có công nghệ lạc hậu, cũ nát là nhân tố chính làm hỏng quy hoạch, tăng gánh nặng dư thừa công suất, gây ô nhiễm môi trường, mất cân đối nghiêm trọng. Những dự báo và định hướng sai lầm của quy hoạch ngành thép trước đây đã để lại những hệ lụy rất nghiêm trọng đối với nền kinh tế đất nước. Rõ ràng, việc định hướng, đưa ra các chiến lược phát triển ngành thép trong tương lai là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cần dựa trên cơ sở hiệu quả và nhu cầu sử dụng thực tế, đồng thời xem xét, tính toán sự phát triển của ngành thép thế giới, cũng như xu thế phát triển khoa học – công nghệ, vật liệu mới trong tương lai,… để có sự cân đối phù hợp. Không nên khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các dự án thép thông thường, mà chỉ nên khuyến khích đầu tư các dự án sản xuất thép hợp kim, chất lượng cao. Việc điều chỉnh quy hoạch không có mục tiêu phát triển sản xuất thép cán nóng, thép chất lượng cao là thiếu sót lớn, vì hiện nay nước ta đang phải nhập siêu gần như hoàn toàn các chủng loại thép này, trong khi vẫn tiếp tục “ưu ái” phát triển các dự án thép xây dựng, phôi thép thông thường. Hiện, Quốc hội đang xem xét việc sẽ quản lý ngành thép theo hướng tổng thể toàn quốc, chứ không quy hoạch theo sản phẩm. Vì vậy, Bộ Công thương có đưa ra quy hoạch thì sau này cũng sẽ mất hiệu lực, buộc phải thay đổi. Việc quy hoạch ngành thép cần được tính toán thận trọng, cân nhắc nhiều yếu tố liên quan, không nên vội vã, tránh lặp lại “vết xe đổ” như đã tái diễn nhiều lần trước đây.