Xử lý chất thải sinh hoạt: Cần có giải pháp tổng thể

ThienNhien.Net – Việc xử lý chất thải sinh hoạt bằng chôn lấp chiếm dụng đất đai (gồm cả khu vực xử lý và khoảng không cách ly vệ sinh). Mặt khác, quy trình này bắt đầu quá tải, gia tăng áp lực quản lý, chi phí xử lý, gia tăng ô nhiễm môi trường. Tất cả đang đặt ra cho Hà Nội yêu cầu phải có một giải pháp tổng thể, từ phân loại rác tại nguồn, tổ chức thu gom đến áp dụng công nghệ tiên tiến để xử lý.

Từ thu gom rác thải…

Theo số liệu của Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, mỗi ngày Hà Nội phát sinh gần 5.400 tấn chất thải rắn (CTR) sinh hoạt, trong đó khu vực các quận, thị xã là 3.200 tấn, còn lại trên địa bàn các huyện. Tuy nhiên, năng lực thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt đến các khu xử lý tập trung chỉ được gần 3.900 tấn (72%).

Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Hiện nay chỉ có 4 quận khu vực trung tâm thành phố có tỷ lệ thu gom, xử lý CTR đạt 100%; còn các quận, thị xã khác, tỷ lệ thu gom, xử lý chỉ từ 80 đến 85%. Ở các huyện, tỷ lệ thu gom rác thấp hơn, trung bình khoảng 60 đến 70%. Một số huyện như Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì, Chương Mỹ… việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt mới thực hiện ở các thị trấn và một số xã lân cận, những xã xa trung tâm chưa thu gom được rác thải về xử lý tập trung. Lượng rác thải chôn lấp tại chỗ nằm rải rác tại các khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường.

Tại 18 huyện, vẫn còn khoảng 304 điểm rác tồn đọng, với tổng lượng rác thải lưu cữu ước 65.000 tấn. Thêm nữa, tình trạng vứt rác bừa bãi ra đường làng, ngõ xóm, ao hồ vẫn diễn ra hằng ngày. Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) Nguyễn Xuân Huynh phàn nàn: Ngay tại trung tâm Hà Nội, khi thí điểm thu rác bằng xe cơ giới, vẫn còn 10% hộ dân chưa cho rác vào túi kín; vẫn còn hộ bỏ rác không đúng giờ, vứt ra hè khi xe thu gom đã đi qua”.

Dây chuyền xử lý rác thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Hải Anh
Dây chuyền xử lý rác thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Hải Anh

…đến bất cập trong xử lý

Với gần 3.900 tấn CTR được xử lý mỗi ngày, khối lượng rác được giải quyết bằng phương pháp chôn lấp là 3.670 tấn (khoảng 95%). Biện pháp xử lý này không chỉ chiếm dụng đất đai, tốn kém chi phí mà còn ảnh hưởng tới môi trường không khí, nguồn nước mặt, nước ngầm khu vực xung quanh.

Theo Công ty URENCO, Hà Nội hiện có 2 khu xử lý rác quy mô lớn là Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây), cùng một số khu xử lý rác quy mô nhỏ như: Hữu Bằng (Thạch Thất), Núi Thoong (Chương Mỹ), Tả Thanh Oai (Thanh Trì), Kiêu Kỵ (Gia Lâm)… Nhưng lượng rác chủ yếu được đưa về chôn lấp tại 2 bãi lớn là Nam Sơn và Xuân Sơn. Để giảm thiểu ô nhiễm, các ô chôn lấp đều thiết kế mương gom nước rác; sau khi lấp đầy được phủ bạt che; và sau thời gian nhất định URENCO trồng cây phủ xanh…

Khu xử lý rác Nam Sơn được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước rác, gom từ các ô chôn lấp; nước sau xử lý đạt quy chuẩn QCVN 5945 – 2005. Tuy nhiên, để giảm thiểu ô nhiễm, người dân tại 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ đã đề nghị thành phố xây dựng mương thu gom nước thải từ quá trình vận chuyển rác; giám sát chặt chẽ, bảo đảm việc vận chuyển rác thải vào Khu liên hợp xử lý rác Nam Sơn phải sử dụng xe chuyên dụng, tránh rơi vãi; hạn chế tình trạng ô nhiễm và phải có biện pháp xử lý kịp thời khi có sự cố.

Ngoài các khu chôn lấp, thành phố đã xây dựng và đưa vào hoạt động 2 nhà máy chế biến rác thải Cầu Diễn và Seraphin Sơn Tây. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, hai nhà máy này chủ yếu tái chế chất thải rắn, nên việc xử lý chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với tổng lượng chất thải hằng ngày.

Tạo cơ chế đặc thù, khuyến khích xã hội hóa

Việc chôn lấp rác đang gia tăng áp lực lên cơ sở hạ tầng và làm tăng chi phí xử lý ô nhiễm môi trường. Điều này đang đặt ra cho Hà Nội yêu cầu phải có một giải pháp tổng thể, từ phân loại rác tại nguồn, tổ chức thu gom đến áp dụng công nghệ tiên tiến để xử lý.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tồn tại lớn nhất của công tác quản lý, xử lý CTR sinh hoạt là chưa áp dụng được phương thức quản lý tổng hợp, chưa chú trọng các giải pháp giảm thiểu, phân loại CTR tại nguồn; tái sử dụng và tái chế chất thải, nhằm hướng tới giảm thiểu khối lượng CTR phải chôn lấp.

Trước đây, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã giúp Hà Nội triển khai dự án thí điểm phân loại rác tại nguồn. Nhưng khi thực hiện lại cần phải đầu tư quy trình sau phân loại. Hơn nữa, ý thức người dân chưa cao, không phải ai cũng tự giác phân loại rác. Ông Nguyễn Xuân Huynh cho biết, URENCO đang triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện đốt rác Nam Sơn, theo công nghệ Nhật Bản. Dự kiến, nhà máy hoạt động vào tháng 12-2016, với công suất đốt 75 tấn rác/ngày, sử dụng nhiệt đốt rác sản xuất 1.930kW điện/ngày. Tuy nhiên, nhà máy chỉ xử lý rác thải nguy hại không xử lý CTR sinh hoạt.

Theo các chuyên gia môi trường, giải pháp đốt rác, ít gây ô nhiễm, đang được nhiều nước tiên tiến áp dụng. Để đạt mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 Hà Nội trở thành Thủ đô xanh – sạch, CTR được phân loại, tận thu tối đa và xử lý bằng công nghệ tiên tiến, trước hết Hà Nội phải hoàn thiện cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư; có kế hoạch thực hiện với lộ trình rõ ràng. Được biết, hiện nay thành phố đã có chủ trương khuyến khích xã hội hóa; đồng thời có cơ chế đặc thù huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống thu gom, xử lý chất thải.